10 khu chợ đêm đa sắc màu khắp ba miền


Đến một vùng nào đó, chắc chắn bạn sẽ muốn được tham quan các chợ đêm là nơi giao lưu văn hóa, ẩm thực… nổi bật nhất của địa danh đó. Dưới đây là một số khu chợ đêm không thể bỏ qua trên khắp mọi miền đất nước.

Chợ đêm Kỳ Lừa, Lạng Sơn

Là một điểm đến nổi bật của khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, chợ đêm hay còn gọi là chợ truyền thống Kỳ Lừa với lịch sử hàng trăm năm trở thành một biểu tượng văn hóa, mua bán trao đổi của người dân xứ Lạng.

Đây vừa là nơi buôn bán, vừa là điểm giao lưu gặp gỡ của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao trong khu vực và các vùng xung quanh. Mặt hàng được bày bán ở chợ chủ yếu là quần áo, nông sản, đồ dùng gia đình. Mỗi tháng, chợ họp 6 phiên vào các ngày mùng 2, mùng 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Bạn sẽ thấy thoải mái khi đến đây bởi người bán hàng ít khi mời chào và không níu kéo khách.

Chợ đêm phố cổ, Hà Nội

Chợ đêm phố cổ thực chất là tuyến phố đi bộ bắt đầu từ phố Hàng Đào và kết thúc tại chợ đêm Đồng Xuân, tạo thành một không gian đi bộ dài 3 km ngay sát hồ Hoàn Kiếm. Chợ được tổ chức từ 19h ba ngày cuối tuần (thứ 6, 7 và chủ nhật). Gần 400 gian hàng di động bày bán rất nhiều sản phẩm, từ quần áo, giày dép cho đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Hơn một năm trở lại đây, chợ đêm mở rộng ra các tuyến phố lân cận như Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện… tạo thành không gian văn hóa, ẩm thực… đặc sắc. Các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, quan họ, ca trù… thu hút được khá đông người quan tâm.

Chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội

Đây là một trong những khu chợ họp buổi đêm đặc sắc nhất Hà Nội, tập trung đủ chủng loại hoa tươi từ khắp nơi, không chỉ của các vùng Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm… mà còn từ Đà Lạt về. Chợ thường họp khoảng 3 – 4h sáng. Vào những dịp kỷ niệm hoặc lễ Tết, chợ đông đúc hơn nhiều, thậm chí họp từ tối hôm trước hoặc cả ngày. Sức hấp dẫn của chợ hoa nằm ở sự bạt ngàn các loại hoa: hồng, lan, hoa ly, cúc, cẩm chướng… còn đẫm sương đêm và lung linh sắc màu.

Bạn sẽ không tìm thấy sự xô bồ, bon chen ở trong các khu chợ bình thường tại đây, ngoại từ dịp Tết. Có lẽ, khu chợ cũng mang trong mình nét nhẹ nhàng, thanh lịch như chính “sản phẩm”. Đến với chợ hoa Quảng Bá, mọi người đều có thể chọn cho mình những bó hoa ưng ý nhất với giả cả khá phải chăng.

Chợ Viềng, Nam Định

Ở Nam Định có bốn chợ Viềng, song hiện nay người ta chỉ nhớ đến hai nơi nổi tiếng nhất là chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dày (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản). Chợ nổi tiếng là nơi “mua may, bán rủi”, chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 7 tháng giêng Âm lịch.

Theo quan niệm dân gian, đây là phiên chợ của thần tiên trên trời, do vậy dù mua bất kỳ vật dụng ở chợ Viềng cũng sẽ mang may mắn, tin vui cho cả gia đình. Là phiên chợ đặc trưng cho cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, bạn sẽ không thể tìm thấy những mặt hàng trong các chợ thông thường như áo quần… Đa số sản phẩm bày bán tại đây là nông cụ như dao, kéo, liềm… Năm mặt hàng được “săn đón” nhiều nhất là cây cảnh, dụng cụ lao động, đồ cũ, tiền cổ và thịt bò.

Chợ đêm Hội An, Quảng Nam

Tọa lạc trên đường Nguyễn Hoàng, TP Hội An, Quảng Nam, chợ đêm Hội An phục vụ du khách với gần 50 gian hàng trải dọc theo tuyến phố dài hơn 300m. Cứ tầm 17h, chợ đêm lại lên đèn bày bán những sản vật thủ công của dân địa phương. Thị giác của du khách sẽ được thỏa mãn với vô số sắc màu đến từ những chiếc đèn lồng Hội An nổi tiếng, những mâm tò he xinh xắn, đồ gốm Thanh Hà, vải vóc, lụa là….

Ngon mắt, miệng cũng được ngon với những món ăn nức tiếng phối Hội như cao lầu, mì quảng, chè mè đen. Từ lâu, nơi đây trở thành điểm tham quan, chụp hình lý tưởng, dạo phố của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chợ nón lá Gò Găng, Bình Định

Nằm cách thành phố Quy Nhơn 30km về phía bắc, chợ Gò Găng chỉ họp lúc trời nhá nhem và tan khi những tia nắng đầu tiên vừa le lói, thế nên chợ còn được gọi là chợ gà gáy. Chợ được hình thành từ thời Tây Sơn, ra đời chủ yếu phục vụ cho binh lính vua Quang Trung. Hàng trăm năm nay, chợ chỉ bán mặt hàng duy nhất là nón lá thô và các nguyên liệu làm nón.

Mỗi phiên chợ, số nón thu mua được có khi lên tới năm sáu nghìn chiếc. Bán xong rồi, người bán lại trở thành người đi mua những nguyên liệu làm nón như lá giang rừng và lá nón. Chợ họp về đêm, nên người bán kẻ mua chỉ nhận ra nhau nhờ tiếng gọi ý ới hay từ ánh đèn dầu leo lét, thế mà vẫn rôm rả, tấp nập như thường.

Chợ đêm – phố đi bộ Nha Trang, Khánh Hòa

Phố đi bộ Nha Trang nằm bên hông Trung tâm Văn hóa 46 Trần Phú, Nha Trang là chợ đêm sầm uất nhất của thành phố biển này. Chỉ mới đi vào hoạt động được khoảng 5 năm, nhưng đây là địa điểm được khá nhiều du khách lựa chọn cho nhu cầu mua sắm, ăn uống dạo chơi của mình.

Từ 15h đến 23h hàng ngày, hơn 100 gian hàng trong chợ đêm bày bán rất nhiều sản phẩm lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, áo quần, giày dép, sản vật biển như ốc, sò, san hô. Chợ có không gian tương đối thoáng đãng và khá sạch sẽ. Các quầy ẩm thực được bố trí san sát nhau với thực đơn gồm các món ăn đặc sản địa phương như bún sứa, chả cá, bún chả. Thêm vào đó, quản lý chợ còn khéo léo lồng ghép khung cảnh làng quê Việt Nam vào đây như những chiếc xe ngựa, bụi chuối, cầu tre để du khách thỏa sức tạo dáng, chụp hình.

Chợ Âm Phủ, Đà Lạt

Trái ngược với cái tên “Âm phủ” rùng rợn, nơi đây lại rất náo nhiệt. Do trước kia, hàng quán tại chợ tập trung bán về khuya, lại không có đèn điện như hiện nay nên người ta tạm gọi là chợ Âm Phủ, lâu dần, dù đã được mở rộng và ngày một hiện đại, người dân Đà Lạt vẫn quen truyền tai nhau cái tên Âm Phủ này.

Chợ hoạt động liên tục từ 18h đến 6h sáng, bày bán đầy đủ mặt hàng từ quần áo, vải vóc, đồ lưu niệm. Đặc biệt nơi đây có nhiều sản phẩm len với giá khá rẻ. Búp bê len được làm thủ công với hình thức bắt mắt cũng là quà lưu niệm độc đáo thường được khách du lịch chọn mua. Nơi đây còn phục vụ vô số món ăn nóng hổi phù hợp với khí trời lành lạnh của Đà Lạt như đồ nướng, bánh canh, sữa đậu hay món bánh tráng nướng nổi tiếng…

Chợ đêm Bến Thành, TP HCM

Nằm đối diện 2 cửa Đông và Tây của chợ Bến Thành – biểu tượng đất Sài Gòn Gia Định, chợ đêm Bến Thành không chỉ dành cho khách du lịch nước ngoài mà còn thu hút khách bình dân với những món hàng giá cả phải chăng.

Các gian hàng dọn ra từ lúc trời nhá nhem nhưng tấp nập nhất vẫn là sau 8h tối, đa số bày bán các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, kính mát phụ kiện. Những người sành mua hàng khuyên bạn trả giá một nửa hoặc hai phần ba giá mà người bán đưa ra. Ẩm thực trong chợ khá phong phú, phục vụ những món ăn đặc trưng của cả ba miền như phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang, thậm chí có cả một số món ăn Trung Hoa với giá cả tương đối rẻ và được niêm yến rõ ràng trên các bảng hộp đèn cho du khách.

Chợ đêm Dinh Cậu, Phú Quốc

Chợ trải dài 500m trên đường Võ Thị Sáu, gần đền Dinh Cậu, huyện đảo Phú Quốc. Từ sau 5h chiều, con đường này sẽ cấm các loại xe lưu thông, biến thành phố đi bộ và bắt đầu đông đúc nhộn nhịp từ sau 7h tối. Nếu bạn muốn chọn những hải sản tươi ngon hoặc chụp ảnh thì nên đến sớm để tránh đông đúc. Sản phẩm chính của chợ là các loại hải sản tươi sống và các món ăn được chế biến từ hải sản.

Đi dọc theo chợ, du khách sẽ ngửi thấy mùi thơm của rất nhiều món ăn ngon như mực, ghe luộc, cá nướng, sò nướng mỡ hành, bánh canh chả cá … Bạn có thể chọn ăn ngay trong quán hoặc mang đi ăn dọc đường tham quan, tất cả món ăn đều có có giá cả khá đa dạng và bạn hoàn toàn có thể mặc cả với chủ quán.


Hà Nội - Miền Bắc


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam