Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày tết ở các nước trên thế giới, để phần nào hiểu thêm về con người, văn hoá và lối sống ở những nơi ta sẽ ghé qua.
1. Đêm giao thừa tại đất nước Brazil
Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.
Tiệc mừng năm mới thường là tiệc về tín ngưỡng nhưng ngày nay nó đã trở thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khoẻ. Nếu ở gần biển, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, thường là 7 ngọn sóng và ném hoa ra biển khi ước. Ngoài ra, một số người còn thắp nến trên bờ biển.
2. Tết năm mới tại Mỹ
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày.
Vào đêm 31 tháng 12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp mê hồn rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống ” Auld Lang Syne”, tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.
Lễ đón năm mới truyền thống ở đây bắt đầu từ năm 1904. Năm đó, chủ nhân của toà nhà Số 1 trên Quảng trường Thời Đại đã tổ chức một bữa tiệc trên đỉnh của toà nhà này. Hiện nay, nóc của toà nhà vẫn được chọn làm điểm đặt quả cầu thuỷ tinh. Nó chứa hàng nghìn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ.
Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Điều thú vị là ở chỗ có nhiều người mặc trang phục và ăn những đồ ăn đặc biệt. Những người mong muốn tìm thấy tình yêu thực sự thường chọn những bộ đồ màu vàng còn những người hy vọng kiếm được nhiều tiền thì mặc trang phục màu bạc.
Có những người khác lại đón chào năm mới bằng những bữa ăn ngon. Song có một điểm mà không phải ai cũng biết là họ ăn bắp cải với hy vọng nó sẽ mang đến cho mình… may mắn và tiền bạc. Ở miền nam, bữa ăn truyền thống trong năm mới gồm đậu, hành, gạo, thịt lợn muối xông khói…
3. Tết của người Anh
Tuy ở Anh lễ đón năm mới không được tổ chức long trọng như lễ Giáng sinh, nhưng vẫn có nhiều hoạt động chức mừng năm mới theo phong tục tập quán riêng. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người ta tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến. Mọi người nắm tay nhau hát bài Auld Lang Syne.
Đêm giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cữa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Theo phong tục của người Anh, sau giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo. Nếu người khách đầu tiên là đàn ông tóc đen hoặc là người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng may mắn cả năm. Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Người đến làm khách trong đêm giao thừa trước khi nói chuyện phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà “mở cửa gặp may”. Bữa tiệc đón mừng năm mới bắt đầu từ 8h tối giao thừa đến sáng sớm hôm sau mới kết thúc. Nữa đêm người Anh lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, cùng nhau chạm cốc, hát hò và nhảy múa trong không khí tưng bừng, náo nhiệt đón mừng năm mới.
4. Tục đón Tết tại Đức
Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ đều nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới. Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau treo lên nhưng cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng năm mới”.
Người Đức nổi tiếng là tiết kiệm, nhưng họ cũng để lại một phần các món trong các bữa ăn đầu năm mới cho đến sau nửa đêm để đảm bảo rằng năm tới đồ ăn của mình không bao giờ hết. Ngoài ra, người ta còn cho vào tủ đựng thức ăn một con cá chép vì tin rằng nó mang lại sự thịnh vượng.
Tại Đức, người ta để một giọt kim loại nóng chảy rơi vào nước lạnh và căn cứ vào hình dạng của nó mà đoán những điều sẽ xảy ra trong năm mới. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về cưới xin, hình một con tàu thì sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.
5. Người Pháp với đêm giao thừa
Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3/1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.
6. Đón tết tại Colombia
Đốt ”ông năm cũ” là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố tại Colombia. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi búp bê bằng nhiều vật liệu khác nhau. Đôi lúc, họ cho vào đó pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn.
Ngoài ra, mọi người cùng thường nhồi búp bê bằng những thứ họ không muốn dùng nữa, các vật đem lại đau buồn hay gợi sự không vui. Tất cả sẽ được thiêu rụi cùng với năm cũ, đồng nghĩa với việc họ muốn quên đi những điều không mong muốn đã xảy ra. Thông thường, con búp bê thường mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.
Vào đêm Giao thừa, người Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng cho việc thiêu rụi những gì không mong muốn trong quá khứ và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới vui vẻ. Martha Leverett, người Colombia kể.
7. Mexico
Cũng vào đêm Giao thừa, một số người, đặc biệt là phụ nữ sẽ mặc đồ lót màu đỏ – với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu. Ngoài ra, còn một số người sẽ xách vali đi vòng quanh nhà với hy vọng sang năm sẽ xuất ngoại. Người Mexico còn có một tập tục, ăn một loại bánh đặc biệt vào ngày 6/1. Loại bánh này có một cái lỗ ở giữa và chứa một món đồ nhỏ trong đó. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5/2.
8. Tết tại Thuỵ Sĩ
Vào ngày cuối cùng của tháng 12, tất cả mọi người đều rất bận rộn. Tất cả các cửa hàng bán đồ ăn và rượu đều chật cứng. Dường như tất cả đều không thân thiện và mất kiên nhẫn vì việc mua sắm chiếm quá nhiều thời gian. Rốt cuộc, tới khoảng 7h tối mọi người trở về nhà, mệt bã vì công việc lẫn đi mua sắm, khó có thể đủ sức để nấu một bữa ăn thịnh soạn.
Tuy nhiên, tới 11h đêm, mọi người đều rất phấn khích, từ trong sâu thẳm, người Thuỵ sĩ cảm thấy rằng chẳng bao lâu nữa sẽ tới thời điểm nghĩ lại quá khứ và hướng tới tương lai. Khi kim đồng hồ chỉ tới số 12, chúng tôi nâng cốc và ăn bánh mỳ vì tất cả những điều tốt đẹp đã xảy ra trong năm qua. Chúng tôi ôm hôn lẫn nhau không chỉ ba lần mà rất nhiều lần. Sylvia Bopp, công dân Thuỵ Sĩ kể.
10. Tết ở nước Nga
Đất nước Nga rộng lớn bao la, nhưng dù ở đâu, đến ngày Tết, từ vùng lạnh giá đến những miền đất ấm áp, từ những làng quê xa xôi đến đất thị thành, hay tại thủ đô, nhà nhà đều tổ chức đón Tết vui vẻ, thoải mái, ấm áp tình gia đình.
Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trước năm mới, đường phố chật ních người qua lại, ai ai cũng cố kết thúc mọi việc để đón Tết thoải mái, đặc biệt lo sắm quà cho con cái và mua một cây thông thật đẹp. Có nhiều loại thông nhựa, nhưng thông thiên nhiên được quý hơn nhiều. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
11. Tại Kenya
Năm mới ở nơi đây người ta cũng đón chào cùng với cây tùng được trang hoàng đẹp. Những cư dân sống bên sông nước thì đón Tết trên nước: tắm táp, bơi thuyền. Ngày Tết, khắp nơi tưng bừng tiếng hát và tiếng nhạc. Người Kênia đãi khách bằng những bữa ăn ngon. Món ăn được mọi người thích nhất là thịt cừu xông khói và mứt.
12. Người Gana đón tết
Người Gana không đón Tết với cây thông trong nhà mà làm những ngôi nhà nho nhỏ bằng lá dừa, dùng bóng đèn trang trí, rồi dựng khắp nơi trên đường phố. Thanh niên nam nữ tới các ngôi nhà đón xuân đó, hát hò vui vẻ. Trong các căn nhà ấy, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Vào lúc nửa đêm những ai cãi cọ nhau trong năm cũ, đều giải hòa với nhau, xóa đi mọi nỗi bực bội. Theo tục cũ, đúng vào lúc nửa đêm, vang lên một tiếng thét lớn. Người ta cho rằng: cần thét đuổi những gì của năm cũ. Nếu trong năm trước, gia đình gặp xui xẻo: phải la thét và khóc lóc, nếu có nhiều niềm vui – cần thét mừng. Vào 4 – 5 giờ sáng, người Gana đi thăm chúc mừng những người ruột thịt và bạn bè thân quen. Khi tới chúc mừng, họ phải kể về những bất hạnh và niềm vui của bản thân trong năm ngoái. Ngoài đường phố, người ta ca hát…
13. Tết ở nước Ý
Vào ngày 25 tháng chạp, toàn gia đình quây quần ăn bữa tiệc Tết bên cây thông Noel. Họ chờ đợi ông già Tuyết mang túi quà tới. Trong đêm giao thừa, không một ai ra đường vì có lệ, hễ chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, người Ý vứt hết ra đường phố mọi đồ cũ, bàn ghế hỏng, thậm chí cả giường hỏng. Theo tập tục cũ: nếu nửa đêm giao thừa vứt hết đồ cũ, thì trong năm mới, người ta sẽ tậu được những đồ vật đó còn mới tinh. Trẻ con trước khi đi ngủ để đôi tất ở lò sưởi. Đêm đến, nàng tiên Bêphane bay qua ống khói, mang tặng phẩm tới. Khi bọn trẻ thức dậy, chúng tìm thấy quà tiên cho trong bít tất. Những bé không ngoan trong năm cũ, mỗi lần, nàng tiên không cho kẹo, mà cho một hòn than củi nhỏ xíu. Như vậy là có túi chứa nhiều, túi chứa ít cục than hơn, không có túi quà nào có kẹo mà không có than. Nàng tiên đúng là một nhà sư phạm.
14. Tết ở Ấn Độ
Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31/10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu. Ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm. Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.
Mọi người trang hoàng các cửa sổ và cửa lớn bằng những bóng đèn nhỏ xinh, trước ngưỡng cửa mỗi nhà trên phố, người ngoài có thể trông thấy các hình vẽ màu sắc khác nhau. Đó là dấu hiệu tượng trưng cho lòng hiếu khách. Để đón năm mới, người ta thức dậy lúc 4 – 5 giờ sáng. Những bóng đèn trang trí được bật lên, mọi người ăn mặc diện và theo tục lệ cũ, họ đi tới thăm nhà những người lớn tuổi để cầu phước lành, sự yên bình trong tâm hồn, cũng như sức khỏe. Trong ngày đầu tiên của năm mới, người ta nhớ lại quá khứ, nói những lời chúc tốt lành cho tương lai.
Vào những ngày này, người ta cầu xin vị thần của sự giàu sang và hy vọng cho họ tài lộc dồi dào hơn trong năm mới. Họ đeo những vòng hoa quanh cổ và tay trong những buổi lễ. Mỗi loại hoa tượng trưng cho một màu quan trọng trong tôn giáo. Màu hồng, màu đỏ và màu tím là tượng trưng cho thánh thần của người theo đạo Hindu còn màu vàng tượng trưng cho Chúa Trời.
15. Người Nhật Bản với tục đón tết
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cừa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cừa. Trong năm mới, người ta thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cừa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn. Trong năm mới khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Để xua tan mọi điều xui xẻo trong đêm giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần! Tết ở Nhật Bản kéo dài tới 2 tuần.
Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1/1 Tây lịch như các dân tộc khác nhưng đồng thời, họ vẫn giữ niềm tin theo đạo Shinto của mình. Để đuổi tà ma, họ treo một sợi rơm ngang qua cửa nhà, tượng trưng cho sự hạnh phúc và may mắn. Khi năm mới bắt đầu, người Nhật sẽ cười thật to vì như thế may mắn sẽ tới với họ.
Cũng như tập tục cũ ở một số nước vùng Á châu, người Nhật cho rằng vào dịp Tết, thần linh cũng như những linh hồn người thân có thể về thăm, cho nên nhà cửa được dọn dẹp thật sạch sẽ và đẹp. Trước cửa mọi nhà đều có các cành thông và tre bện vào nhau tượng trưng cho sự trung thành và trường thọ, đôi khi còn có thêm cành mận. Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Hàng được sắm nhiều nhất là kimônô đẹp. Vào những ngày này, khắp nơi vang lên tiếng chày giã bột gạo làm bánh. Bánh Tết đặc trưng là bánh bột gạo môchi. Đúng 12 giờ đêm giao thừa, trong các trường vang lên 108 tiếng chuông. Tiếng chuông còn được truyền qua radio. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm, mua bùa hộ mệnh. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá “lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng.