Thế giới đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ Giáng sinh ngày càng đến gần hơn. Hòa trong không khí đó, nước Nga cũng vậy. Những con phố lấp lánh ánh đèn, khu chợ đầy màu sắc và tuyết rơi trắng xóa ngoài trời tạo nên khung cảnh Giáng sinh đẹp như mơ.
Moscow là thủ đô của nước Nga, nơi đây nổi bật với vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại. Vào mùa Giáng sinh, Moscow càng đẹp lung linh hơn bao giờ hết với những ánh đèn trang trí nhiều màu sắc, phủ trên tất cả lại là lớp tuyết bông xốp trắng phau. Tất cả như đưa ta lạc bước vào thế giới thần tiên tuyệt diệu. Vẻ đẹp đó đã được nhiếp ảnh gia Kristina Makeeva ghi lại qua những góc máy ấn tượng nhất.
Cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh tuyệt đẹp của Kristina Makeeva cùng những điều thú vị về Giáng sinh ở nước Nga:
Giáng sinh là ngày lễ lớn nhất trong 12 ngày lễ lớn trong năm của Cơ đốc giáo. Từ xa xưa cả Chính thống giáo và Công giáo đều tổ chức đón Giáng sinh vào chung một ngày. Nhưng từ năm 1582 tại châu Âu xuất hiện lịch Grigori (lịch mới), còn ở Nga vẫn sử dụng lịch Julian (lịch cũ) cho tới thời Xô-Viết mới đổi, do vậy mà đạo Chính Thống phương Đông bao gồm có Nga và các nước đông Âu tổ chức đón Giáng sinh vào ngày mùng 7 tháng 1 hàng năm, tức là muộn hơn 13 ngày so với Giáng sinh của Công giáo (25/12) tại châu Mỹ, châu Úc, tây Âu và một số nước ở châu Phi. Ở Nga, lễ Giáng sinh là một ngày lễ quốc gia kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu. Truyền thống này đã xuất hiện vào cuối thế kỷ X khi nước Nga cổ công nhận quốc giáo mới – đạo Kitô. Trong biên niên sử thời kỳ đó đã ghi nhận ngày tháng cụ thể khi Nga lần đầu tiên đón mừng lễ Giáng sinh – ngày 25 tháng 12 năm 988. Năm 1917, Lễ Giáng sinh đã bị cấm trên toàn nước Nga. 75 năm sau, năm 1992 mùa lễ giáng sinh chính thức mới được tổ chức lại trên khắp đất nước Liên Xô cũ. Theo phong tục xưa, Giáng sinh thường được người Nga tổ chức trong ba ngày là mùng 7,8,9 tháng 1. Vào ngày 7/1, hơn 70% người dân Nga sẽ đón chào kỷ niệm Giáng sinh theo Chính thống giáo. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất. Trong khi đó, chỉ có 6% số người được hỏi ý kiến đã kỷ niệm lễ Giáng sinh Công giáo vào ngày 25/12. Người Nga không trang trí cây thông Noel nhưng mọi người vẫn tạo ra một cây khác gọi là cây Evergreen (cây xanh mãi mãi). Nó cũng còn được gọi là cây năm mới. Trước Giáng sinh người ta thường ăn chay 40 ngày với những quy định rất nghiêm ngặt. Trong những ngày này không được phép ăn thịt, trứng, sữa, mỡ động vật. Trong buổi tối này mọi người thường quay quần xung quanh những đống lửa lớn vì họ cho nằm lửa sẽ xua đi bóng tối để bắt đầu một năm mùa màng bội thu và giúp cho linh hồn của những người đã khuất không bị lạnh lẽo. Trong ngày đầu tiên của Giáng sinh, mùng 7 tháng 1 các bà vợ phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị để cho bàn ăn lúc nào cũng đủ 12 món. Trong đó bắt buộc phải có món cháo đặc nấu từ lúa mì hoặc đại mạch và nho khô. Các ông chồng sẽ đi thăm họ hàng, hàng xóm và những người thân quen. Người ta không tặng quà cho nhau vào ngày đầu tiên này. Ngày thứ hai đến lượt các bà vợ được đi chơi, thăm hỏi, còn các ông chồng thì sẽ phải ở nhà. Ở Nga, đêm Giáng sinh thường được thiết đãi với nhiều món ăn khác nhau, cùng toàn bộ gia đình quây quần bên mâm cỗ, và ở một số gia đình, còn dọn thêm cả vị trí dành cho các thành viên trong gia đình đã qua đời. Thức ăn trong bữa tiệc Giáng sinh thường khác nhau trên từng vùng miền, nhưng truyền thống nhất vẫn làm theo 12 món, tượng trưng cho 12 tông đồ của Chúa. Cho tới nay thì những phong tục này vẫn được người Chính thống giáo và hầu hết người dân Nga đón nhận như là một dịp để chào đón năm mới và bày tỏ sự quan tâm yêu thương tới những người xung quanh. Cũng như nhiều đất nước khác, vào dịp này khắp nước Nga lung linh rực rỡ ánh đèn, không khí tưng bừng ấm áp tràn ngập khắp nơi…