Cặp tượng đá Memnon khổng lồ cao tới 18m nằm bên bờ tây sông Nile, đối diện với thành phố Luxor hiện đại của Ai Cập, là tượng Pharaoh Amenhotep III vị vua trị vì Ai Cập cổ đại cách đây 3.400 năm. Ngày nay, nơi đây là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút những du khách hiếu kỳ.
Cặp tượng đá mô tả vị vua trong tư thế ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, gương mặt hướng ra phía sông Nile. Ban đầu, đây là hai bức tượng đặt trước ngôi đền Amenhotep kỳ vĩ được xây dựng lúc sinh thời của vị Pharaoh này. Song, những trận lụt hàng năm từ sông Nile đã bào mòn nền móng của nó cho đến các đời Pharaoh sau đó quyết định phá hủy toàn bộ ngôi đền và tái sử dụng phần đá của nó để làm các công trình khác.
Vì lý do nào đó, các bức tượng vẫn còn, tuy chịu sự tàn phá của thiên nhiên và thời gian.
Có một truyền thuyết rằng vào năm thứ 27 trước công nguyên, một trận động đất lớn đã xảy ra khiến cho các bức tượng bị sụp từ phần thắt lưng trở lên và phần dưới thì bị nứt vỡ. Từ đó, nửa phần dưới còn sót lại của pho tượng phát ra một thứ âm thanh lạ lùng giống như là tiếng nhạc. Thứ âm thanh lạ kỳ này phát ra vào lúc bình minh, được cho là do sự gia tăng nhiệt độ khiến cho sương từ pho tượng bay hơi tương tác với các vết nứt của nó tạo ra. Âm thanh này đã thu hút một lượng lớn du khách La Mã và Ai Cập hiếu kỳ.
Memnon – cái tên của hai bức tượng đá – có nguồn gốc từ đây. Memnon là vị vua Ethiopia, người dẫn đầu đội quân bảo vệ thành Troy sau này bị Achilles. Memnon được cho là con trai của nữ thần bình minh Eos. Do vậy, sau khi ông mất, mẹ của ông, nữ thần Eos rơi những giọt nước mắt (sương) để khóc than con mình. Bắng mối liên tưởng đó, người ta cho rằng các bức tượng hát chính là Memnon khóc cùng mẹ mình, hoặc là tiếng hát của bà mẹ khóc con. Chính bởi truyền thuyết này, nhiều du khách lầm tưởng rằng tượng đá này là tượng vua Memnon chứ không phải tượng các vị vua Pharaoh cổ đại của Ai Cập.
Các tượng đá hát như thế nào? Thời nay chúng ta phải tìm hiểu những ghi chép lịch sử mới có thể khám phá được, bởi tiếng hát đó đã tồn tại từ rất lâu. Theo những tài liệu ghi chép đầu tiên của các sử gia Hy Lạp và nhà địa lý Strabo, người tuyên bố đã nghe thấy âm thanh từ bức tượng vào năm 20 trước công nguyên, âm thanh được mô tả giống như một tiếng gió. Các du khách Hy Lạp vào thế kỷ thứ 2 và nhà địa lý Pausanias thì ví nó với chuỗi âm thanh của cây đàn lia vỡ vụn. Những người khác thì tả âm thanh này như tiếng huýt sáo.
Trong hơn hai thế kỷ, cặp tượng hát này đã thu hút vô số du khách từ các miền đất xa xôi, trong đó có nhiều vị hoàng đế La Mã. Nhiều dòng chữ khắc trên chân tượng cho biết họ có nghe thấy âm thanh lạ lùng của nó hay không. Có 90 chữ khắc vẫn còn có thể đọc được cho tới ngày nay.
Vào năm 199 sau công nguyên, hoàng đế La Mã Septimius Severus cho trùng tu những bức tượng và những âm thanh được cho là tiếng hát của pho tượng cổ không còn được nghe thấy nữa.