Từ xa trông Mũi Điện như một tấm lưng rùa khổng lồ ẩn hiện giữa trời xanh, biển lớn. Mũi Điện là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên, được mệnh danh là: “Điểm cực đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”.
Sài Gòn chạng vạng, khoảng 6 giờ chiều các thành viên trong đoàn chúng tôi hào hứng lên đường, bắt đầu một cuộc hành trình khám phá mới. Xe lăn bánh, sau khi vượt qua hơn 550km, gần 4 giờ 30 sáng chúng tôi đến được ngã ba Vũng Rô nằm trên Đèo Cả. Tuy khuôn mặt còn vẻ ngái ngủ sau hơn 10 tiếng ngồi xe, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi háo hức, phấn khích khi biết mình sắp được chinh phục nơi được mệnh danh là cực đông của tổ quốc.
Mũi Điện nằm gần Khu di tích lịch sử Vũng Rô - nơi nổi tiếng với những con tàu không số huyền thoại. Đường từ ngã ba Vũng Rô đến Mũi Điện dài độ 8km. Đây là một con đường nhựa đẹp và khá vắng bóng xe qua lại. Chúng tôi quyết định chọn một địa điểm thích hợp trên cung đường này để có thể ngắm toàn cảnh bình minh trên Mũi Điện.
Di tích tàu không số ở Vũng Rô.
Trời bắt đầu sáng. Phía đằng đông, những vết sáng hồng xuất hiện. Từ từ nó lan ra và chuyển sang cam vàng với nhiều lớp màu, tạo thành một đường sáng dài theo ranh giới giữa chân mây và đại dương xanh thẳm. Và rồi giây phút chúng tôi mong chờ nhất cũng đã đến. Mặt trời dần nhô lên trên biển. Ánh hào quang tỏa ra nhìn từ xa như một chiếc quạt lớn lấp lánh ánh kim, và chúng tôi nhanh chóng bắt lấy thời khắc ấy. Cùng với Bãi Môn êm đềm lặng sóng, nhánh núi Mũi Điện cõng trên mình ngọn hải đăng xa xa, ánh bình minh như mảnh ghép cuối cùng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Mặt trời từ từ lên cao, phản chiếu dãy ánh sáng trông như một con đường vàng trên biển. Qua ống kính máy ảnh, cảnh vật như đẹp hơn vì nó mang cả cảm xúc của người cầm máy. Đặc biệt, chúng tôi đã may mắn bắt được một hình ảnh hiếm hoi là ngọn hải đăng vẫn còn sáng đèn khi mặt trời đã hừng lên. Có được những bức ảnh thời khắc bình minh đầu tiên của Việt Nam, với chúng tôi quả là một cảm giác trên cả tuyệt vời.
Bình minh hải đăng Mũi Điện
Sau khi dùng bữa sáng, đoàn chúng tôi đi bộ thong thả ra Mũi Điện. Đường dẫn ra Mũi Điện là một con đường đá khang trang chạy dọc theo triền núi, hai bên là cây xanh bạt ngàn. Chúng tôi thấy cả Bãi Môn ở xa xa. Gần đến ngọn hải đăng Mũi Điện, nằm bên phải có một bảng chỉ dẫn đi Mũi Rạng Đông. Theo hướng đấy, chúng tôi đến được tấm bảng đá hoa cương khắc dòng chữ: “Điểm cực đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Các thành viên trong đoàn thay nhau chụp ảnh lưu niệm tại đây, để lưu một dấu mốc cho điểm đến đặc biệt này và cho cả những cảm giác rất tuyệt mà nó mang lại.
Đường lên Mũi Điện.
Con đường đá khúc khủy vào Mũi Rạng Đông.
Đường vào Mũi Rạng Đông.
Góc nhìn biển từ Mũi Rạng Đông.
Cột mốc chứng nhận điểm cực đông của tổ quốc
Các thành viên trong đoàn thay nhau chụp ảnh kỷ niệm tại điểm cực đông tổ quốc.
Từ Mũi Rạng Đông có một con đường ngắn khá cheo leo với nhiều tảng đá to dẫn đến ngọn hải đăng Mũi Điện. Đường dù khó đi, song cảnh vật lại rất đẹp như một phần thưởng xứng đáng cho người chinh phục nó. Chúng tôi hồi hộp leo lên từng bậc thang nhỏ hẹp trong ngọn hải đăng. Và cuối cùng, khi đứng được ở lan can của tòa tháp, các thành viên đã thật sự vô cùng hào hứng và thích thú. Từ trên đây có thể phóng tầm mắt rộng khắp cả một vùng đồi núi trùng điệp, biển trời xanh thăm thẳm. Một vẻ đẹp khiến bất cứ ai cũng phải lặng người. Gió cực mạnh. Có thành viên trong đoàn vì sợ gió thổi bay đi mất nên đã ngồi bệt xuống. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới cầm chắc được chiếc máy ảnh trên tay để ghi lại toàn cảnh Mũi Điện từ trên cao. Gió thốc vào mặt, thổi tung cả tóc, mang theo cái hơi mặn của biển. Đứng dang tay ra, chúng tôi cảm giác như mình là chú chim tự do giữa đại dương mênh mông đầy nắng và gió. Săn được bức ảnh đẹp đã là một niềm vui khó tả, nhưng săn được bức ảnh có cả cái tâm và xúc cảm của chính mình thì vô cùng hạnh phúc. Cảnh vật nơi đây làm chúng tôi phải say đắm, phải trầm trồ và cứ muốn đứng ngắm nhìn mãi. Đến khi rời khỏi, chúng tôi vẫn cứ ngoái nhìn và luyến tiếc.
Con đường cheo leo từ Mũi Điện lên hải đăng Đại Lãnh.
Bãi Môn nhìn từ đường lên Mũi Điện.
Sau khi từ ngọn hải đăng Mũi Điện xuống, trên đường ra về, chúng tôi thấy một tấm bảng “Bãi Môn” bên phải. Bãi Môn là một bờ biển còn khá hoang sơ với dải cát dài vàng mịn. Do được chắn gió bởi triền núi hai bên nên biển ở đây khá êm đềm và lặng sóng. Từ đây cho chúng tôi thêm được một góc nhìn mới về Bãi Môn. Không phải từ trên cao như trước nữa mà cận cảnh hơn những chiếc thuyền đánh cá nèo đậu, dòng nước biển trong xanh ngắt, những đàn cá nhỏ bơi lội nhởn nhơ như chưa từng có ai phá đi không gian của chúng... Một điểm đặc trưng của Bãi Môn là hình ảnh những cây rau muống biển leo kín nhiều đụn cát. Đặc biệt, chạy dọc ra biển có một dòng sông nước ngọt với nhiều chú bò thong dong gặm cỏ. Các thành viên trong đoàn bắt đầu tản ra, tìm cho mình những góc máy riêng. Cứ thế thả mình cùng thiên nhiên, dưới cái nắng miền Trung rát da chúng tôi say sưa tác nghiệp, thỏa cái đam mê và sáng tạo.
Tấm bảng công nhận địa điểm du lịch địa phương của Bãi Môn và Mũi Điện.
Con đường biển xuống Bãi Môn để xuống chân núi. Dòng nước dọc theo con đường là một dòng nước ngọt đổ ra biển.
Mỗi vùng đất đi qua, mỗi vẻ đẹp được ghi lại qua từng bức ảnh đều mang đến cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt. Và với Mũi Điện, nơi được xem là Cực Đông của Tổ quốc thì dòng xúc cảm lại càng mãnh liệt hơn. Những giây phút bình minh đầu tiên của Việt Nam, ánh đèn ngọn hải đăng, cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ được nhìn từ trên cao... có lẽ tất cả những hình ảnh đó, khó có thể nào quên được trong lòng mỗi chúng tôi, nhất là những người đam mê nhiếp ảnh.