Để bảo vệ tài nguyên biển và cũng là để kích cầu du lịch, người dân ở Sri Lanka và Indonesia có những cách thiết thực bảo tồn rùa biển.
Riêng ở Sri Lanka, việc buôn bán trứng rùa cũng như sử dụng trứng và thịt, hoặc nấu món súp rùa, đều là phạm tội.
Bảo tồn rùa biển ở Sri Lanka
Với gần 1.600 km bờ biển, Sri Lanka là điểm đến yêu thích của nhiều du khách – nhất là những người mê thể thao. Tại đây bạn có lướt ván, chèo thuyền, lái thuyền buồm, trượt nước, lặn biển… Đặc biệt, bạn còn có thể ngắm thật nhiều các loài rùa biển.
Một trong những điểm đến lý tưởng là bãi biển Kosgoda, nơi có khá nhiều chủng loài rùa biển và các trại rùa giống. Những trại này được thiết lập dọc theo bờ biển để bảo vệ trứng và rùa khỏi các động vật ăn thịt.
Tuy từ tháng 10 đến tháng 4 là mùa rùa đẻ trứng chính, nhưng một số rùa mẹ lại cảm thấy Kosgoda là bãi đẻ an toàn nên tìm đến đây và đẻ… quanh năm.
Khi tôi chuẩn bị hành trang đến Kosgoda, một người bạn thân khuyên thử đến Bentota vì cho rằng một số khu cứu hộ và chăm sóc rùa biển ở Kosgoda đã hơi thiên về kinh doanh du lịch.
Anh bạn này kể: có vài chú rùa biển bơi vào gần bờ, được ngư dân Kosgoda cho ăn và dụ lên bãi cát để du khách đến chụp ảnh và ‘”xin kinh phí”, và điều này khiến anh bực mình.
Bentota cũng có rất nhiều trại sản xuất rùa giống. Phương thức hoạt động của các trại đa số giống nhau: cho nhân viên đi thu gom trứng rùa ngoài các bãi đẻ nơi bờ biển – thu mua trứng rùa từ ngư dân ở vùng hẻo lánh – nhận chăm sóc rùa con, rùa bị thương.
Thường trong các trại này có những bãi cát được thiết kế giống bãi cát nơi rùa thường lên đẻ trứng. Trứng rùa sau đó được đem vào ấp sau khi đã loại bỏ trứng hư.
Các bé rùa con sau khi nở sẽ được chăm sóc cho cứng cáp (thường là 2 đến 4 ngày tuổi) rồi được thả ra biển. Khi thả, người ta sẽ chọn một bãi biển thích hợp với thủy triều, gió. Luôn thả vào hoàng hôn để các bé rùa có nhiều cơ hội bơi xa hơn trước các loài thủy cầm ăn thịt hay sống gần ven biển.
Cũng như Kosgoda, tại Bentota có chương trình đặc biệt kéo dài hai tuần lễ dành cho các tình nguyện viên chăm sóc rùa biển. Còn du khách, dưới sự giám sát của các nhân viên trung tâm, có thể chụp ảnh rùa, giữ rùa trên tay và cho rùa ăn.
Ngày hội thả rùa ở Kuta, Bali
Bali là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, và Kuta – mà chúng tôi quen gọi là đảo rùa, ngoài phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng còn là bãi sinh hạ của các nàng rùa biển.
Hiện chung quanh đảo có khoảng 50.000 con rùa sống tự nhiên, gồm có 6 loài rùa mà tên của chúng thường do dân địa phương đặt theo hình dáng bên ngoài.
Từ chỗ tự phát, các ngư dân sống trên đảo được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các thành viên Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã thế giới trong việc bảo tồn các loài rùa, đưa trứng ngoài bãi vào các trại ấp, sau khi nở lại mang ra biển thả…
Trên đảo còn có trạm xá cho những con rùa lớn bị thương hay bệnh tật. Chúng sẽ được thả về biển sau khi được bác sĩ chuyên về sinh vật biển thăm khám và xác nhận đủ sức khỏe để sống trong tự nhiên.
Từ khi trở thành hòn đảo trung tâm của việc bảo tồn rùa tại Indonesia, đảo rùa luôn thu hút du khách, thậm chí vào mùa rùa đẻ sẽ có khoảng 10.000 khách du lịch đến tham quan.
Riêng việc thả rùa con về biển đã được Hiệp hội bảo tồn rùa biển Bali (BSTs) tại Kuta biến thành một lễ hội thực sự từ nhiều năm nay. Đầu tiên là thông báo trên trang web của hiệp hội. Chỉ có số du khách đăng ký sớm mới có thể tham dự.
Du khách tham dự được phát những cái hộp nhỏ, trong đó là các bé rùa con vài ba ngày tuổi. Dưới sự hướng dẫn của các nhân viên, các bé rùa được thả xuống cát trong khoảng cách quy định. Và du khách hồi hộp nhìn những chú rùa tí xíu đua nhau ra biển trong ánh hoàng hôn..
Chỉ thế thôi, nhưng bãi biển nơi thả rùa đen kín người. Ai cũng vui tươi, hồi hộp, phấn khích. Nhất là những người trẻ.
Các hoạt động bảo vệ rùa biển ở Indonesia đang được đẩy mạnh nhằm mang lại môi trường sống tốt nhất cho các loài rùa biển. Rùa có thể tự do đẻ trứng trên bãi biển mà chúng cảm thấy thích.
Người dân địa phương không bới nhặt trứng rùa để ăn hay bán mà còn tự bảo vệ bãi cát nơi rùa đẻ. Chỉ có những bãi có nguy cơ bị xâm hại họ mới đào trứng lên, mang về trại ấp.
Lang thang trên đảo rùa, tôi vẫn gặp những phụ nữ hoặc thiếu niên ôm những con rùa lớn như một con vật nuôi thân thiên, thân mật mời du khách chạm vào con vật hoặc chụp hình. Du khách có thể tặng tiền hoặc không, người dân không đòi hỏi.
Vì sao người dân bảo vệ rùa? Hơn ai hết, họ ý thức rõ khi số lượng rùa biển tại các đảo tăng lên, du lịch ngắm rùa cũng sẽ “phất” theo. Đời sống họ nhờ vậy cũng khá lên, nhẹ nhàng hơn nhiều so với đi đánh bắt cá.
Bảo vệ rùa và làm du lịch
Ngoài việc bảo vệ, chăm sóc rùa, ngư dân cùng nhau làm du lịch. Với những chiếc thuyền lớn có đáy gắn kiếng trong suốt, họ chở khách từ các bờ biển xung quanh sang đảo rùa tham quan, đưa du khách đi ngắm các vùng có san hô, cá, sứa, các loài nhuyễn thể và rùa biển sinh sống, tổ chức tour lặn biển, bơi lội, lướt sóng…