Dinh 1 Đà Lạt hiện nay đang là điểm đến check-in độc đáo cho giới trẻ và cũng là địa điểm lý tưởng cho những bộ ảnh cưới của các cặp đôi. Bất kỳ ai từng tới Dinh thự chắc chắn đều rất ấn tượng với 2 hàng cây tràm thân trắng cổ thụ cao vút bên lề con đường lát đá dẫn vào Dinh.
Dinh 1 Đà Lạt là công trình nổi tiếng do người Pháp xây dựng ở Đà Lạt mang những nét kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của nước Pháp. Khu dinh thự gắn liền cùng tên tuổi vị vua thời kỳ phong kiến cuối cùng tại Việt Nam – vua Bảo Đại. Đến nay, công trình này là một trong những địa điểm du lịch ở Đà Lạt được rất nhiều du khách yêu thích tìm đến.
Phòng làm việc trong dinh thự
Vậy Dinh 1 Đà Lạt ở đâu? Dinh nằm ở số 1 Trần Quang Diệu, trên ngọn đồi cao khoảng 1.550 mét, giữa những cánh rừng thông bạt ngàn, thơ mộng, thuộc địa phận phường 10 và cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 4 km về phía Đông – Nam. Nên đến đây bạn có thể thuê một khách sạn trong thành phố Đà Lạt để thuận tiện cho việc đi lại. Dinh 1 có tổng diện tích khoảng 60 hecta, một trong những công trình đồ sộ nhất thời bấy giờ, được xây dựng bởi Robert Clément Bourgery – một triệu phú đồng thời là viên chức trong chính quyền thực dân Pháp, từ những năm 1929.
Giờ mở cửa Dinh 1 Đà Lạt: 7h00 – 17h30 tất cả các ngày trong tuần.
Điện thoại cổ điển
Từ năm 1949 đến năm 1955, nơi này là Tổng hành dinh của vua Bảo Đại ở thời kỳ ông là Quốc trưởng. Tới năm 1956, nơi đây được sử dụng riêng cho Ngô Đình Diệm, Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Tham quan Dinh 1 Đà Lạt
Suốt những năm tháng ở đây, Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng nhiều công trình mang tính chất quân sự như sân đáp máy bay trực thăng. Đường hầm để thoát hiểm, kho xăng, và nơi làm việc của những quân nhân dưới quyền. Đặc biệt ở thời kỳ này, tất cả cánh cửa đều có sự gia cố để nặng tới vài trăm kg, lắp thêm rất nhiều pháo và kính chống đạn xung quanh.
Máy bay trực thăng
Sau đó, Dinh 1 Đà Lạt vẫn làm nơi nghỉ ngơi của những nguyên thủ chế độ cũ tới ngày giải phóng năm 1975. Sau này, Dinh có nhiều mục đích sử dụng khác nhau nên đã dần dần xuống cấp.
Với thực trạng đó và việc nhận ra tiềm năng du lịch tương lai, Trung tâm Quản lý nhà Thành phố Đà Lạt đã bàn giao lại công trình này cho Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt vào năm 2014 để khôi phục, trùng tu và chỉnh trang lại Dinh thự để đưa vào hoạt động phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và tham quan.
Con đường lát đá với hai bên là hàng cây tràm
Bất kỳ ai từng tới Dinh thự chắc chắn đều rất ấn tượng với 2 hàng cây tràm thân trắng cổ thụ cao vút bên lề con đường lát đá dẫn vào Dinh. Hai hàng cây được trồng bởi chủ nhân ban đầu của Dinh với mong đợi rằng sẽ có một khung cảnh êm đềm, lãng mạn như những khung cảnh nhà vườn huyền ảo, xinh đẹp thường thấy ở nước Pháp để vợi bớt đi nỗi nhớ mong quê nhà khi ở chốn đất khách quê người. Con đường cũng thấm đượm nhiều kỷ niệm trong tình yêu của những đôi trẻ qua nhiều album ảnh cưới theo phong cách phương Tây.
Xe ngựa cũ được sơn lại
Tiếp theo bạn sẽ bắt gặp 9 cây chà là được vua Bảo Đại trồng với ý nghĩa là “Cửu Long”, có nghĩa 9 con rồng, hay là mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn và phát triển thịnh vượng. Chín cây chà là lại tựa như để trấn giữ long mạch vùng đất mà ông đã chọn là Tổng hành dinh.
Cầu thang cổ điển châu Âu trong dinh thự
Cuối những hàng cây là tòa Dinh thự vàng rực giữa không gian bát ngát sắc xanh lá, có kiến trúc độc đáo và xinh đẹp, mang dáng vẻ tao nhã, uy nghi, cổ kính. Đây là nơi tái hiện cuộc đời vô cùng sóng gió nhưng cũng rất huy hoàng của vua Bảo Đại.