Ghé thăm đình Kim Ngân, nhớ nghề kim hoàn nổi tiếng kinh thành xưa


Bạc cũng vậy, con phố nổi tiếng nhờ nghề kim hoàn có lịch sử tới hàng trăm năm. Nếu có dịp tới đây, du khách chắc chắn không thể bỏ qua điểm đến đình Kim Ngân, nơi thờ “ông tổ bách nghệ”.

Đời Hậu Lê, ở Thăng Long có hai nơi tiếp các quan trên đến giao bạc để đúc và nhận bạc nén, đó là Trương Đình (đình trên) và Kim Ngân đình (đình dưới). Đình Kim Ngân ở số nhà 42 Hàng Bạc, đình thờ thần Hiên Viên là “ông tổ bách nghệ”.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình, xây dựng nên.

Đình Kim Ngân ngày hôm nay khang trang sạch sẽ, trở thành điểm du lịch văn hoá thú vị cho các du khách. Ảnh: Hoàng Linh

Theo dòng lịch sử

Phố Hàng Bạc đã được hình thành từ thế kỷ 18. Đời Hậu Lê chỗ này là đất thuộc giáp Nỗ Hạ phường Đông Các; đến nửa đầu thế kỷ 19 là đất các thôn Đông Thọ và Dũng Hãn, thuộc tổng Hữu Túc; sang giữa thế kỷ 19 thì hai thôn sát nhập với nhau làm một gọi thôn Dũng Thọ, thuộc tổng Đông Thọ. Dân ở đoạn đầu phía đông Hàng Bạc một phần là người bản địa, một số làm nghề bán hàng cơm chứa trọ và một phần dân phố là người làng Trâu Khê (huyện Bình Giang – Hải Dương) ra Thăng long làm nghề đúc bạc và đổi tiền.

Nghề vàng bạc ở đây do Lưu Xuân Tín, người làng Trâu Khê, làm thượng thư triều Lê Thành Tông (thế kỷ 16) được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình; ông đem người trong họ hàng và nguời làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc.

Người Châu Khê làm nghề đúc bạc và kiêm cả nghề đổi tiền. Đoạn phố này ở gần bến sông, tiện cho thuyền bè xuôi ngược buôn bán. Họ đổi tiền kẽm lấy bạc nén bạc vụn tiện mang đi xa, nhất là những lái buôn đem vốn đi cất hàng, hoặc đổi bạc nén lấy đồng tiền kẽm cho những người đi mua vặt. Đầu đời Nguyễn, trường đúc bạc bị giải thể, việc đúc bạc nén triều đình giao cho trường đúc Huế, tuy nhiên Hàng Bạc vẫn còn giữ nghề đổi bạc. Đến khi người Pháp chiếm Hà Nội, theo nghề nghiệp từng phường, đã gọi phố này là Rue des Changeurs (Phố những người đổi bạc).

Tấm hoành phi đặt trang trọng trên cao, hai cột lớn là hai câu đối. Ảnh: Ngọc Thắng

Sự ra đời của đình Kim Ngân

Trong thời kỳ hoàng kim nhất, làng Châu Khê có tới nửa số dân đã lên cư trú tại phố Hàng Bạc ngay nay để giúp việc cho phường đúc. Họ đã lập ra hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình Trương (ở số nhà 50 Hàng Bạc) và đình Kim Ngân (ở số nhà 42 Hàng Bạc). Trong đó, Đình Kim Ngân (ngân lượng trắng) thờ Hiên Viên, đồng thời cũng là ông tổ nghề lớn nhất Á Đông.

“Tràng” (số nhà 58 Hàng Bạc) là nơi chuyên nấu bạc, đúc thành nén. Còn “Đình” là nơi nhận nguyên liệu và nộp thành phẩm cho “Ty quan” là người thay mặt triều đình.

Hiện trong đình kê bộ bàn ghế và tấm hoành phi câu đối cổ. Ảnh: Ngọc Thành

Ngày nay, Đình Kim Ngân vẫn còn đó, nằm trên phố Hàng Bạc, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ. Đồng thời đình Kim Ngân cũng là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa.

Đình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế, hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ “công”, đại đình ba gian, hậu cung ba gian, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái. Đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.

Trước đây, đình Kim Ngân có hàng chục hộ gia đình ở. Ai từng có dịp ghé qua đình vào những năm trước 2009 hẳn vẫn còn nhớ cảnh những căn nhà san sát, cái thò cái thụt… lộn xộn và tạm bợ. Những khoanh nhà nhỏ, chật chội, ánh sáng lờ mờ, nhếch nhác đã khiến không gian Đình Kim Ngân bị thu hẹp hết mức có thể.

Công được thêu những họa tiết cầu kỳ đặt trang trọng trên lưng ngựa phía hai bên lối vào hậu cung. Ảnh: Ngọc Thành

Từ năm 2004, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các chuyên gia tìm phương án trùng tu, phục hồi nguyên trạng để đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn tất việc di dời các hộ dân và tôn tạo đình khang trang như ngày nay. Từ đó, Lễ hội nghề kim hoàn mới được tổ chức.

Đình Kim Ngân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 10/2012. Đây cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra lễ hội ca trù – loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.


Hà Nội - Miền Bắc


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam