Theo tín ngưỡng Myanmar, mỗi ngày trong tuần sẽ có một linh vật hộ trì cho người sinh ngày đó, như thứ tư là voi trắng.
Chàng trai đến du lịch Myanmar bật mí cách tính linh vật theo ngày sinh
Tôi đến du lịch Myanmar vào một ngày thu nhẹ nhàng. Không biết có phải bởi tiết trời chiều lòng người không, mà cảm giác tĩnh lặng tràn ngập tâm hồn tôi.
Myanmar có 3 mùa là mùa thu, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, tiết trời nóng nực. Mùa mưa với những cơn mưa rả rích, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa thu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, thời tiết đẹp cho những chuyến du lịch Myanmar. Cũng có lẽ bởi trời không mưa, thời tiết mát mẻ, nên rất phù hợp cho những bước chân trần sải dài trên con đường dẫn tới các ngôi chùa nơi đây.
Đáp chuyến bay sáng, chúng tôi đến Myanmar vào chớm giờ chiều. Ăn trưa và nghỉ ngơi một chút, chúng tôi háo hức chuẩn bị cho điểm đến đầu tiên trên hành trình khám xứ sở chùa tháp.
Từ Việt Nam hàng ngày đều có các chuyến bay nối Hà Nội và TP HCM với Yangon. Hãng hàng không Vietnam Airlines mở đường bay này từ năm 2010 và Vietjet Air mới khai trương hồi tháng 7 năm nay, cho bạn nhiều lựa chọn về giá cả và giờ bay. Sau này, khi chuyến đi kết thúc, tôi mới nhận ra rằng mình chọn thời gian khởi hành thật hợp lý. Bởi ngắm hoàng hôn ở ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar vào ngày đầu tiên của hành trình là trải nghiệm không thể quên trong đời.
Mặt trời ngả bóng trên miền đất Phật. Ảnh: Minh An.
4h30 chiều, chúng tôi dừng xe trước chùa vàng Shwedagon – ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của Myanmar. Hướng dẫn viên khuyên chúng tôi để lại giầy dép trên xe bởi chỉ rời ôtô khoảng chục mét nữa, chúng tôi sẽ ở trên đất của chùa, nơi được quy định trên khắp Myanmar là mọi người phải đi chân trần. Điều này cũng không có ngoại lệ cho các nguyên thủ quốc gia khi đến bất kỳ ngôi chùa nào ở đất nước này.
Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thang máy để lên tầng 3, nơi được nối với con đường dẫn vào cổng chùa. Trên đường dẫn khoảng 300 mét, anh nói về lịch sử hình thành của Shwedagon. Chùa lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Tháp dát vàng của chùa cao tới 99 mét. Chùa lại nằm trên đồi Singuttara, từ đây có thể quan sát được cả cố đô Yangon.
Theo truyền thuyết và ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng nó được xây lần đầu vào khoảng từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.
Qua cánh cổng phía nam dẫn vào chùa, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng trước ánh sáng lung linh ngập tràn các toà tháp, cứ như ông trời thắp hàng nghìn ngọn đèn vàng phủ xuống những tháp chùa cao thấp, to nhỏ khác nhau. Len lỏi qua các con đường nhỏ vòng quanh chùa, tôi cứ như đang đi trong mê cung dát vàng, đôi lúc ánh hoàng hôn giống mật ong tràn ra khắp nơi.
Những con đường lúc thì dẫn đến khoảng sân rất rộng, lúc lại đưa đến các nút thắt nhỏ nằm giữa bao tòa tháp nhấp nhô san sát nhau. Chỗ này, những người dân đang quỳ gối cầu nguyện, chỗ kia những vị khách đến từ Tây Âu đang chụp ảnh, góc khác lại có các thầy tu ngồi niệm Phật hay đang đàm đạo với du khách… Tất cả hoà quyện với nhau trong màu vàng óng của hoàng hôn.
Một vị sư thầy trò chuyện cùng khách thăm chùa. Ảnh: Minh An.
Ngôi chùa rộng tới 50.000 m², với 1.000 ngọn tháp lớn nhỏ, mỗi ngày đón hàng chục nghìn lượt khách. Nhưng dù đi quanh chùa, ở phía nào bạn cũng đều nhìn thấy tháp vàng Shwedagon.
Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm và linh thiêng nhất của người dân Myanmar. Thân và ngọn tháp dát vàng ròng, đỉnh tháp được gắn hàng nghìn viên kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và lục lạc vàng. Đáng chú ý nhất, trên đỉnh tháp cao chót vót rực sáng một viên kim cương 76 carat. Ngôi chùa ước tính được dát tổng khối lượng vàng tới 90 tấn.
Người ta ước rằng chỉ tính riêng giá trị của những viên đá được gắn trên đỉnh của toà tháp cao nhất thôi thì cũng bằng nửa giá trị của hòn đảo nhân tạo ở Dubai, nơi có toà tháp Burj Khalifa, từng chiếm lĩnh vị trí cao nhất thế giới năm 2010.
Mỏi chân, tôi dừng bước bên thềm một ngọn tháp nhỏ và được một thanh niên bản địa bắt chuyện. Tôi hỏi anh về ngôi chùa, người dân Myanmar và phần nhiều về tín ngưỡng. Anh nói người dân ở đây dậy rất sớm để đi chùa, mỗi ngày họ đến chùa 2-3 lần, vừa cầu nguyện, hóng mát hay ngồi chơi giữa không gian rất yên tĩnh.
Những ngọn nến thắp ngoài sân chùa. Ảnh: Minh An.
Anh hỏi tôi về ngày sinh và giải thích rằng, theo tín ngưỡng Myanmar, mỗi ngày trong tuần sẽ có một vị linh vật hộ trì cho người sinh ngày đó. Chúng tôi tình cờ cùng sinh vào thứ tư, ứng với voi trắng. Nhưng anh bạn sinh buổi sáng, voi sẽ có ngà, thể hiện sức mạnh ra bên ngoài, còn tôi sinh buổi chiều, ứng với voi không có ngà và tập trung nội lực bên trong.
Sau đó, anh dẫn tôi đến làm lễ ở nơi có linh vật ứng với ngày sinh của mình. Các ngày trong tuần ứng với các linh vật hổ, sư tử, voi, chuột, chuột lang, rồng và linh vật nửa người nửa chim hộ trì cho ngày chủ nhật.
Vừa đi, anh vừa chỉ dẫn tiếp cho tôi về nghi lễ tắm Phật. Các phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy để tỏ lòng thành kính rồi cầm chiếc gáo nhỏ múc nước hương thơm rưới lên tượng Phật. Ba gáo nước tắm Phật gột rửa cho ba ác nghiệp của bản thân trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Khi tắm Phật cũng là lúc thành tâm nhất. Theo thứ tự trong gia đình, người lớn tuổi làm trước, rồi đến con cái và các cháu.
Và cứ thế, anh đưa tôi khám phá từng ngóc ngách nhỏ của ngôi chùa rộng lớn mà lúc trước, khi miên man theo ánh sáng màu mật ong, tôi đã bỏ qua. Chỗ này là linh vật chủ nhật, chỗ kia có điểm đặc biệt về bàn chân phật, chỗ lại là điểm thắp nến để cầu nguyện, và cả nơi có hòn đá to để bạn cầu nguyện và thử nhấc lên. Anh nói rằng, nếu tôi ước gì thì hãy cầu nguyện rồi nhấc hòn đá lên ba lần, nếu nhấc được, lời nguyện cầu sẽ sớm trở thành hiện thực.
Quay lại điểm hẹn dưới một tán cây lớn, giữa bóng lá lung linh với hàng nghìn tia sáng tôi thấy lòng mình bình yên. Những viên ngọc đỏ, hồng… lấp lánh trong ký ức của tôi mỗi lần nghĩ về chuyến hành hương về đất Phật.
Lưu ý:
Chùa không đốt nhang mà chỉ dùng nến, thắp bên ngoài điện. Phật tử có thể ăn nghỉ và tổ chức ca nhạc trong chùa.
Khách mặc đồ ngắn, đồ quá mỏng không được vào chùa hoặc phải mua/ mượn đồ bán sẵn khoác thêm.
Viếng chùa vào sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất vì đỡ nóng chân.
Vào cổng chùa, bạn phải cởi bỏ giày dép và vớ, kể cả vớ da, đi chân không. Tiền gửi dép mỗi người hay cả nhóm đều đồng giá 1.000 kyats (khoảng 2.000 đồng). Nếu lấy túi ni lông (bao xốp) đựng giày để xách mang theo từng người giá cũng vậy. Nên mang theo khăn ướt để lau chân sau mỗi lần viếng.