Hai điểm đến linh thiêng ngày đầu năm ở Nam bộ


Với nhiều người, đi lễ đền chùa vào dịp đầu năm không chỉ đơn thuần là để cầu may, tỏ lòng thành kính, mà còn để trải nghiệm không khí tươi mới khi vạn vật bừng lên sức sống, tận hưởng cảnh đẹp và văn hóa của mỗi vùng đất.

Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)

Tọa lạc ở chân núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, miếu Bà Chúa Xứ là một trong những công trình tôn giáo nổi tiếng nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm, di tích này đón hàng triệu khách thập phương từ mọi miền đất nước về lễ bái.

Miếu Bà Chúa Xứ có lịch sử lâu đời, với kiến trúc lộng lẫy nhưng không kém phần tinh tế, được hoàn thiện vào năm 1976. Các hoa văn, chi tiết, kèo cột, mái ngói của ngôi miếu đều được chế tác tỉ mỉ, tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật phương Đông. Tượng Bà được tạc vào thế kỷ VI theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ được mô tả qua nhiều giai thoại mà du khách sẽ được nghe khi tới đây.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch, được công nhận là lễ hội quốc gia, với nhiều hoạt động văn hóa và tâm linh thu hút hàng vạn người tham dự. Du khách sẽ không chỉ được trải nghiệm không khí trang nghiêm, mà còn được đắm mình vào những nét đẹp văn hóa, thả hồn trong khung cảnh hồn hậu, xanh tươi của xứ An Giang.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể bắt xe về Châu Đốc, mất khoảng 6 tiếng, do đó tốt nhất nên đi từ đêm hôm trước. Sáng hôm sau, từ trung tâm Châu Đốc, bạn có nhiều lựa chọn để đến miếu Bà Chúa Xứ cách đó chỉ khoảng 6 km như taxi, thuê xe máy hoặc đi xe bus. Tuy nhiên, khi tới đây vào dịp lễ, du khách không nên mua hay thuê heo quay quanh miếu để cúng Bà, vì heo thường để lâu hoặc được tái sử dụng nhiều lần. Đồng thời, bạn nên bảo quản tư trang cẩn thận, đừng nhận lộc khi có người khác đưa hay thả chim phóng sinh bởi rất dễ bị hét giá.

Từ miếu Bà Chúa Xứ, du khách có thể dành thời gian thăm chùa cổ Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… hoặc ghé chợ mắm Châu Đốc mua quà về cho bạn bè, người thân.

“Tới miếu Bà Chúa Xứ, tôi đã được tìm hiểu về văn hóa, phong tục của miền đất An Giang, chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới đáng khâm phục.” (Lê Hà – 322 Lê Đình Dương, Đà Nẵng)

Núi Bà Đen (Tây Ninh) 

Bà Đen là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, với chiều cao lên tới 986 m. Quần thể di tích Núi Bà có vị trí quan trọng trong lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của người dân Tây Ninh. Núi Bà Đen thu hút du khách thập phương nhờ hệ thống chùa Điện Bà nguy nga, lộng lẫy, cùng nhiều hang động tuyệt đẹp, giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, bao la.

Ngôi chùa chính có tên Linh Sơn Tiên Thạch, là nơi đặt tượng Bà Đen với hai cột đá xanh cổ được chạm hình rồng. Ngoài ra, chùa Hang (Linh Sơn Long Châu) và chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung) cũng có kiến trúc ấn tượng không kém. Thời điểm chùa Bà đông khách hành hương nhất là vào tháng Giêng và lễ vía bà (mùng 5, 6 tháng 5 âm lịch).

Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể đi xe máy theo hướng An Sương – Củ Chi hoặc xe bus (Bến Thành – Gò Dầu – Long Hoa) để tới thành phố Tây Ninh. Quãng đường từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch dài hơn 1,2 km. Du khách có thể đi cáp treo hoặc máng trượt để ngắm toàn cảnh núi non và đồng quê xứ Tây Ninh, với giá vé khứ hồi là 150.000 đồng và giá vé một lượt là 80.000 đồng. Tuy nhiên, từ chùa Bà lên tới đỉnh núi Bà Đen còn một quãng 7.000 m không có cáp treo và khá khó đi. Nhiều bạn trẻ lựa chọn tuyến đường leo bộ Ma Thiên Lãnh để chinh phục “Nóc nhà Đông Nam Bộ”.

Sau khi tham quan núi Bà Đen, bạn nên dành thời gian ghé thăm Toà Thánh của đạo Cao Đài và thưởng thức những đặc sản trứ danh của Tây Ninh như bánh canh Trảng Bàng, muối ớt tôm Tây Ninh, bánh tráng phơi sương cuốn thịt…

“Tôi tới núi Bà Đen để chinh phục Nóc nhà Nam Bộ, nhưng không khỏi bị cuốn hút bởi những ngôi chùa linh thiêng cũng như lịch sử của nơi này.” (Nguyễn Phong – 662 Điện Biên Phủ, quận 10, TP HCM).


Vũng Tàu - Đông Nam bộ


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam