Miếu Nổi – địa chỉ tạ lễ, cầu duyên cuối năm của người Sài Gòn


 Nằm giữa sông nên nếu muốn lễ, bạn phải đi đò mới lên được miếu.

Nằm trên sông Vàm Thuật, thuộc địa phận quận Gò Vấp, TP HCM, Phù Châu Miếu (hay còn gọi là Miếu Nổi do vị trí và cách xây dựng độc đáo) là địa chỉ linh thiêng nổi tiếng ở Sài Gòn – Ảnh: Son Nguyenminh

Ngôi miếu cổ được xây dựng cách đây hơn 300 năm, kiến trúc pha lẫn giữa Trung Hoa và Việt Nam. Nhiều hình rồng được cẩn bằng sứ tinh xảo. Bên trong chia làm hai gian: chánh điện phía trước và nơi thờ năm Mẹ phía sau, ngoài sân thờ các vị bồ tát.

Tương truyền, thế kỷ 18, một người đàn ông chài lưới đã vớt được xác một phụ nữ, ông đem chôn trên cù lao rồi lập một miếu nhỏ để thờ, từ đó cuộc sống khấm khá hơn. Trước năm 1975, đây là điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn nhưng sau đó gần như bị bỏ hoang. Đến năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu bỏ tiền sửa sang, khôi phục lại miếu.

Đầu năm, người người kéo nhau đến đây, thắp nhang vòng cầu làm ăn, cầu bình an. Cuối năm, họ đến trả lễ nên những ngày này miếu rất đông người viếng.

Trước miếu, vài người bày bán đĩa lễ gồm dừa, trầu cau và hoa cúc cho các quý cô đi lễ năm Mẹ, cầu duyên lành.

Lễ xong, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi uống nước giải khát dưới tán cây mát rượi sau miếu hoặc mua cá, chim, rùa… phóng sinh.

Trong sân có cây chùm ruột trĩu quả, người đi lễ có thể mượn cây khoèo của miếu, móc hái trái xin lộc.

Sông Vàm Thuật bị ô nhiễm bốc mùi hôi thối, tuy vậy cách duy nhất để sang miếu là đi đò ở bến nhỏ cạnh bến phà An Phú Đông. Từ chợ Gò Vấp, bạn chạy xe theo đường Nguyễn Thái Sơn đến cuối đường, rẽ vào đường Trần Báo Giao đến bãi gửi xe vào miếu. Địa hình không mấy thuận tiện, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt khách ghé thăm.

Con đò cũ kĩ, xập xệ chạy liên tục từ bờ này sang bờ kia và ngược lại bất kể các ngày trong tuần. Chỉ những hôm trời mưa to thì đò mới tạm ngừng hoạt động. Mỗi người tốn 10.000 đồng cho một chuyến khứ hồi.


Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam