Mối duyên với đỉnh núi này của chúng tôi bắt nguồn từ hành trình lên đỉnh “sừng trời” Nhìu Cồ San cuối năm 2014. Nhìn từ trên cao, đỉnh Lảo Thẩn với thế núi mạnh mẽ, hình dáng như kim tự tháp vươn mình trên tầng mây. Chúng tôi còn ví nó như đỉnh núi Phú Sĩ ở nước Nhật xa xôi cùng với một niềm khát khao chinh phục lớn lao. Không hẳn chỉ vì độ cao mà với thế núi cùng địa hình khu vực, tôi dự đoán đường lên đỉnh sẽ có nhiều góc nhìn đẹp, thú vị.
Tôi bắt đầu tìm hiểu những thông tin liên quan đến ngọn núi nguyên sơ này. Để rõ ràng hơn, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu và khảo sát từ dân địa quanh khu vực núi. Lặn lội đường đất qua những bản làng người Dao tại Dền Sáng, người Hà Nhì tại bản Chung Chải, Phan Cán Sử, Phìn Hồ…, cuối cùng chúng tôi đã liên hệ được với những người Mông tại thôn Ngải Chồ, xã Y Tý. Không còn xa lạ gì với những người Mông vốn thân thiện, thạo đi núi cùng mảnh đất Y Tý mây trời tuyệt đẹp nhưng những trải nghiệm trong chuyến hành trình khám phá đỉnh núi Lảo Thẩn thì lại đáng nhớ theo một cách hoàn toàn khác với chúng tôi.
Từ Hà Nội, chúng tôi tới Sapa trên chuyến xe khách giường nằm quen thuộc. Sapa đón cả đoàn trong sương sớm mờ ảo, mây trời bảng lảng nơi mặt hồ khiến khung cảnh thanh bình và thơ mộng quá đỗi. Chỉ vừa rời Ô Quy Hồ rẽ vào cung đường bản Xèo – Tả Giàng Phình – Mường Hum – Dền Sáng, chúng tôi đã ngập mình trong mây. Sau khi gặp gỡ hai anh chàng dẫn đường người Mông vui tính là Hờ và Lử tại trung tâm xã Y Tý, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc đầy đủ với gạo, rau, thịt gà, lợn cùng vô số đồ lỉnh kỉnh khác sẵn sàng cho hành trình lên núi dài ngày.
Chúng tôi tiếp cận chân núi từ sân bay cũ thời Pháp thuộc địa phận bản Phìn Hồ. Đường lên núi ban đầu khá bằng phẳng và băng qua những đồi cỏ gianh vắng gió. Ở đây có những lối mòn dù hoàn toàn tự nhiên nhưng lại như được lát bằng những phiến đá trắng to bản, đôi khi lại là lớp cát bụi trắng lạ mắt. A Hờ cho biết, vào mùa mưa, dân bản thường chăn thả bò tại khu vực này khiến cả khu vực trông như một vùng thảo nguyên bát ngát.
Tiếp sau đó, địa hình đường đi trở nên đa dạng hơn khi mà chúng tôi từ đồng cỏ rồi qua rừng trúc, rừng thảo quả và cả rừng cây mà người Mông gọi là Tung Cua Sỉn – một cái tên nghe thật lạ tai. Trong đoạn rừng đó, đôi lúc chúng tôi bắt gặp cả những thân cây sơn tra nở hoa trắng muốt, cây chí cò với những đóa hoa vàng rực hay hàng trăm bông đỗ quyên đỏ thắm. Trên đường đi, chúng tôi còn trông thấy các bà, các mẹ người Hà Nhì với trang phục và khăn quấn truyền thống đang đi hái cây rừng. Dù không hiểu tiếng Kinh nhưng họ vẫn thật thân thiện, vui vẻ chụp hình cùng chúng tôi. Một người trong số họ còn khoe với chúng tôi cây thuốc quý mà họ vừa hái được. Sau này hỏi thăm anh chàng dẫn đường, chúng tôi mới biết loài cây đó có tên là Sinh Khung.
Từ độ cao 2400 mét trở lên, chúng tôi băng qua nương đồi khô hạn và những thân cây cháy nham nhở. Rừng cây khu vực này đã mất khi dân bản vào rừng chặt củi làm nhà, săn thú rừng và đốt nương làm rẫy. Khung cảnh ấy làm tôi thoáng rùng mình và liên tưởng đến phim trường của những bộ phim về thảm họa tận thế. A Hờ cho biết thêm, chỉ có phía bên kia núi là còn rừng nguyên sinh và thú hoang bởi lẽ địa hình bên đó còn hiểm trở và quá xa cách nên mới giữ được những điều hoang sơ như vậy.
Hướng về phía Dền Sáng, chúng tôi có thể thấy dãy Nhìu Cồ San sừng sững nổi lên giữa những sóng mây trắng xốp. Phía bên này vực núi là vô số những phiến đá với đủ hình thù kỳ lạ, điểm dừng chân thư giãn và ngắm cảnh cho mọi người. Có lẽ vì thế nên anh chàng dẫn đường người Mông gọi địa điểm này là “sóng đá”. Dù gắn bó với núi rừng từ nhỏ nhưng dường như đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, hai chàng trai người Mông cũng đang háo hức và thích thú hệt như chúng tôi. Thậm chí họ còn lấy điện thoại ra rồi tạo dáng, nhờ chúng tôi chụp hình cho.
Tôi vốn là một kẻ ham mây đến cuồng nhiệt thế nhưng do mây mù đang dần bao phủ toàn bộ khu vực cả đoàn dừng chân nên tôi đã không thể nhìn rõ bất cứ dấu hiệu nào của biển mây cho dù ở phía đối diện – Trịnh Tường, mây vẫn dập dềnh trồi. Tất cả mọi hi vọng được đặt vào cho lần quay lại vào sáng sớm ngày hôm sau, khi mây đã lắng đọng cùng sương, hơi lạnh sẽ hòa cùng dòng mây để chảy về phía núi. Lúc đó, khung cảnh hẳn sẽ còn huyền ảo và hùng vĩ hơn thật nhiều.
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình với niềm háo hức vì theo lời A Hờ, đỉnh núi không còn xa nữa. Lúc ấy, chúng tôi chưa biết rằng, đỉnh núi ngay trước mặt là thế mà phải mất tận hơn 1 tiếng rưỡi leo dốc, vật lộn với gió núi và lối đi đầy cây bụi mới có thể chạm chân tới.
Khi đặt chân trên đỉnh núi, một triền đất bằng phẳng nơi trải rộng trước mắt chúng tôi. Từ đây, thật dễ dàng để bao quát toàn bộ không gian núi non tứ phía: xa xa kia là dãy Bạch Mộc Lương Tử xanh thẫm với đầy bí ẩn, gần hơn nữa là cụm Nhìu Cồ San hùng vĩ, hướng Dền Sáng là vực sâu thẳng đứng. Sau khi mở GPS kiểm tra, chúng tôi đo được độ cao là 2826m – một con số rất ấn tượng.
Trời dần về chiều, mặt trời dường như còn nuối tiếc trời xanh mà chẳng chịu nép mình vào bóng núi, gió vẫn không ngừng thổi, bóng núi nhọn hoắt lúc mờ lúc tỏ trong màn sương mờ ảo. Sau khi cất tiếng hát bài ca đất nước, giăng lá cờ Tổ quốc trong ngập đầy niềm tự hào trước thiên nhiên hùng vĩ quê hương, chúng tôi lặng yên lắng nghe núi rừng vang vọng lại tiếng ca ấy nhờ gió ngàn thổi miết. Sóng mây chở theo cả những sóng âm nghẹn ngào, xúc động.
Lảo Thẩn thật sự là một hành trình ấn tượng và nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Chia tay hai chàng trai người Mông thân thiện, dễ mến, tạm biệt con đường dẫn lên đỉnh núi, tạm biệt những người anh em đã cùng đồng hành trên chặng đường nhiều kỷ niệm với những cảm xúc còn vương lại. Tôi chắc chắn sẽ luôn hướng về Lảo Thẩn như niềm nhớ thương của một kẻ bộ hành vì trót mê khám phá mà buộc lòng mình với gió mây non ngàn.
Thông tin thêm:
- Phương tiện: Từ Hà Nội, du khách có thể bắt xe buýt giường nằm của các đơn vị như Hải Vân, Hưng Thành, Sao Việt… để lên thẳng thị trấn Sapa (Lào Cai), sau đó thuê xe ô tô du lịch hoặc xe máy để di chuyển từ trung tâm thị trấn Sapa tới Y Tý, nơi bắt đầu cho hành trình leo núi.
- Hành trang: Du khách lưu ý chuẩn bị đầy đủ các loại trang phục giữ ấm cơ thể, có khả năng chống thấm và chắn gió. Ngoài ra do hành trình có chặng leo núi kéo dài qua đêm nên du khách cần trang bị thêm giầy chuyên dụng, găng chống trơn, gậy leo núi, lều và túi ngủ.
- Thời tiết: vào mùa đông, nhiệt độ ban ngày tại khu vực Sapa, Y Tý thường ở mức từ 14 – 21 độ C, vào chiều tối và đêm nhiệt độ sẽ giảm dần xuống ở ngưỡng từ 8 – 16 độ C, đặc biệt vào những ngày có không khí lạnh tăng cường gây mưa, băng giá và tuyết rơi, nhiệt độ trung bình có thể rơi xuống từ -2 – 6 độ.
- Lưu ý nhỏ: là khu vực mây và sương mù hầu như bao phủ quanh năm nên độ ẩm tại Sapa, Y Tý, Lảo Thẩn khá cao, du khách cần lưu ý bảo quản các thiết bị chụp hình, quay phim để có thể lưu lại những hình ảnh đẹp nhất cho chuyến đi.