Ngắm khung cảnh quan ngoạn mục và động vật hoang dã tại một trong mười công viên quốc gia độc đáo của châu Phi là niềm ao ước của không ít người. Dưới đây là 10 công viên quốc gia hấp dẫn hàng đầu của châu Phi.
Công viên quốc gia Serengeti
Công viên quốc gia Serengeti ở cộng hòa Tanzania là một trong những khu bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng và lâu đời nhất ở châu Phi. Công viên nổi tiếng với sự di cư hàng năm của hàng triệu linh dương đầu bò cộng với hàng trăm ngàn linh dương gazelle và ngựa vằn, mà chúng là những con mồi ngon của những loài động vật ăn thịt đang săn đón trên con đường di cư. Công viên cung cấp cho người xem một trong những quang cảnh thiên nhiên ấn tượng nhất trên thế giới.
Cuộc đại di cư là chuyến đi kéo dài, vất vả qua 1.000km diễn ra đều đặn mỗi năm trong một khung cảnh ngoạn mục, trên những đồng cỏ, những khu vực bằng phẳng không cây cối lớn chỉ rải rác những mỏm đá xen kẽ với dòng sông và cánh rừng. Công viên cũng là một trong số những nơi có sự tương tác giữa động vật ăn thịt – con mồi lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới. Công viên quốc gia Serengeti có diện tích 12.950km2 và được xem là một trong những hệ sinh thái tự nhiên ít bị tác động nhất trên trái đất.
Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara
Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara nằm ở tỉnh Narok của Kenya, tiếp giáp với vườn quốc gia Serengeti (Tanzania) và khu bảo tồn được đặt tên theo niềm tôn kính của người Maasai đang sống ở những khu vực này. Khu bảo tồn đặc biệt nổi tiếng với số lượng sư tử, báo hoa mai, báo gêpa, ngựa vằn, linh dương Thomson, linh dương đầu bò di cư từ Serengeti đến hàng năm. Mùa di cư bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10, được gọi là Cuộc di cư khổng lồ (Đại di cư).
Khu bảo tồn Maasai Mara là tương đối nhỏ nhưng lại là nơi tiếp đón một số lượng lớn động vật hoang dã. Công viên là nhà của 95 loài động vật có vú, động vật lưỡng cư, bò sát và hơn 400 loài chim. Trong đó 5 loài mãnh thú lớn (trâu, voi, báo, sư tử và tê giác) là rất phong phú, mà người ta có thể bắt gặp chúng ở khắp mọi nơi trong khu bảo tồn. Thêm vào đó là những loài như báo gêpa, linh cẩu, hươu cao cổ, linh dương đầu bò, linh dương sừng cong, khỉ đầu chó, ngựa vằn, hà mã và cá sấu ở sông Mara cũng góp phần làm giàu dân số cho khu bảo tồn.
Vườn quốc gia cấm Bwindi
Vườn quốc gia cấm Bwindi nằm ở phía tây nam Uganda ở Đông Phi, gồm 331km2 rừng nhiệt đới. Ngay cái tên vườn quốc gia này cũng nói lên rằng người ta chỉ được phép viếng thăm công viên bằng cách lội bộ đến. Nằm ở rìa phía đông của thung lũng tách giãn Albertine, công viên có một hệ sinh thái phong phú với một số lượng lớn nhất các loài cây mọc cao nhất ở Đông Phi.
Vườn cấm Bwindi cũng sở hữu động vật đa dạng bao gồm một số loài đặc hữu như bướm và là một trong những nơi mà động vật có vú tập hợp giàu có nhất ở châu Phi. Vườn cấm Bwindi còn là nhà của gần một nửa lượng khỉ đột núi của thế giới, mà cũng thật đáng buồn là chỉ có 340 cá thể.
Công viên quốc gia Amboseli
Amboseli là một trong những công viên quốc gia nổi tiếng nhất ở Kenya. Nằm ở phía nam của đất nước trên biên giới với Tanzania, công viên mang đến cho người viếng thăm một trong những quang cảnh cổ xưa và ngoạn mục nhất của ngọn núi Kilimanjaro với đỉnh cao 5.985m thống lĩnh những vùng đồng bằng xung quanh. Công viên quốc gia Amboseli thu hút du khách chủ yếu là do có đàn voi khổng lồ, thêm vào đó công viên cũng là nơi sinh sống của nhiều động vật ăn thịt như sư tử, báo hoa mai và báo gêpa. Ảnh một con voi băng qua con đường đất trong công viên quốc gia Amboseli và ngọn núi Kilimanjaro có thể nhìn thấy trong hình nền.
Công viên quốc gia Kruger
Công viên quốc gia Kruger là một trong những khu vực cấm săn bắn lớn nhất ở châu Phi và là một trong những công viên quốc gia lớn nhất thế giới, với diện tích 19.485km2. Kruger cũng là công viên quốc gia đầu tiên của Nam Phi mở cửa cho du khách viếng thăm vào năm 1926, mặc dù nhiều khu vực của công viên được chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt kể từ năm 1898. Công viên quốc gia Kruger có nhiều loài động vật có vú lớn hơn bất kỳ khu bảo tồn cấm săn bắn nào khác ở châu Phi, bao gồm cả năm loài mãnh thú lớn châu Phi (sư tử, báo, voi, tê giác và trâu).
Công viên quốc gia Chobe
Công viên quốc gia Chobe nằm ở phía tây bắc cộng hòa Botswana, gần biên giới với quốc gia Zambia, Zimbabwe và Namibia và là công viên nổi tiếng cho số lượng voi khổng lồ. Công viên có khoảng 50.000 con voi và có lẽ đây là công viên có số lượng voi tập trung đông nhất ở châu Phi. Thời gian tốt nhất để ghé thăm công viên Chobe là trong mùa khô từ tháng 4 đến tháng 10, vào thời điểm mà nhiều loài động vật sẽ tập trung lại tại vùng đất trũng khô gần bờ sông, là lúc mà người ta có thể quan sát động vật hoang dã ở công viên được dễ dàng hơn.
Công viên quốc gia Etosha
Công viên quốc gia Etosha nằm ở phía tây bắc Namibia, nó được mở rộng thêm với diện tích 22.270km2 và có cái tên đến từ một khu vực được phủ bạc trắng xóa – vùng trũng lòng chảo muối Etosha, chiếm gần 1/4 của công viên quốc gia Etosha. Công viên là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật có vú, chim và bò sát. Trong đó có một số loài bị đe dọa tuyệt chủng như tê giác đen. Lòng chảo muối Etosha có diện tích 4.800 km2 và được hình thành cách đây 16.000 năm.
Khu bảo tồn cấm săn bắn Central Kalahari
Khu bảo tồn này nằm ở sa mạc Kalahari của cộng hòa Botswana có diện tích 52.800km2, khoảng hai lần kích thước của tiểu bang Massachusetts (Mỹ) nên Central Kalahari là khu bảo tồn cấm săn bắn lớn thứ hai trên thế giới. Khu bảo tồn này mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng rộng mở lớn, những chảo muối và lòng sông cổ. Vùng đất của khu vực này chủ yếu bằng phẳng, vài nơi xốp nhấp nhô được bao phủ bởi những bụi cây, những cồn cát, và thậm chí có những khu vực được phủ lên nhiều cây cối lớn.
Công viên có nhiều động vật hoang dã như hươu cao cổ, linh cẩu nâu, lợn nanh sừng, báo gêpa, chó hoang dã, beo, sư tử, linh dương đầu bò xanh, linh dương châu Phi, linh dương Nam Phi, linh dương vằn kudu và linh dương sừng cong đỏ. Ảnh về thổ dân sinh sống ở sa mạc Kalahari, họ sống ở đây hàng ngàn năm và có niên đại từ thời kỳ đồ đá. Hậu duệ của họ vẫn còn sinh sống ở khu vực sa mac và di chuyển trong các vùng lãnh thổ như tay thợ săn du mục.
Công viên quốc gia Nechisar
Nechisar là một công viên quốc gia nhỏ chỉ có diện tích 514km2, nằm trên một phần của tầng thung lũng Rift, giữa hai hồ nước mang một quang cảnh ngoạn mục. Ở phía đông của công viên được bao bọc bởi những ngọn đồi Amaro cao khoảng 2.000m, về phía bắc công viên là hồ nước Abaya chiếm diện tích 1.070km2, quanh năm một màu đỏ. Phía nam là hồ Chamo, một hồ nước nhỏ khoảng 350km2, trong vắt như pha lê. Phía đông công viên là thị trấn Arba Minch, trụ sở chính của khu vực Bắc Omo. Hồ và những ngọn đồi Amaro bao quanh là vùng đồng bằng trung tâm đó, nhìn từ một khoảng cách xa xuất hiện màu trắng tinh khôi nên công viên có tên Nechisar hoặc “cỏ trắng”. Vườn quốc gia Nechisar được xem là một môi trường sống quan trọng đối với quần thể chim đặc biệt là những loài di cư. Công viên ghi nhận một số lượng lớn của chim bói cá, cò, bồ nông, chim hồng hạc và đại bàng cá.
Khu bảo tồn Ngorongoro
Khu bảo tồn Ngorongoro nằm ở tây bắc cộng hòa Tanzania. Độc đáo nhất của khu bảo tồn là miệng núi lửa Ngorongoro ngoạn mục, một ngọn núi lửa cũ đã sụp đổ và hình thành một miệng núi lửa. Cả mặt trong lẫn ngoài của miệng núi lửa dốc đã trở thành một môi trường sống tự nhiên tốt cho nhiều loài động vật hoang dã.
Ở bên ngoài vành miệng núi lửa, người Maasai chăn thả gia súc trên những vùng đồng bằng mà dường như không biết gì về những đàn động vật hoang dã cùng mình sẻ chia môi trường và quanh cảnh rộng lớn này. Khu vực công viên cũng mang ý nghĩa quan trọng trong việc truy tìm nguồn gốc của con người, là nơi có một số hài cốt cổ xưa nhất của con người đã được tìm thấy, trong đó có dấu chân người có niên đại 3,5 triệu năm tuổi.