Bên trong những thổ lâu “bất khả xâm phạm” ở Trung Quốc


Nằm ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, những thổ lâu như những tòa pháo đài kiên cố, là nơi sinh sống của hàng chục gia đình hay cả một dòng họ. Nhờ vào thiết kế độc đáo, những thổ lâu trở thành nơi cư trú an toàn cho người dân địa phương từ thế kỷ 12, giúp tránh khỏi những nạn cướp bóc hay động đất.

Ở vùng núi phía Tây Nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hiện nay còn lưu lại hơn 20.000 thổ lâu (lầu đất) được xây bằng đất nện từ thế kỷ 12 của người Khách Gia và các dân tộc khác tại đây. Chúng được xây nhằm bảo vệ người dân khỏi những tên cướp có vũ trang lộng hành ở Phúc Kiến vào khoảng thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 19. Tới ngày nay, một số thổ lâu đã có tuổi thọ hơn 600 tuổi, được coi là “hóa thạch sống” của kiến trúc xây dựng cổ ở Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2008, UNESCO đã công nhận 46 tòa thổ lâu của tỉnh Phúc Kiến là Di sản thế giới.

Những thổ lâu này rắn chắc như những pháo đài bất khả xâm phạm. Bằng chứng là vào năm 1934, một nhóm nông dân nổi dậy đã chiếm một thổ lâu để chống lại các cuộc tấn công của quân đội. Có 19 quả pháo bắn vào thổ lâu nhưng chỉ tạo ra một vết lõm nhỏ.

Kiến trúc thổ lâu còn được gọi là kiến trúc Hakka, do người Hakka xây dựng. Các thổ lâu được xây dựng trên diện tích lớn, có thể hình vuông hoặc hình tròn nhưng hình tròn là phổ biến nhất vì sức kháng động đất lớn, không gian rộng, lại thông gió. Bên cạnh đó, kiến trúc thổ lâu còn tập trung vào mục đích chính là “pháo đài” bảo vệ. Bởi vậy, các thổ lâu chỉ có một cửa và không có cửa sổ dưới tầng trệt. Cổng của thổ lầu thường là điểm trọng yếu nhất, thường được gia cố bằng đá và sắt.

Chất liệu làm nên lầu đất cũng vô cùng đặc biệt. Đất được trộn với cát lấy từ dưới sông, thậm chí còn có cả trứng gà, gạo nếp và nhiều thứ khác. Tất cả được nung theo một bí quyết riêng tạo nên một thứ chất liệu rất vững chắc. Những bức tường đất có thể dày tới gần 2m. Còn các cửa sổ được làm bằng gỗ dày khoảng 5 – 6cm với lớp ngoài được gia cố bằng tấm sắt.

Một thổ lâu thường lớn, có từ 3 – 5 tầng với tầng trên cùng lợp ngói. Bên trong thổ lâu được chia làm nhiều phòng, phòng chứa thực phẩm, ngăn chứa vũ khí, phòng khách, phòng thờ… Ngoài ra, tầng trên cùng thổ lâu còn có gác nhỏ để quan sát, đồng thời thiết kế những lỗ châu mai để có thể bắn súng từ trong ra. Ở giữa thổ lâu thường là một sân trời có giếng nước – đây là chỗ thờ cúng tổ tiên và tổ chức các hoạt động cộng đồng như hiếu, hỉ.

Mỗi thổ lâu có thể xem như một ngôi làng nhỏ hay một “vương quốc nhỏ” của một đại gia đình. Trái ngược với cấu trúc đơn giản bên ngoài, bên trong mỗi thổ lâu được xây dựng trang trí khá cầu kì, sao cho ấm áp vào mùa đông, mát vào mùa hè. Các phòng đều đủ ánh sáng, thông gió tốt và toàn bộ tòa nhà được xây dựng sao cho chống được động đất.

Với thổ lâu lớn có thể chứa tới 800 người hay là nơi sinh hoạt cho 80 gia đình. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải, tất cả các căn hộ trong thổ lâu được xây dựng giống nhau. Tài sản chung như giếng nước, cây trái trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Sự bình đẳng trong quan hệ này cùng kiến trúc thuận lợi cho phòng thủ giúp cho các thổ lâu dễ dàng hơn trong việc chống lại nạn trộm cướp hoành hành ở miền Nam Trung Quốc.

Một số thổ lâu nổi tiếng nhất phải kể tới: Điền Loa Khanh, Dụ Xương, Thừa Khải, Tập Khánh, Sơ Khê… Trong đó, thổ lâu Điền La Khang được xây dựng vào năm 1796. Đây là kết cấu thổ lâu đẹp nhất của tỉnh Phúc Kiến, gồm 3 tòa hình tròn, 1 toà hình bầu dục và một toà hình vuông nằm giữa. Còn thổ lâu Dụ Xương là thổ lâu cổ nhất Phúc Kiến, xây dựng vào năm 1308, do 5 dòng họ: Lưu, La, Trương, Đường và Phạm chung sức kiến tạo. Đây cũng là thổ lâu có kiến trúc đặc biệt nhất: nghiêng mà không đổ.

Xem thêm một số hình ảnh ấn tượng về các thổ lâu Phúc Kiến:

  


Đông Bắc Á


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam