Gian nan hành trình chinh phục núi Tả Liên


Với hệ thực vật phong phú, rừng già nguyên sinh và nhiều loài hoa dại nở, núi Tả Liên là một bí ẩn với nhiều người, kể cả dân leo núi chuyên nghiệp.

Núi Tả Liên (còn gọi là núi Cổ Trâu) thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngọn núi có độ cao 2.993 m so với mặt nước biển và thuộc top những đỉnh cao nhất Việt Nam. Khung cảnh núi non hùng vỹ cùng với thảm thực vật rừng nguyên sinh của dãy Tả Liên Sơn đã thu hút các bước chân ưa khám phá.

Thông tin về núi Tả Liên

Vị trí: Bản Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Tọa độ: 22°27’46.10″N 103°33’21.60″E

Cao độ: 2.993m

Thời gian leo: 3 ngày 2 đêm

Địa hình: Rừng già nguyên sinh

Độ phức tạp: 4/5

Điểm cắm trại, nguồn nước: Cơ bản hiếm và nhỏ hẹp.

Đặc điểm của Tả Liên Sơn

Trên đỉnh núi khá rộng nhưng có nhiều cây bụi mọc um tùm. Trèo lên cây cao có thể nhìn rõ thành phố Lai Châu nằm khuất trong nhấp nhô sóng núi. Nhìn thấy cả phía bên kia là dãy Hoàng Liên Sơn với các đỉnh Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San lẩn khuất trong biển mây.

Khu rừng Tả Liên rậm rạp, rất “cổ tích” với nhiều cây to cổ thụ và rêu phong mốc thếch màu tháng năm. Nắng sớm chiếu qua tán lá kết hợp với sương giăng lãng đãng sẽ tạo khung cảnh huyền ảo. Thực vật rừng Tả Liên đa dạng, đặc trưng là nhiều cây phong và đến mùa chuyển màu rất rực rỡ. Mùa thay lá vào tầm tháng 10-11. Thêm nữa là hoa trà cũng rải rác khắp rừng. Hoa thơm, bé xíu mà tinh khôi. Đỗ quyên mọc nhiều trên đỉnh, nở rộ vào tháng 2-3 đầu xuân. Rừng trúc lùn khá nhiều, đặc biệt là đoạn gần đỉnh. Giống trúc có măng nhỏ nhưng khá ngon, có thể nướng hoặc chế biến với thịt xào.

Đường trekking với đoạn gần đỉnh phải leo bám khá nhiều và có chỗ nguy hiểm. Mùa nóng đi trong rừng nên rất mát, không lo bị rát nắng vì không phải đi nhiều trên các triền núi vắng bóng cây. Tuy nhiên phải chui qua các hốc cây, hốc đá và vượt qua các bụi trúc rậm rạp. Vì vậy, cần đồ đạc gọn gàng và trang phục phù hợp để không bị xước da vì cây rừng và ngọn tre đâm vào. Cần mang đồ bảo hộ và bọc đồ đạc cẩn thận với những ngày thời tiết ẩm ướt, sương giá mùa đông. Đặc biệt phải có găng tay vì hay phải leo bám.

Đồ chuẩn bị

Lều trại, thảm cách nhiệt và túi ngủ ấm tính đủ theo số người.

Quần áo cá nhân, găng tay, mũ nón, khăn đầy đủ nhất là với điều kiện giá lạnh mùa đông.

Áo mưa, bọc đồ balo và đèn pin cá nhân.

Đồ y tế, các loại thuốc cơ bản, miếng dán nhiệt…

Ăn uống

Bữa sáng nên mang mỳ gói, sớm dậy đun nướng và ăn với xúc xích hoặc thịt đun từ bữa tối hôm trước.

Bữa trưa nên ăn đồ nhanh như lương khô, cơm nắm muối vừng hoặc bánh trái để tiết kiệm thời gian.

Bữa tối là bữa chính cần ăn uống đồ nóng. Chọn điểm nghỉ gần suối để tiện vệ sinh và bếp núc. Khoai, bắp cải và củ quả khó dập, thịt lợn, thịt bò nhiều đạm được ưu tiên mang theo chế biến.

Đừng quên các loại gia vị, tuy nhỏ nhưng sẽ làm bữa ăn ngon và thú vị hơn rất nhiều.

Nồi, xoong chảo có thể hỏi mượn porter (người có nhiệm vụ vác đồ, chỉ đường) mang từ bản. Bát, cốc, đũa nên dùng loại một lần, tiêu hủy ngay sau khi sử dụng.

Di chuyển tới điểm leo

Chặng 1: Hà Nội – xã Tả Lèng (380 km)

Bản Tả Lèng nằm cách thành phố Lai Châu chừng 8 km và nằm gần trục đường chính Quốc lộ 4D. Để tới đây bạn có hai phương án:

Phương án 1: Đi xe khách giường nằm từ Hà Nội tới thẳng thành phố Lai Châu (390 km).

Mất một đêm nằm xe là bạn tới thành phố Lai Châu sớm ngày sau. Từ đây thuê xe ôm tới bản Tả Lèng hoặc bạn có thể yêu cầu xe khách cho dừng xuống ngã ba vào Tả Lèng trên đường Quốc lộ 4D. Xe đến sớm nên cần liên hệ trước với dân bản để có phương án di chuyển tới chân núi.

Phương án 2: Đi xe khách giường nằm từ Hà Nội tới Sapa (310 km).

Xe tới Sapa sáng sớm, bạn thuê xe máy tại đây. Di chuyển theo đường đèo Ô Quy Hồ qua Bình Lư rồi Tam Đường là tới Tả Lèng, mất chừng 80 km. Dịch vụ thuê xe máy tại Sapa khá phổ biến mà giá lại rẻ.

Phương án này giúp bạn chủ động việc đi và về từ chân núi tới Sapa, không lệ thuộc xe khách. Hơn nữa xe di chuyển từ Sapa về Hà Nội rất thuận tiện và có nhiều chuyến trong ngày.

Chặng 2: Xã Tả Lèng – chân núi Tả Liên (10 km)

Từ trung tâm xã Tả Lèng tới bìa rừng chừng 10 km đường đất dốc, khi chênh vênh bên sườn núi, khi đâm xuyên rừng với những lối mòn nhỏ hẹp. Nếu thời tiết xấu, mưa hoặc sương mù thì chỉ có thể đi được 5 km, đoạn còn lại chỉ có thể đi bộ.

Nếu tiếp cận được bìa rừng, nơi dân bản vẫn để xe vào rừng thì khóa xe cẩn thận. An toàn thì bạn nên gửi xe nhờ nhà dân vì sẽ phải trekking xa hơn. Sẽ mất chừng 3-4 tiếng từ trung tâm xã vào tới chân núi.

Lịch trình và đường leo lên đỉnh: Với 3 ngày 2 đêm leo đỉnh Tả Liên bạn phân bổ thời gian như sau:

Ngày 1

Trưa ngày 1 bắt đầu leo, đường hoàn toàn là lối mòn mà dân bản hay đi rừng.

Bạn có thể nghỉ đêm tại hang đá mà dân đi rừng hay leo vì gần như không có lán trại trên đường. Bạn cần tìm điểm nghỉ bằng phẳng, gần nguồn nước trước khi trời tối. Ngày 1 chỉ cần leo 3-4 tiếng là đủ tới cao độ 1.900 m.

Ngày 2

Leo lên đỉnh cao độ 2.993 m. Có thể để đồ đạc lại tại điểm nghỉ, chỉ mang nước uống và đồ ăn trưa theo.

Nếu ngày 1 di chuyển ít thì ngày 2 nên mang đồ theo di chuyển tới gần đỉnh, tìm điểm nghỉ ở độ cao chừng 2.400 m để có thêm thời gian chơi trên đỉnh. Lên đỉnh trước 14h để có thể quay lại điểm nghỉ trước khi trời tối. Đồ đạc để lại cần gọn gàng và có biện pháp chống mưa, khi đi cũng phải luôn mang áo mưa theo người.

Ngày 3

Xuống núi, tầm trưa tới bìa rừng. Di chuyển về Sapa trước chiều tối. Lên xe khách về Hà Nội trong đêm.


Sapa - Tây Bắc


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam