Khám phá vẻ đẹp thảo nguyên Mông Cổ ngay tại Việt Nam


Với những đồi cát miên man, đồng dê và cừu đẹp như tranh vẽ, Ninh Thuận được ví như “Mông Cổ của Việt Nam”. Thậm chí, cuộc sống của người dân du mục ở Ninh Thuận cũng khiến người ta liên tưởng tới thảo nguyên Mông Cổ xinh đẹp.

Ninh Thuận không chỉ có bãi biển Ninh Chữ xanh trong, tháp Chăm Po Klong Garai mang vẻ hoàn mỹ, làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng lâu đời nhất Đông Nam Á, đồi cát Nam Cương đẹp như thảm lụa đa sắc rực rỡ… mà còn hấp dẫn du khách bởi những cánh đồng cừu đẹp mê hồn.

Với những du khách đam mê khám phá và có “máu phiêu lưu” thì những đàn dê núi hay đàn cừu trắng ở Ninh Thuận mang sức cuốn hút không thể chối từ. Tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn những đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng rộng bạt ngàn, hay thẩn thơ dạo bước trên nền đất cát phủ bụi mờ cũng như tìm hiểu, khám phá cuộc sống nay đây mai đó của dân du mục.

Chính điều kiện khắc nhiệt của khí hậu và địa hình, những đợt nắng như đổ lửa, nắng cháy khô đất, gió nóng rát, khô hạn… lại là điều kiện lý tưởng để nuôi dưỡng, chăm sóc dê và cừu.

Cừu tập trung nhiều ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước… Tại những khu vực này, du khách dễ dàng bắt gặp dê, cừu ở mọi nơi. Cừu được chăn thả thong dong gặm cỏ trên đồng hay chạy nhảy tung tăng và kêu “bê bê” inh ỏi. Hoặc chúng có thể chạy xô nhau trong những trang trại rộng lớn, trên đường làng, đường quốc lộ và khu vực triền núi.

Ở Phan Rang (Ninh Thuận), người dân đã biết nuôi cừu lấy thịt từ hơn 100 năm nay. Lông cừu Ninh Thuận không được sạch và trắng vì phải lội bùn nước, kiếm ăn ngoài đồng và không được tắm rửa. Tuy vậy, vẻ bụi bặm, màu lông cát cháy, có khi đen nhẻm của cừu Ninh Thuận lại rất hợp với xứ sở đầy nắng, gió này.

Đồng cừu được cho là đẹp nhất, lớn nhất ở Ninh Thuận nằm ở thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Khi được tận mắt chứng kiến những con cừu hiền hòa đang chậm rãi gặm cỏ, xung quanh là núi non điệp điệp trùng rùng, hồ nước thơ mộng nằm giữa đồng cỏ xanh mơn mởn, chắc chắn không du khách nào không bị lôi cuốn và mê hoặc.

Cừu ở An Hòa có khi tới cả nghìn con. Mỗi khi thả chuồng, cừu đi thành đàn dài như hành quân xung trận, khuấy tung bụi đất khiến ta hình dung tới những vó ngựa Mông Cổ dũng mãnh ở miền thảo nguyên xa xôi. Do đó, giới nhiếp ảnh gia cũng như các du khách, phượt thủ đều rất thích đến ngắm nhìn và chụp ảnh những đồng cừu Phan Rang cũng như hòa mình vào cuộc sống du mục của những người chăn cừu.

Nếu muốn trải nghiệm một ngày làm dân du mục, du khách nên đến đồng cừu từ khoảng 6h30 – 7h để gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu và làm quen với “quản gia” trang trại cừu cũng như những chú cừu hiền lành.

Từ 8h sáng, khi sương đã khô, nắng lên vừa, người ta sẽ mở chuồng thả cừu ra đồng ăn cỏ đến khoảng 11h. Bạn sẽ được nhìn thấy một cảnh tượng ngoạn mục khi hàng chục, thậm chí hàng trăm chú cừu ùa ra khỏi trang trại, vừa chạy vừa kêu be be như đánh thức ngày mới. Sau đó, chúng sẽ dùng “bữa sáng” trên cánh đồng cỏ.

Khi nắng bắt đầu gắt, cừu sẽ được uống nước và nghỉ ngơi ở ngoài đồng cỏ. Từ 2-5h chiều, người chăn cừu sẽ lùa chúng đi sang đồng cỏ khác để ăn “bữa trưa”. Lúc xế chiều, nắng dần tắt sau những dãy núi xa xa, cừu lại được xua về trang trại để ăn “dặm” – là cỏ trồng hoặc cỏ cắt thêm, để bổ sung dinh dưỡng cho đàn cừu mau lớn.

Đến ngày hôm sau, vòng lặp đó lại bắt đầu. Nếu cuộc sống của người Mông Cổ gắn liền với lưng ngựa thì cuộc đời của những người dân tộc Chăm làm nghề chăn cừu thuê ở Ninh Thuận lại gắn liền với gót cừu. Họ mất ăn mất ngủ mỗi khi cừu ốm hoặc có con lạc đàn.

Tuy vất vả, nhưng cuộc sống cũng rất thiên nhiên và tĩnh tại. Chỉ có con người với cỏ cây, với những con vật hiền hòa, không có sự bon chen, xô bồ, ầm ĩ của cuộc sống thực tại. Bởi, không phải ai cũng có cơ hội “thưởng thức” không gian yên bình, mùi hăng hăng đặc trưng của những cánh đồng cừu giữa một nơi hoang vu tĩnh lặng, bốn bề là đồng cỏ, núi non hùng vĩ. Thật tự tại, tự do!


Nha Trang - Duyên Hải miền Trung


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam