Giữ một chút Burma


Myanmar còn được biết đến với tên gọi Burma, là một trong những nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi chiến tranh và những chính sách chính trị, sau nhiều năm bị cô lập thì nay đã từ từ thoát ra khỏi bóng đêm của quá khứ. Nơi đây mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khác biệt, với phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu nóng ẩm đặc trưng của miền nhiệt đới, những kiến trúc độc đáo và một nền văn hoá đầy màu sắc.

Chúng tôi, ba cô gái ngấp nghé tuổi 25, ngày lại ngày vội vã với vòng xoay của bộn bề công việc, những mối quan hệ không tên, những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thành thị. Chúng tôi có lẽ sẽ để tuổi trẻ của mình trôi qua như vậy cho đến một ngày, bất chợt nhìn thấy hình ảnh của một thành phố với kiến trúc hoài cổ, những ngôi đền in trong bóng nắng trên một cuốn tạp chí, chúng tôi biết mình đã yêu nơi này và muốn được chạm chân tới đó.

Chúng tôi đến Myanmar vào một ngày cuối xuân, theo lộ trình kinh điển Yangon – Bagan – Mandalay – Inle trong 6 ngày.

Ngược về quá khứ ở Yangon

Đặt chân tới Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, chúng tôi ngỡ như bước vào cỗ máy thời gian, ngược về quá khứ, bởi mọi thứ nơi đây đều mang âm hưởng hoài cổ, từ vẻ ngoài cũ kỹ thừa hưởng bởi kiến trúc thuộc địa xưa, cho đến thói quen nhai trầu, sự hiếu khách và hiền lành đáng ngạc nhiên của người dân bản xứ.

Ở Myanmar, đạo Phật là tín ngưỡng phổ biến và rất được tôn thờ, điều đó được thể hiện qua những ngôi chùa to đẹp được xây dựng cầu kỳ với vàng bạc và đá quý. Người Myanmar mặc trang phục truyền thống là Longyi, bôi một thứ bột lấp lánh được mài từ cây Thanaka để chống nắng và dưỡng da, đó là truyền thống được lưu giữ từ hàng ngàn năm trước.

Đối lập với vẻ ngoài cũ kỹ thì Yangon là một thành phố tấp nập với hàng loạt quán xá, hiệu sách, nhà hàng và những ngôi chợ ồn ào náo nhiệt. Đường phố Yangon ngập tràn trong mùi hương hoa lài và các gia vị thảo mộc. Cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn cực khổ, nhưng có vẻ ai cũng rất thư thái. Họ đọc báo giấy, ăn sáng, uống trà, trò chuyện với nhau, rất ít thấy sự xuất hiện của thiết bị điện tử, gương mặt ai cũng ánh lên vẻ hạnh phúc và bình thản đến mức ghen tị. Chúng tôi dành trọn cả ngày để lang thang và trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Bắt đầu bằng việc mua vài vòng hoa lài đeo tay, bôi bột thanaka chống nắng, ghé vào góc Chinatown uống trà sữa, ăn mì Shan (món ăn truyền thống của người Myanmar, nấu từ cá và một vài gia vị hơi giống cà ri)… Một ngày trôi qua chậm rãi, hạnh phúc và yên bình!

Ngắm mặt trời mọc ở Bagan

Rời Yangon, chúng tôi chọn xe bus để đến Bagan. Xe bus ở đây chất lượng rất tốt, nhưng máy bay thì rất tệ, điều này hoàn toàn trái ngược với các nơi khác. Blazing, khách sạn nơi chúng tôi ở nhỏ nhắn với phòng có ban công, ghế tre xinh xắn trong khu vườn nhỏ xinh, xe đạp cho du khách dạo chơi, đặc biệt nhân viên thân thiện và dễ thương vô cùng.

Bagan là thành phố cổ với bề dày lịch sử và các công trình kiến trúc đồ sộ. Người ta ước tính trong thời kỳ hoàng kim nơi đây có khoảng 13.000 đền chùa được xây dựng nhưng đến nay chỉ còn lưu giữ được khoảng 2.000 ngôi. Vẻ đẹp độc đáo của những ngôi đền ở đây không nơi nào sánh bằng và ẩn chứa sau nó là hàng trăm câu chuyện lịch sử.

Việc đầu tiên chúng tôi làm khi đến Bagan là đi ngắm mặt trời mọc ở đền Shwesandaw, một trong những địa điểm ngắm bình minh nổi tiếng trên thế giới. “Nếu phải chọn những việc nên làm trong đời, thì nhất định bạn phải ngắm mặt trời mọc ở cố đô Bagan này”, Minthu, anh bạn dẫn tour dễ mến nói với chúng tôi rằng người ta truyền tai nhau như thế. Vậy là ba cô nương chúng tôi xách giày leo chân trần lên đền trong tâm thế vẫn còn ngái ngủ. Và sự thật ngoài mong đợi, khoảnh khắc mặt trời đỏ rực lên dần trong tiếng chuông chùa, tiếng kinh cầu xa vẳng, tiếng chim hót, hàng trăm khinh khí cầu bay lên thực sự khiến tôi xúc động, cho đến tận bây giờ và có lẽ là mãi mãi về sau. Khoảng không gian dần rộng mở với vô số ngôi đền dưới các tán cây xanh hiện ra trước mắt. Cảm xúc dâng trào, trong phút chốc tôi thấy mình là cô gái hạnh phúc nhất thế gian.

Nếu muốn là nhân vật trong bức tranh nhiệm màu ấy thì bạn có thể thuê khinh khí cầu để ngắm toàn cảnh cố đô Bagan với chi phí 250$ trong vòng 45 phút.

Chiều buông, chúng tôi thong dong đạp xe bên thảm là vàng, dưới tán cây Acasia cổ thụ, hít thở bầu không khí trong lành và ghé thăm các ngôi đền hàng trăm năm tuổi, trò chuyện với các nhà sư… Sau đó không quên thưởng thức mỗi người một cốc trà sữa.

Có lẽ bị ảnh hưởng bởi thời kỳ thuộc địa Anh, người Myanmar có văn hóa uống trà sữa, trà của họ rất ngon, họ uống vào bất kì thời điểm nào trong ngày và cứ khoảng 3-4 giờ chiều, bạn sẽ thấy cảnh mọi người tụ tập thư thả trò chuyện, uống trà, ăn bánh đậu… Khung cảnh bình yên đến lạ!

Chúng tôi chọn nhà hàng Monsoon cho bữa tối tại Bagan với đồ ăn truyền thống Myanmar và Trung Hoa, không quên nếm thử bia Myanmar, rất ngon nhưng dễ say. Ẩm thực Myanmar ảnh hưởng bởi Trung Quốc khá nhiều, nên hơi cay và nhiều dầu mỡ. Nhà hàng rất đặc biệt, trong khi ăn thực khách sẽ được xem múa rối nước và nghe kể chuyện về lịch sử của Myanmar. Chếnh choáng men bia hay bởi những câu chuyện văn hóa gần gũi khiến giấc ngủ đêm đó đến với tôi nhẹ bẫng.

Check-in cầu U Bein, Mandalay

Lớn thứ hai sau Yangon, Mandalay là trung tâm thương mại nhộn nhịp và một kho lưu trữ văn hóa Myanmar cổ đại, được thành lập vào năm 1857 bởi đức vua Mindon. Từ Mandalay trong tiếng Phạn có nghĩa là thành phố của những viên ngọc, dù là thành phố mới nhưng bề dày lịch sử không kém Bagan. Được đánh giá là một phòng trưng bày nghệ thuật và kiến trúc Myanmar, Mandalay nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc đá, gỗ, bạc, đúc đồng, làm vàng lá, thảm trang trí, vải lụa…. Đây cũng là một trong những địa điểm ngắm bình minh và hoàng hôn đẹp nhất thế giới, trên cầu Ubein, cây cầu gỗ teak cổ nhất thế giới. Buổi chiều, mặt trời lặn đỏ rực, hàng dài các nhà sư với tà áo đỏ, trên tay cầm dù quay về chùa là một hình ảnh kinh điển mà bạn sẽ phải thốt lên rằng quả thật đã không tốn công sức khi đến nơi này.

“Chưa đến hồ Inle coi như chưa đến Myanmar”

Đây là câu tôi đọc được rất nhiều trên mạng khi tìm kiếm thông tin về Myanmar trước chuyến đi. Vậy là, rời Mandalay, chúng tôi đến với hồ Inle, nơi sinh sống của người Inthar (một tộc người thiểu số của Myanmar). Với diện tích mặt nước gần 116km², Inle là hồ nước ngọt lớn thứ 2 ở Myanmar. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước tài năng xây dựng và sự thông minh của người dân nơi đây bởi hệ thống làng, nhà cửa, trường học nổi trên hồ. Sáng kiến được coi là vĩ đại của người Inthar chính là việc họ chăn nuôi và trồng trọt các loại cây trồng trên mặt nước bằng cách tạo nên các bè nổi từ những xác bèo, rong rêu và cố định bằng những cây tre cắm xuống lòng hồ. Trên hồ có hàng trăm ngôi làng thủ công mỹ nghệ thuộc các ngành nghề khác nhau, mỗi ngôi làng đều rất xinh xắn với các nhà sàn bằng gỗ, hoa dại mọc đầy lối đi. Nào là làng dệt vải, làng bạc, làng nghề thuốc lá, xì gà, thủ công mỹ nghệ, làng sơn mài, đặc biệt làng người cổ dài – bộ lạc hiếm hoi còn lại trên thế giới, nơi tiêu chuẩn cái đẹp của người phụ nữ được đánh giá bằng số vòng cổ họ đeo. Bạn sẽ phải thán phục trước sự khéo léo và kiên nhẫn của người dân nơi đây, họ có thể dệt vải từ sợi tơ của lá sen non, làm thuốc lá với rất nhiều mùi vị trái cây…

Hồ Inle buổi sớm mai mênh mang, sương giăng bao phủ khắp mặt hồ, gió se lạnh, từng đàn chim sà xuống thân thiện bỡn cợt du khách, hình ảnh những người đàn ông Inthar đánh cá, chèo thuyền một chân như một nét văn hóa đặc trưng của vùng hồ, khiến bao du khách đắm say. Cảm giác bình yên với bất cứ du khách nào tới đây với một bữa trưa trên nhà chòi bằng những nguyên liệu tươi rói được thu hái từ chính những vườn nổi trên hồ.

Myanmar kéo chúng tôi từ hạnh phúc này đến ngạc nhiên khác, khi chiều đến, kéo nhau lên đồi Red mountain ngắm hoàng hôn. Ngọn đồi trải dài với những cánh đồng nho bạt ngàn. Nho ở Myanmar nhỏ, ngọt thanh và ít hạt, chính vì thế mà rượu vang nơi đây cũng có mùi vị rất đặc trưng. Dưới tán cây, bên cạnh những đôi tình nhân, mặt trời xuống núi đỏ rực, tròn vành vạnh, ba cô gái chúng tôi uống vang, trò chuyện, hạnh phúc hái những chùm nho khô ngọt lịm trên cành mà lòng vui như những đứa trẻ.

6 ngày ở xứ sở diệu kì tôi ngỡ mình là Liz trong “Eat, Pray, Love”. Nếu chị Liz đến Italia để ăn, đến India để cầu nguyện và đến Bali để yêu, thì chúng tôi đến Myanmar để hạnh phúc, để giữ một chút gì rất Burma.


TIPS

Thủ tục nhập cảnh: Du khách Việt Nam muốn nhập cảnh vào Myanmar chỉ cần có hộ chiếu phổ thông còn giá trị trên 6 tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn không cần xin visa khi đến Myanmar. Và thời gian lưu trú không được vượt quá 14 ngày.

Thời điểm: Từ tháng 11 đến tháng 3, thời tiết dễ chịu, sau thời điểm này, thời tiết sẽ nóng và khá oi bức. Phương tiện: Bạn có thể lựa chọn bay thẳng với hãng bay Vietnam Airlines và VietJet Air, hoặc bay với Air Asia, chi phí rẻ hơn nhưng sẽ phải nối chuyến ở Bangkok, Thái Lan.

Đi lại tại Myanmar: Taxi là phương tiện di chuyển tiện dụng trong thành phố. Taxi kiêm hướng dẫn viên ở Bagan, đặt trước trước qua email và trả tiền sau: minthubagan@gmail.com. Trọn gói: 50$/ngày/3 người. Nếu chưa đặt trước bạn có thể liên hệ tại bến xe ở Bagan.

Xe bus di chuyển giữa Yangon – Bagan – Mandalay – Inle: JJ bus, đặt qua facebook, tới nơi trả tiền: facebook.com/jjexpressbus hoặc Elite bus. Xe dịch vụ rất tốt, có thức ăn nước uống, ipad riêng cho từng người, tiếp viên xinh, nhiệt tình.

Tiền tệ: Tỉ giá 1$ = khoảng 1.000kyat. Đổi tiền tại sân bay Yangon hoặc ở chợ Bến Thành.

Hành lý: Ngoài hành lý cá nhân, bạn nên mang theo các loại thuốc thông dụng vì dịch vụ y tế ở Myanmar rất tệ.

Khách sạn: Bạn nên đặt trước thông qua agoda.com hoặc booking.com. Khách sạn chúng tôi chọn là Blazing hotel ở Bagan và Zawgi Inn hotel ở Inle, sạch sẽ, nhân viên thân thiện, chu đáo, cảm giác như ở nhà. Ẩm thực: Trải nghiệm ăn bốc khá thú vị. Các món nên thưởng thức như bún cá Mohinga, trà sữa, mì Shan, bánh bao ở Chinatown, Yangon; nho, bơ, rượu vang ở Inle lake.

Điểm tham quan:

+ Những điểm đến nổi tiếng tại Yangon: Golden Rock – hòn đá khổng lồ được mạ vàng mang trên mình ngôi chùa nằm chênh vênh trên sườn núi hơn 2.500 năm qua, Tượng Phật nằm, Chùa vàng Swedagon. Myanmar còn có hơn 2.000km đường bờ biển trải dài và hầu như vẫn còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ vốn có, do chưa được khai thác nhiều, đặc biệt là bãi biển Ngapali chỉ cách Yangon 45 phút máy bay.

+ 5 ngôi đền cổ kính nên ghé thăm tại Bagan: Đền Thatbyinnyu – nổi tiếng là đền cao nhất Bagan, Đền Ananda – đền thờ cổ nhất, Đền Shwesandaw – trông xa giống như Kim tự tháp của Ai Cập, Đền Dhammayangyi – thường được người đân gọi là “ngôi đền ma”, Đền Sulamani – nơi lưu giữ một số bích họa với nét vẽ thô vụng.

+ Những điểm nên ghé thăm ở Mandalay: Cung điện Hoàng gia, Chùa Maha Muni, Tu viện Shwenandaw, Cầu gỗ U Bein, Đồi Mandalay. Các bạn nên ngắm bình minh tại cầu U bein và hoàng hôn tại đồi Mandalay. Ngoài ra, bạn có thể thăm đồi Sagaing, làng cổ Mingun, làng cổ Inwa ở ngoại ô Mandalay.

Lưu ý khác:

• Yangon hay bị kẹt xe vào tầm chiều.

• Khi mua đồ nên trả giá.

• Mặc đồ dài và đi chân không khi vào đền, chùa.

• Một số đền ở Bagan bị cấm leo lên, nên hỏi trước hướng dẫn viên.

• Myanmar vừa trải qua trận động đất vào cuối tháng 8, làm hư hại nhiều đền chùa, một số nơi bạn phải xin phép trước khi tham quan, nên cẩn thận khi thăm một số ngôi đền cổ, bởi chúng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.


Đông Nam Á


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam