Có thể nói không nơi nào trên đất nước hình chữ S này là có nhiều hoa như thành phố Đà Lạt; ở đây, từ hoa của xứ nhiệt đới đến các loài hoa của vùng lạnh giá phương Tây. Hoa phương Đông nhẹ nhàng, duyên dáng, ở Đà Lạt du khách sẽ không khó để bắt gặp màu hồng của hoa Mai Anh Đào, hoa Tường Vi; Màu tím nhẹ nhàng quyến rủ của hoa Phượng Tím, hoa Forget me not; Màu vàng của hoa Ly, hoa Thiên Lý, màu đỏ của hoa Hồng; màu trắng của hoa huệ, hoa trà mi...
Đêm đến, lữ khách có thể thưởng ngoạn với hương thơm ngọt ngào và dịu dàng của hoa Dạ Lan, hoa Lài, Hoa Hồng...làm cho khung cảnh đêm của Đà Lạt càng thơ mộng và quyến rũ hơn. Đà lạt có rất nhiều loài hoa xinh đẹp, nhưng nổi bật hơn hết về số loài là hoa Cúc hay được nhắc đến là hoa Sans- souci, sau đó là hoa Cẩm Tú Cầu, hoa Bươm Bướm, hoa Violette, hoa Bất Tử, hoa loa kèn. Một số loài hoa xinh đẹp khác có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phí hay Châu Âu nhưng được Việt Nam hóa thành tên tiếng Việt như: hoa Hoàng Anh (verged’or) hoa Thược Dược, hoa Hải Đường, hoa Lồng Đèn, hoa Xác Pháo, hoa sen Cạn.
Đó là những loài hoa xuất xứ từ nhiều phương trời khác nhau hội tụ về đây, còn nói đến núi rừng Langbiang thì hoa bản địa nhiều vô số kể, hoa ở đây vừa lạ vừa đẹp mắt, một số loài có thể kể ra ở đây như hoa Đỗ Quyên, hoa Anh Đào, hoa Mua, hoa Bướm Bạc, hoa Sim tím...
Hoa Anh Đào vốn dĩ là một loài hoa mọc hoang dại trong rừng, những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp mang về trồng ở Đà Lạt. Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào dịp tết Nguyên Đán hoa lại khoe sắc khắp mọi nơi một màu hồng rực báo hiệu mùa Xuân sang và một nắm mới lại đến. Cây Anh Đào Đà Lạt còn có tên khoa học là prunus cerasoides, loài hoa này có 5 cánh hoa trên một bống giống như hoa Mai. Cây hoa Mai Anh Đào có đặc tính của loài cây ôn đới, khi đến mùa thu thì rụng hết lá và bắt đầu ngủ Đông. Khi mùa Xuân đến, hoa khoe sắc hồng khắp nơi nhưng chỉ trơ trọi hoa mà không có lá. Vào năm 1964 thành phố Đà Lạt đã đặt mua một số cây hoa Mai Anh Đào từ Nhật Bản mang về trồng bên hồ Xuân Hương, tuy nhiên do nhiệt độ và độ ẩm trong không khí chưa đủ thấp nên những cây Anh Đào này đã không sống nổi.
Hoa hồng là một loại hoa có nguồn gốc từ Trung Đông, một số loài hoa như hồng lutea được người Châu Âu mang từ Trung Quốc về trồng từ thế kỷ thử 18. Bên cạnh đó, Đà Lạt còn có nhiều loài hoa Hồng khác mang tên Phương Tây như Brigide Bardot có màu hồng thắm, Hồng silver star có màu tím nhạt, loại hồng America có màu đỏ tươi rực rỡ, hồng Josephine Kennedy có màu vàng óng ánh, loài hồng Grace Monaco màu hồng phấn trang đài như hoàng hậu xứ Monaco.
Còn một số loài hoa Phương Tây hay Úc thì từ khi được mang về trồng ở Đà Lạt vẫn giữ được cho mình cái tên nguyên thủy như hoa Mimosa, hoa Lys, coquelicot, marguerite, gerbera...
Nói về hoa Lan, Đà Lạt có hơn 200 loài khác nhau, trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại thành phố ngàn hoa này và được mang tên Lan Đà Lạt và Lan Langbiang.
Các loại Lan ở Đà Lạt được xếp thành 3 loại chính là thổ lan, thạch lan và phong lan. Thổ lan là một dạng địa lan, mọc trên đất hay xen kẻ trên những khe suối ẩm ước trong rừng thẳm. Thạch Lan là lan đá, loại lan này mọc chủ yếu trên những khe đá trong rừng sâu có rêu phong phủ lấp. Phong lan là một loại hoa Lan sống cộng sinh trên các thân cây có lớp vỏ ẩm ước.
Hoa Lan còn được đặt tên theo các hình dáng và màu sắc của hoa, lá hay thân, rễ của nó. Một số loài Lan có tên theo hình dáng có thể nhắc đến như Lan Hạt Đính, Lan Bạch Hạc, Nhất Điểm Hồng, Thủy Tiên, Tiên Hài, Hàm Lâm, Kim Điệp, Long Tu, Hoàng Lan, Bò Cạp...Đa số các loại Lan vừa kể trên đầu nở trong mùa Đông và mùa Xuân. Thường thì những người yêu hoa Lan và chơi Lan thường mua chúng về để thưởng thức và trưng bày trong dịp tết truyền thống của Việt Nam.
Lan là một loài hoa quý phái được người chơi chăm sóc và nuông chiều khi nó hội tụ đủ điều kiện về hình dáng và màu sắc. Vì vậy mà các nhà chơi hoa Lan ở Đà Lạt lâu nay đã chi rất nhiều tiền của và công sức để tô điểm cho những cành Lan được xinh đẹp hơn.
Từ những loài hoa Lan sống cộng sinh trên các thân cây khác nhau trong rừng, Lan được con người nhân giống bằng củ và đem bán ra các thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều giống hoa Lan được nhập từ nước ngoài về như chateau, sayonara, balkis, oriental legend...cũng giúp cho Lan Đà Lạt thêm phần phong phú và đa dạng hơn.
Ngoài hoa Lan, trên những đồi cỏ hoang, những bãi đất trống tại Đà Lạt, du khách còn có thể bắt gặp các loài hoa dại như me đất, hoa trinh nữ, mắt nai, huệ đất, cúc quỳ,..đó là những loài hoa đẹp và dễ phát triển. Lại có một số loài hoa có tác dụng về y dược như hoa Bồ Công Anh, hoa Cúc Nút Áo...những loài hoa này vừa xinh đẹp lại vừa cho ích cho y học.
Nhìn chung, đến với Đà Lạt đi đâu bạn cũng sẽ thấy toàn hoa và rất nhiều loài hoa nên người ta vẫn thường gọi nơi này là "Thành phố của ngàn hoa".