8 điểm đến không thể bỏ qua khi đến Phú Quý


Đến với đảo Phú Quý, Bình Thuận, du khách sẽ có cơ hội được ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, ăn món cua Huỳnh Đế siêu rẻ, ngắm phong cảnh từ ngọn hải đăng lớn nhất Việt Nam…

Là một huyện đảo xinh đẹp cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 56 hải lý. Phú Quý (còn gọi là Cù Lao Thu hay Cù Lao Khoai Xứ) là một hòn đảo hoang sơ có diện tích 16km2 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận.

Biển Phú Quý mang một vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng rất thơ mộng. Nước biển trong veo, những con sóng tung bọt trắng xoá, các bãi cát trắng trải dài dưới những hàng dương xanh rì… Chính những đặc điểm tuyệt vời này đã tạo nên một hòn đảo Phú Quý hấp dẫn, đẹp bình dị trong mắt khách du lịch.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi nhiều nhiều bãi tắm như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ – Gành Hang… mà Phú Quý còn có nhiều danh thắng cho bạn khám phá như: Chùa Linh Quang, chùa Vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh, dinh mộ Thầy Nại, miếu bà chúa Bàng Tranh ở xã Long Hải, ngôi chùa cổ Linh Sơn trên núi Cao Cát…

Vịnh Triều Dương

Đây là địa điểm quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa, với bãi cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng rất thích hợp cho du lịch dã ngoại.

Vịnh Triều Dương được xem là bãi tắm lý tưởng của khách du lịch khi đến nghỉ dưỡng và khám phá cảnh quan thiên nhiên tại Phú Quý.

Bãi Nhỏ – Gành Hang

Là một bãi tắm nhỏ có ình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển, bãi Nhỏ – Gành Hang được coi là bãi tắm đẹp nhất ở Phú Quý.

Bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.

Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã hơn 250 tuổi. Hiện chùa còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn Ban.

Vạn An Thạnh

Tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Hiện nay, tại Vạn An Thạnh còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi.

Dinh mộ Thầy Nại

Được xây dựng từ thế kỷ 17, đây được xem là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng biển. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an.

Ngọn Hải đăng – Núi Cấm

Hải đăng Phú Quý nằm trên ngọn núi Cấm với độ cao 108m so với mực nước biển, cách Cảng 3km về phía Tây thuộc xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.

Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá uốn lượn theo triền núi, dài khoảng 200m. Từ ngọn Hải đăng, bạn có thể ngắm trọn vẹn nét đẹp hoang sơ của hòn đảo Phú Quý.

Chùa Thạnh Lâm

Tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ 18. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung.

Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: Cổng Tam quan, bảo tháp, tháp bia, tháp chuông, chính điện và nhà Tổ.

Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật du khách còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý.

Chùa Linh Sơn – Núi Cao Cát

Là một quần thể thắng cảnh đẹp của huyện Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.

Ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc trên núi Cao Cát, ở độ cao gần 80 mét so với mực nước biển. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo. Từ khi tạo dựng đến nay, ngôi chùa trở thành nơi thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và người dân trên đảo đến chiêm bái Phật.


Kinh nghiệm đi chơi đảo Phú Quý

Thời gian

Bạn có thể ghé thăm đảo Phú Quý, Bình Thuận vào bất cứ thời gian nào trong năm.

Phương tiện

Bạn có thể khởi hành từ Sài Gòn đi Phan Thiết bằng tàu hỏa hoặc xe chất lượng cao. Vé tàu hỏa có giá khoảng 170.000 đồng và vé xe khách có giá 130.000 đồng. Từ cảng Phan Thiết, bạn tiếp tục vượt hành trình 110km trên biển ra đảo Phú Quý bằng tàu.

Tàu đi Phú Quý thường xuất phát 8h sáng và 11h trưa hàng ngày, nhưng nếu thời tiết xấu và biển động, lịch trình có thể thay đổi, do đó bạn cần dò hỏi và theo dõi để biết chuyến tàu ra đảo. Tàu ra đảo thường khá đông, nhiều người còn trải chiếu nằm la liệt, nên tốt nhất bạn ra ngoài tranh thủ đón gió và chụp hình.

Vui chơi ăn uống

Đến đảo Phú Quý, bạn có thể khám phá hòn đảo, tổ chức đốt lửa trại, dạo biển hoặc câu mực, câu tôm. Đảo Phú Quý tuy còn khá hoang sơ, nhưng các dịch vụ cần thiết như ăn uống, giải khát rất chu đáo.

Bạn có thể ăn sáng trong nhà dân xóm chài Tam Thanh, Long Hải, Đông Hải, Ngũ Phụng.

Buổi trưa đi ra cảng mua hải sản và nhờ người dân chế biến, vừa ngon lại vừa rẻ. Chiều tối nên uống cà phê tán dóc với bạn bè, tận hưởng chút không khi mát lành của biển đảo và tối vào chợ đêm ăn những món dân dã như bánh canh, bánh xèo, bánh căn…

Đến Phú Quý, bạn không thể bỏ qua loại hải sản đặc biệt là cua mặt trăng, trên mai có nhiều hình tròn màu đỏ đậm pha hồng. Loại cua này thịt thơm ngon, nhất là vào kỳ trăng mọc. Cua mặt trăng là loại hải sản sống ẩn náu trong bãi đá san hô, quanh hòn đảo. Cua thường được hấp hoặc nướng chấm muối tiêu chanh.

Trên đảo Phú Quý có dịch vụ thuê xe giá 100.000 đồng/ngày nên bạn có thể vi vu khắp hòn đảo.


Nha Trang - Duyên Hải miền Trung


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam