Hút hồn du khách với vách đá trầm tích núi lửa triệu năm ở đảo Lý Sơn


Vách đá trầm tích núi lửa ở Bãi Sau, xã An Bình (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) trông giống hai cánh tay "khổng lồ" vươn ra biển

Sau nhiều năm dài khảo sát, nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Hoàng - chuyên gia Viện Khoa học và công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cho biết, hoạt động núi lửa ở đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính, cách đây khoảng 10 - 11 triệu năm và gần nhất khoảng một triệu năm (trùng thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực Bình Châu và Ba Làng An). 

Theo GS Nguyễn Hoàng, môi trường phun trào núi lửa ở đảo Lý Sơn đa dạng gồm nước biển sâu, biển nông, trên cạn (lục địa). Mỗi đợt phun trào tạo thành các lớp dung nham có bề dày khác nhau, còn nguyên vẹn. Đây có thể xem là "Viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa" hiếm hoi thế giới.

Vách đá hòn Đụn, di tích của hoạt động núi lửa ở xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn.

Các chuyên gia cho rằng, trường núi lửa đảo Lý Sơn được hình thành trong môi trường kiến tạo mạnh mẽ và phức tạp như nâng, hạ, tách giãn, trôi dạt. Hoạt động núi lửa phun trào kiểu dòng chảy và phun nổ (phễu núi lửa hiện là hồ chứa nước Thới Lới), thành phần thạch học chủ yếu là đá basalt có tính chất địa hóa học đa dạng.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Hòn đảo này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò... có giá trị lớn để làm du lịch.

Du khách chụp selfie, lưu lại kỷ niệm bên vách đá trầm tích núi lửa ở xã An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn. 

Hoạt động kiến tạo núi lửa tạo nên di tích chùa Hang độc đáo bên bờ biển đảo Lý Sơn. Ngoài các họng núi lửa trên bờ, các chuyên gia còn phát hiện nhiều trầm tích núi lửa với kích thước khác nhau dưới đáy biển nơi đây. 

Vài năm gần đây, nhiều đôi trẻ đến huyện đảo Lý Sơn để chụp ảnh cưới, lưu lại khoảnh khắc đẹp bên vách, bãi đá trầm tích kỳ thú.

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đồng thời, lập hồ sơ di sản địa chất Bình Châu để được công nhận là công viên địa chất quốc gia. Trình Chính phủ xếp hạng quần thể di tích văn hóa lịch sử huyện đảo Lý Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. 

Vách đá trầm tích núi lửa trông giống loài khủng long trải dài hàng cây số ở khu vực gần chùa Hang (thôn Đồng Hộ, xã An Hải). 

Cụm đá trầm tích núi lửa nằm sát mép biển ở thôn Tây, xã An Vĩnh. 

Để bảo tồn bền vững di sản địa chất, chính quyền địa phương cần quy hoạch lại các khu dân cư và quản lý xây dựng (dân dụng và cả quốc phòng) tránh xa di sản tự nhiên. Bảo vệ và tôn tạo các thành tạo địa chất, đặc biệt là bức tường trầm tích khu vực Thới Lới và lân cận đảo Lý Sơn, các vết lộ đá núi lửa. 

"Quảng Ngãi cần tìm mô hình quy hoạch cho đảo Lý Sơn theo hướng phát triển dịch vụ du lịch xanh chất lượng cao, vừa cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, vừa bảo vệ môi trường, tránh gây phá vỡ cảnh quan thiên nhiên", Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân nêu quan điểm.


Nha Trang - Duyên Hải miền Trung


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam