Hành trình vượt đèo tử thần của những đàn ông gan dạ và đàn cừu khổng lồ

Mỗi năm trước khi mùa đông về, những người chăn cừu ở vùng núi Tusheti, đông bắc Georgia lại lùa đàn cừu của mình xuống đồng bằng tránh rét.

Mỗi năm trước khi mùa đông về, những người chăn cừu ở vùng núi Tusheti, đông bắc Georgia lại lùa đàn cừu khổng lồ của mình vượt qua đoạn đường khó khăn nhất thế giới để xuống đồng bằng tránh rét.

Hành trình vượt đèo tử thần của những đàn ông gan dạ và đàn cừu khổng lồ ở đông bắc Georgia

Cuộc sống ở vùng núi Tusheti, ở đông bắc Georgia, đã không thay đổi nhiều trong hàng trăm năm qua. Đó là nơi có số cừu nhiều hơn số lượng con người và không bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại.

Khu vực núi Tusheti, phía đông bắc Georgia là nơi có những con đường nguy hiểm nhất châu Âu và môi trường rất khắc nghiệt. Đây cũng là “thánh địa” của những người đàn ông gan dạ và đàn cừu khổng lồ.

Mỗi năm vào khoảng tháng 10, cả người và cừu sẽ thực hiện cuộc di cư được đánh giá là “đáng kinh ngạc nhất của lục địa”, đánh cược mạng sống của mình khi di chuyển từ đỉnh núi xuống vùng đồng bằng thấp hơn của Kakheti.

Để làm được điều này, họ phải di chuyển qua Abano Pass ở độ cao 2. 800 m, một trong những con đường nguy hiểm nhất trên thế giới.

Nhiếp ảnh gia Amos Chapple của Đài châu Âu tự do đã thực hiện chuyến đi khám phá cuộc sống của những người chăn cừu và ghi lại hành trình di cư của họ cùng những chú cừu.

Ý tưởng cho cuộc phiêu lưu đã đến với Amos Chapple trong một buổi chụp hình drone.

Trước đó, Chapple có nhiệm vụ thực hiện bộ ảnh của nhiều vùng trong cả nước bằng drone. Anh đã ở Georgia vào mùa hè và đã trải qua hai ngày trên núi Tusheti. Nhưng anh quyết định quay trở lại vùng đất này khi nghe kể về cuộc di cư của đàn cừu.

Chapple tin và hy vọng mình sẽ nắm bắt được những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống nơi đây, nhưng mọi thứ không dễ dàng như anh tưởng tượng.

Chapple chia sẻ: “Tôi và tài xế George đã có quãng thời gian khó khăn. Trong ba ngày ở đó, chúng tôi phải thay tới 5 lốp xe. Đường xấu, đất đá lở bắn vào thân xe. Nghiêm trọng hơn là khi George điều khiển chiếc Jeep theo sau một xe tải, chiếc xe này bỗng mất lực kéo và trôi xuống dưới về phía xe của chúng tôi”.

May mắn cả hai không bị thương, tài xế George được những người lái xe khác giúp đỡ nhưng sự cố này cũng khiến anh phải đến đồn cảnh sát để nộp báo cáo bảo hiểm.

Sau đó, Chapple theo chân của một nhóm sáu người chăn cừu di chuyển cùng đàn cừu của họ đi xuống từ ngôi làng trên đỉnh núi. Họ vượt qua đèo Abano, cách thủ đô Gruzia Tbilisi khoảng 200 km, đi về phía vùng đồng bằng, trước khi mùa đông Gruzia khắc nghiệt tràn đến.

Hành trình gian nan này được lặp lại mỗi mùa đông, trong hàng nghìn năm qua. Mỗi chuyến đi mất nhiều giờ đồng hồ để hoàn thành, trong đó, đoạn đi qua đèo Abano Pass là khó khăn và gian nan nhất.

Trước khi vượt đèo, những người đàn ông cùng nhau ăn bữa trưa đơn giản với bánh mì và phô mai từ sữa cừu cùng một ly rượu làm từ nho của vùng Gruzia. Họ dành vài phút để tưởng nhớ một người bạn quá cố đã chết chỉ một vài ngày trước trong tai nạn xe hơi trên con đường này.

Trên đường đèo họ gặp cả những xe ủi đất dọn đường và một vài loại xe khác. Những phương tiện này thường phải dừng lại khi gặp đàn cừu đi qua, vì chúng quá đông.

Những người đàn ông chăn cừu ở vùng núi này được đánh giá là những người gan dạ, vì họ có thể sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống thiếu thốn vật chất trên núi cao.

Sulkhan Gigoidze, 29 tuổi, cho biết anh thích cuộc sống trên núi hơn là ở các thị trấn hoặc thành phố. “Tôi thích cuộc sống tĩnh lặng, chỉ có một mình ở đây. Cuộc sống đông đúc nhiều người dưới kia khiến tôi không thoải mái”, anh ta nói với Chapple.

Con đường xuống núi không chỉ đoạn đường đèo tử thần mà còn có cả những đoạn núi dốc thẳng đứng, tuyết bám trên cỏ khiến chúng dễ trơn trượt hơn. Những người đàn ông này phải hết sức cố gắng dùng gậy, thậm chí cả móc bám để đi xuống.

Đối với nhiếp ảnh gia 36 tuổi người New Zealand, đây là chuyến đi đáng nhớ. Anh không nói chuyện được nhiều với những người chăn cừu do bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, anh cũng hết sức thận trọng khi di chuyển để tránh làm những con cừu hoảng sợ, chạy tách khỏi đàn.

Mỗi con cừu này có giá khoảng 60 USD. Chúng sẽ được giết thịt mà không phải lấy lông. Theo Amos, chăn cừu lấy thịt đem lại kinh tế hơn là cắt lông đem bán.

Một người bạn đồng hành với đàn cừu là chó con ba tháng tuổi, Georgik. Đây là lần di chuyển đầu tiên của Georgik và chú ta được người chủ ôm trên tay khi đi qua những đoạn dốc đứng.

Chó chăn cừu là người bạn không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Chúng giúp canh gác đàn cừu và phần nào chống lại được những con chó sói trên núi.

Sau hai ngày đi bộ qua mưa phùn, gió tuyết, những người chăn gia súc dần ló ra từ làn sương mù dày đặc. Từ đây Chapple phát hiện ra một khó khăn khác, họ cần phải tránh nắng gắt. Vì vậy, cả nhóm đã đi thẳng xuống dốc tới thung lũng ấm hơn ở phía dưới.

Trong ba ngày, họ đã mất tám con cừu, một điều khá là bình thường ở mỗi cuộc di cư.

Chapple nói: “Nếu con cừu dừng lại do chấn thương hoặc kiệt sức, chúng sẽ sớm chết vì bị phơi nhiễm, bị sói ăn thịt, hoặc được đưa thẳng đến giết mổ gia súc”.

Sau khi chuyến đi nguy hiểm kết thúc, Chapple cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ đến một vòi tắm hoa sen và ly bia.

Chapple cũng cho biết anh sẽ trở lại vùng núi này vào mùa xuân, mang cho những người chăn cừu ở đây bữa cơm ngon miệng và đầy đủ từ vùng đồng bằng và cho họ xem những bức ảnh mà anh đã chụp.

“Bạn biết đấy, những người chăn cừu ở đây không nghĩ tôi có thể thực hiện hành trình quay trở lại. Vì đó là một thách thức lớn. Nếu ai đó bị thương hoặc chết dọc đường đi sẽ là một sự phiền toái lớn đến mức khiến họ mất tất cả. Bởi vì hành trình sẽ chậm lại, những con cừu sẽ bị lạnh, gầy hoặc chết dọc đường. Nhưng tôi nhất định sẽ quay lại đó một lần nữa”.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social