Vỏn vẹn 3 ngày ở vùng đất hoang dã Đông Phi chỉ cho phép tôi chọn lang thang ở hòn đảo Lamu hay sẽ khám phá một trong những thủ đô lớn nhất vùng Đông Phi. Sau bao trăn trở, cuối cùng tôi quyết định ở lại Nairobi để tiếp tục những câu chuyện mưu sinh của người dân Phi châu ở một nơi được xem là tồi tàn nhất thế giới, khu ổ chuột Kibera ở thủ phủ của Kenya.
Trong cuốn sách tựa đề “Bóng đen thành phố, hành trình qua các khu xóm ổ chuột trên thế giới”, nhà báo người Mỹ Neuwirth đặc biệt nhắc đến 4 khu xóm ổ chuột khổng lồ: nổi tiếng nhất là Rocinha thuộc thành phố Rio de Janeiro của Brasil; tiếp đến là khu ổ chuột Kibera, thủ đô Nairobi ở Kenya; thứ ba là Mumbai của Ấn Độ, và thứ tư là khu ổ chuột Sultanbeyil nằm trong lòng thành phố Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Kibera thôi thúc tôi quyết định tìm hiểu cuộc sống của người dân châu Phi khi mà khu vực này khá phức tạp nếu không muốn thông qua một công ty du lịch để dẫn đường.
Kibera, khu bóng tối của Nairobi
Kibera hiện là nơi sinh sống của khoảng 1,6 triệu người thuộc nhiều sắc tộc, thành phần, chủ yếu đến từ các vùng nông thôn kém phát triển của Kenya, chia sẻ khoảng không gian chưa đến 2,5km vuông. Tính chất đa sắc tộc đã khiến Kibera trở thành địa điểm của những xung đột trong suốt lịch sử hơn 100 năm tồn tại của khu xóm ổ chuột được xem là lớn nhất châu Phi này.
Những ngày lang thang ở châu Phi, tôi chưa có dịp tường tận hình ảnh nghèo đói, thiếu thốn thật sự của người dân Kenya đã được xem qua những bộ phim tài liệu trên truyền hình. Vì thế có thể nói, không đến Kibera xem như chưa đến Nairobi, lại càng chưa đến Kenya. Kibera có nhiều khu xóm khác nhau đan xen hỗn độn như một tổ mối khổng lồ. Không điện nước, không hệ thống đường xá, cuộc sống ở Kibera gần như không có dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Ngoài sự sự đói nghèo và thiếu thốn, Kibera bị cho là nơi cư trú của những tội phạm đường phố.
Atieno, chủ nhà trọ đã quyết định đưa tôi đến nơi được gọi là khu bóng tối của Nairobi.
Men theo những dãy phố bán quần áo, giày dép, túi xách cũ, chúng tôi len lỏi vào những ngõ nhỏ dẫn đến xóm Makina. Trước mắt chúng tôi là những dãy nhà lụp xụp đắp bùn đất hoặc được che bằng những tấm tôn, phần nhiều đã cũ nát. Tên khu ổ chuột hoàn toàn đúng theo nghĩa đen khi những con chuột cống khổng lồ, xù xì chạy nhởn nhơ men theo các vách nhà đất. Chúng dường như chẳng sợ con người. Anh chàng Atieno cho tôi biết phần lớn những ngôi nhà tạm bợ ở đây là nhà thuê. Nhà kha khá ở Kibera thì được cho thuê với giá 1.500shilling/tháng (khoảng 330.000 đồng Việt Nam). Còn những nhà tệ hơn được cho thuê với giá 1.000shilling/tháng. Chưa tính vô số khoản chi tiêu khác, chỉ tiền thuê nhà đã khiến họ mất đứt từ 1/3 đến 1/2 thu nhập của cả nhà, do thu nhập bình quân của mỗi gia đình ở Kibera chỉ vào khoảng 3.000shilling/tháng.
Chúng tôi tiếp tục qua một con hẻm nhỏ nhấp nhô đá để vào ngôi nhà của những người đàn bà quá lứa lỡ thì nuôi những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Những phụ nữ này kiếm sống bằng việc bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho khách, bện tóc cho cư dân trong xóm và nhận một phần tiền trợ cấp nuôi mấy đứa nhỏ cơ nhỡ từ các tổ chức từ thiện ở nước ngoài. Bọn trẻ nằm ngủ lăn lóc trên sàn nhà trong buổi trưa hanh nắng của xứ Phi châu.
Atino chỉ cho tôi một nhóm phụ nữ đang cười rôm rả bên một căn lều tạp hóa cũ kỹ. Anh ta giải thích rằng: các chị em phụ nữ đang tụ hợp bàn luận việc hụi hè. Tại Kibera, họ đã thành lập các “nhóm chơi hụi” như ở nông thôn Việt Nam, là một loại nhóm đầu tư, cho nhau mượn tiền để làm ăn mà không có lời, với mục đích tự tài trợ, giúp đỡ cho nhau. Một điều tôi nhận ra rằng, dù chật vật mưu sinh nhưng họ vẫn không thiếu thốn nụ cười.
Vòng quanh khu Makina, tôi nhìn thấy rất nhiều cửa hàng cửa hiệu nho nhỏ. Gọi thế nhưng đa phần chúng chỉ là những sạp hàng vài ba cọng rau, con cá khô, bán than đá, vài loại trái cây không còn tươi, tạp phẩm… Cũng có những quán rượu xập xệ, tiệm hớt tóc, cửa hàng điện thoại di động và cả… nhà trọ. Tôi thấy rất nhiều người trong trang phục đầy bụi bặm đi lại trên đường. Anh chàng chủ nhà trọ cho biết đa số những người này đang đi tìm việc, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là có chút tiền để trang trải cuộc sống ở thủ đô Nairobi ngày càng đắt đỏ.
Độc đáo trang sức được làm từ xương động vật
Tại nhiều nền văn hóa châu Phi, sau khi giết thịt một con bò, người ta không bỏ đi thứ gì, kể cả xương. Với truyền thống này, một nhóm thanh niên ở khu ổ chuột Kibera đã làm ra những món đồ trang sức đẹp mắt từ xương bò, xương dê, xương cừu. “Victorious Bones” là tên thương hiệu của một nhóm làm giàu từ chính những phần bỏ đi của động vật, rác thải, một nguyên liệu quá thừa mứa của vùng đất hoang dã này.
Anh Hanif, một công nhân chế tác ở Victorious Bones, cho biết, tại Kenya, rác thải bị ném bừa bãi khắp nơi và nhóm anh đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường thông qua việc thu gom tái chế xương thú và tạo ra những sản phẩm rất đẹp mắt bán cho khách du lịch.
Mọi quy trình chế tác đều được thực hiện theo phương pháp thủ công và trải qua khá nhiều công đoạn. Trang sức thường là khuyên tai, vòng cổ cho đến vòng tay và nhẫn, có hình dạng và kích thước khác nhau. Tùy thuộc vào độ tinh xảo của thiết kế mà người thợ có thể mất từ 4 đến 10 tiếng để hoàn tất sản phẩm, có sản phẩm lên đến 20 giờ theo yêu cầu khắt khe của khách. Nhóm thành niên này có thể làm ra khoảng vài trăm khuyên tai và vòng cổ mỗi ngày phụ thuộc vào từng đơn đặt hàng. Hanif cho biết, đây là lĩnh vực kinh doanh rất cạnh tranh bởi ngoài thị trường, mọi người đua nhau tạo ra những sản phẩm đầy sáng tạo và độc đáo.
Hiện nay, nhóm đang phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ địa phương để giới thiệu sản phẩm tới du khách. Họ cũng đã xuất khẩu trang sức tới Bắc Mỹ, đặc biệt là những du khách đến từ Canada. Không những thế, Victorious Bones còn tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho địa phương với hơn 50 lao động đến từ các khu xóm của Kibera. Một số lao động giỏi tay nghề thì tự tách ra làm riêng và bán sản phẩm ở những khu chợ tập trung nhiều du khách nước ngoài. “Lao động ở đây có thể kiếm đủ tiền cho con ăn học, mua thực phẩm cho gia đình và chi trả tiền thuê nhà. Đây là một số thành quả không hề nhỏ mà những lao động nghèo đã đạt được. Trong cuộc sống, bạn phải lựa chọn một trong hai thứ: hoặc là chấp nhận sự nghèo đói và vô vọng hoặc là phải bước đi với đôi chân của chính mình”, Hanif chia sẻ khi tôi muốn biết thêm về cuộc sống của họ.
Rời khỏi Kibera với cảm xúc hỗn độn, ánh mắt những đứa trẻ, hình ảnh những ngôi nhà không ra nhà mà lại là nơi cư trú của hàng triệu người lao động nghèo khổ cứ mãi quẩn quanh trong kí ức. Cuộc sống của họ vẫn tồn tại chậm rãi trong bóng tối của đói nghèo và lạc lõng song hành với sự phát triển hào nhoáng ngoài kia.
Nairobi, thành phố “trộm cướp”
Tôi e dè khi đọc trong sách hướng dẫn du lịch của Lonely Planet gọi Nairobi là Nairobbery, có nghĩa là thành phố trộm cướp. Chính quyền Nairobi thì cảnh báo khách du lịch nước ngoài không được đi bộ ra phố ban đêm, đặc biệt những chỗ vắng vẻ, thiếu ánh sáng. Nạn ăn xin, lừa lọc, cướp giật, hãm hiếp không phải là chuyện hiếm. Thế nên hãy cẩn thận, tự bảo vệ mình và đi theo nhóm khi dạo ở phố xá Nairobi.
Nhưng với tôi, Nairobi là một ví dụ điển hình của vấn nạn giao thông. “Nếu bạn đã chứng kiến tình trạng ách tắc giao thông ở Nairobi, bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ”, Odhiambo, một anh chàng chạy xe ôm, nói và chỉ tay và dòng lũ những chiếc ô tô và xe tải đang chen nhau nhích lên từng chút một, xả ra những đám khói đen ngòm và cánh lái xe thì thi nhau bóp còi inh ỏi. Và bạn biết không, tôi đi xe ôm từ nhà nghỉ đến trung tâm thành phố chưa đầy 3km mà phải mất đến gần 45 phút.
Từng một thời nổi tiếng với biệt danh “thành phố mặt trời” của Đông Phi, Nairobi giờ đây đã trở thành một thành phố có hệ thống giao thông lộn xộn đến mức chính phủ Kenya ước tính thiệt hại do hệ thống tồi tệ này gây ra lên tới hàng trăm triệu USD. Tắc nghẽn giao thông đang đe dọa kinh tế, giảm thiểu các nhà đầu tư và cản trở thành phố này trở thành thủ đô châu Phi cấp quốc tế. Tình trạng này cộng với thái độ tham gia giao thông ẩu, xe chở quá tải và cảnh sát giao thông tiêu cực càng khiến tình hình tồi tệ hơn, biến một trong những thành phố lớn nhất châu Phi này trở thành một biển xe tắc nghẽn và chìm trong khói bụi. Những tài xế lái matatus, phương tiện giao thông công cộng chính ở Nairobi nổi tiếng coi thường luật giao thông. “Họ thường đi lấn làn đường để vượt xe đi trước, phóng qua cả đèn đỏ và bấm còi inh ỏi khi cần. Va chạm chết người là chuyện thường tình, bởi nếu tuân thủ luật giao thông thì cánh bác tài sẽ không bao giờ đến điểm dừng đúng giờ”, Odhiambo giải thích.
Ba ngày ở Nairobi đã cho tôi nhiều cảm xúc trái ngược nhau và thấy thêm nhiều lát cắt của cuộc sống. Sự trong sáng, hồn nhiên của những đứa trẻ tương phản với sự ngạo ngược của những gã da đen đường phố, sự lạnh lùng của những viên cảnh sát. Cũng như màu da đen có nhiều thang bậc, sắc độ và được tôn lên bởi màu nóng rực rỡ như đỏ, vàng, cam… ¬Đó mới là cuộc sống!