Một tuần đủ để tôi hay bạn khám phá một vòng hòn đảo Đài Loan với nét duyên ngầm, thân thuộc. Đối với tôi, giờ đây Đài Loan sẽ là nơi để trở về hơn là nơi để đến…
Nếu bạn cần tìm nơi có cảnh quan hùng vỹ, những bãi biển cát trắng, những công trình kiến trúc cổ xưa hay những tòa nhà lung linh rực rỡ về đêm thì đừng đến xứ Đài. Tôi khuyên thật đấy. Vì xứ Đài níu kéo đôi chân của tôi theo cách hoàn toàn khác. Một cuộc sống không quá vội vã, ồn ào. Mọi thứ đều bình lặng trong nhịp thở của cuộc sống hiện đại cũng như sự pha trộn văn hóa tự do từ Mỹ và cái hồn cốt cách Á Đông của Nhật Bản đều phảng phất trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Ngày thứ nhất
Sau khoảng 3 giờ bay từ Sài Gòn, tôi đã có mặt ở thủ phủ Đài Bắc. Thành phố còn phủ một lớp sương mờ trong thời tiết vào thu. Đài Bắc là trung tâm văn hóa chính trị của Đài Loan, đồng thời là một đô thị mang tính quốc tế hóa, với dân số khoảng 2,7 triệu người. Ngoài vẻ đẹp hiện đại, thành phố Đài Bắc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, với bảo tàng Cố cung, nơi trưng bày nhiều cổ vật của các triều đình phong kiến Trung Hoa. Trong lòng thành phố cũng còn lưu giữ được nhiều phố cổ, đền chùa có lịch sử lâu đời. Tôi cũng dành cả buổi chiều để tham quan công viên quốc gia Dương Minh Sơn với địa hình núi lửa đặc thù và quần thể thực vật phong phú, được bố trí nhiều hệ thống đường đi bộ, thế mới thấy một môi trường thiên nhiên vô cùng trong lành và dễ chịu mà người dân xứ Đài đang hưởng thụ. Một ngày tuyệt vời của tôi kết thúc muộn ở khu chợ đêm Ninh Hạ – thiên đường ẩm thực của người dân địa phương và cả du khách nước ngoài.
Ngày thứ hai
Từ khách sạn, tôi bắt xe điện ngầm để đến Tòa tháp 101 Taipei. Người Đài có thói quen nghiên cứu phong thủy rất kỹ trước khi xây dựng một công trình, tòa tháp Đài Bắc 101 cũng vậy, nó mang đậm nét những dấu ấn đặt trưng này. Có thể xem tòa tháp 101 Taipei như thiên đường mua sắm và ẩm thực với showroom của các hãng nổi tiếng thế giới, boutique của các nhà thiết kế Đài Loan và các mặt hàng mỹ nghệ địa phương tinh xảo, độc đáo. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn về mặt hàng cũng như giá tiền khi mua sắm ở Taipei 101. Thú vị hơn, sau khi mua sắm, bạn có thể đi lên đài quan sát ngoài trời (ở tầng 85) để ngắm toàn cảnh thành phố. Du khách không hứng thú với việc mua sắm có thể đến công viên Tôn Trung Sơn, nơi họ có những bức ảnh trọn vẹn về công trình được xem là biểu tượng phồn vinh của Đài Loan.
Rời tòa tháp, tôi tiếp tục đến ngôi làng cổ tích Cửu Phần và cố nấn ná tìm khoảng không gian huyền ảo về đêm nơi đây. Sở dĩ làng có tên Cửu Phần là do trước đây chỉ có 9 gia đình sinh sống. Mỗi khi mua hàng từ dưới núi lên, họ đều đặt 9 phần. Tên gọi Cửu Phần đã ra đời từ đó. Làng có một vị trí phong thủy tuyệt đẹp khi những ngôi nhà cổ tựa lưng vào các vách núi trông rất bình yên. Những con phố nhỏ, những hàng quán nghi ngút khói, những ánh đèn lồng màu đỏ từ quán trà cổ nổi tiếng nơi đây đã mang lại cho tôi sự quyến luyến không rời.
Ngày thứ ba
Tôi vẫn sử dụng xe điện ngầm để đến trạm xe buýt Kuo-Kuang đi hồ Nhật Nguyệt. Lộ trình di chuyển khoảng 4 giờ đồng hồ xuống miền Trung xứ Đài. Nhật Nguyệt là hồ tự nhiên lớn nhất của Đài Loan, cũng là một trong những điểm đến nổi bật được giới thiệu cho khách du lịch trước tiên khi họ đến với hòn đảo hình chiếc lá phong này. Nằm trên vùng cao nguyên, hồ Nhật Nguyệt cách mặt biển khoảng hơn 700m, thuộc quận Nantou. Phần phía đông của hồ tròn như mặt trời, còn phía tây lại cong bán nguyệt. Vì vậy nơi đây mới được gọi là hồ Nhật Nguyệt. Xe buýt thường đậu ở phía Đông Nam của hồ, nơi có bến tàu, khách sạn, nhà hàng và một số khu mua sắm. Khi đến trạm xe buýt tôi lập tức được chào mời bởi một số người bán tour du thuyền trên hồ Nhật Nguyệt với giá 250TWD. Lộ trình tham quan khoảng 3 giờ đồng hồ với 2 điểm dừng chính. Trước tiên, tàu đưa tôi từ bến Yidashao sau đó dừng lại ở Harbor Yacht, nơi tọa lạc một ngôi chùa nhỏ trên lưng chừng đồi hướng xuống mặt hồ. Nơi đây, du khách cũng thường tập trung quây quần để xem những tiết mục âm nhạc truyền thống của người địa phương… Điểm dừng thứ 2 là Syuanguang. Đây là thị trấn nhỏ có nhiều hàng quán bán trà, đồ lưu niệm, nhà nghỉ, khu ăn uống và cả hệ thống cáp treo để vượt núi giúp du khách nhìn toàn cảnh hồ Nhật Nguyệt từ trên cao. Tôi thuê chiếc xe đạp dạo quanh một góc hồ cho đến tận khi mặt trời lặn dần sau những dãy núi màu lam.
Ngày thứ tư
Từ Đài Trung tôi đi xe lửa đến thị trấn Chiayi, cửa ngõ để lên núi Alishan. Hiện nay, để đến núi Alishan thì chỉ có cách duy nhất là đến thị trấn Chiayi. Từ nhà ga Chiayi, tôi mua vé xe buýt ở ngay phía trước nhà ga để lên khu du lịch trên núi Alishan với giá vé 230 TWD/lượt. Khoảng 45 phút sẽ có một chuyến xe buýt lên đỉnh Alishan. Alishan nằm ở giữa phía đông của Đài Loan, trải dài trên 4 thị trấn: Fanlu, Zhuqi, Mi Sơn và Alishan; có tổng diện tích 41.520ha nằm trên 18 ngọn đồi. Có 5 cảnh quan du khách không nên bỏ lỡ khi đến đây, đó là cảnh mặt trời mọc lộng lẫy, những đám mây trắng bồng bềnh, khu rừng bách tuyệt đẹp, những bụi cherry thơm lừng và đường ray trong rừng có hình chữ Z độc đáo. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm những người bản địa với những trải nghiệm về nét văn hóa độc đáo của họ. Thiên nhiên ở Alishan với những loài thực vật đặc trưng rõ nét như thông và tuyết tùng ngàn năm, ngược với rừng cọ, rừng chuối, rừng cau nhiệt đới ở vùng đồng bằng Chiayi. Vào chiều tà, khu rừng chìm trong vẻ đẹp kỳ quái với không gian hẹp đang chìm dần vào bóng đêm, nắng tắt để nhường cho những bản tình ca của rừng, của tiếng ve kêu, của côn trùng và văng vẳng tiếng chim.
Ngày thứ năm
Thật dễ dàng để tôi có thể đến Phật Quang Sơn bằng xe buýt. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng Đài Loan. Với hơn 20 tòa điện, lầu, đường trang nghiêm, Phật Quang Sơn là nơi hội tụ rất đông tín đồ Phật giáo. Pho tượng Phật sừng sững, nổi bật với nụ cười hiền từ trên nền trời xanh. Đây là pho tượng đồng cao nhất thế giới hiện nay với chiều cao lên đến 108m. Hai hàng tám bảo tháp như hai bức tường thành che chở cho con đường đến với tượng Phật. Phật Quang Sơn là nơi sở hữu hàng ngàn pho tượng Phật dát vàng quý giá. Tôi được hướng dẫn tham dự một lớp thiền khoảng 30 phút bên trong chánh điện, nơi đặt tượng Phật Niết Bàn bằng ngọc trắng và những bức phù điêu được trạm trổ bằng ngọc và gỗ quý rất tinh xảo. Vẻ trầm mặc của ngôi chùa, khiến lòng tôi được thanh thản, nhẹ nhàng.
Ngày thứ sáu
Hành trình lại đưa tôi đến thành phố biển Hoa Liên bình yên bên bờ Đông của hòn đảo Đài Loan. Hoa Liên rất nhỏ nên hầu hết du khách đến đây tự thuê xe đạp hay xe máy để tham quan thành phố hay đến với công viên quốc gia Taroko nằm ở phía Bắc thành phố. Bạn cũng có thể đi xe buýt với giá vé 250TWD/2 chiều và bạn nhớ lấy lịch trình xe buýt dừng ở trạm trong khu vực vườn quốc gia hay thời gian quay về thành phố Hoa Liên.
Taroko là một trong bảy công viên quốc gia nổi tiếng của Đài Loan, trải dài từ thành phố Đài Trung, Nam Đầu, và Hoa Liên. Nơi đây cuốn hút du khách bởi những hẻm núi uy nghi, những thác nước hùng vĩ, những khu rừng xanh mướt… Công viên có nhiều địa danh hấp dẫn như: miếu thờ Eternal Spring, hang động Swallow, thung lũng Liwu, hầm có 9 vòng xoay, con đường hẹp chạy dọc men sườn núi ngoạn mục tạo nên những ấn tượng thú vị cho du khách. Mùa này một số đoạn đường trekking bị đóng do hiện tượng sạt lở đá nguy hiểm. Tôi đến thẳng thị trấn Tianxiang, nơi có thể thực hiện các cung trekking để đến với thác nước Baiyan, ngôi chùa Xiangde nằm trên sườn núi cao hùng vĩ. Bác tài xe buýt nói với tôi rằng nếu du khách đi vào mùa xuân thì những loài hoa sẽ nở dọc trên những sườn núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên lãng mạn, nhiều màu sắc.
Ngày thứ bảy
Tôi bắt chuyến xe lửa nhanh chỉ mất khoảng 2 giờ để về Đài Bắc. Hẹn với một cô bạn cùng quê qua Đài Loan gần 20 năm, cô ấy đưa tôi đi thăm quan ngôi chùa Ông nổi tiếng nằm trên một ngọn đồi cao có hướng về thành phố mới Đài Bắc và thưởng thức món phá lấu chay của một nhà hàng nhỏ có từ năm 1967. Sau đó, chúng tôi tiếp tục ra khu vực cảng biển thưởng thức các hải sản tươi sống được các ngư dân vừa mang vào bờ. Thưởng thức món trà sữa và tô mỳ bò nổi tiếng xứ Đài trước khi ra sân bay về Sài Gòn vào sáng sớm hôm sau. Bảy ngày đã trôi qua ở Đài Loan dường như quá nhanh, để rồi lòng vẫn muốn trở về Đài Loan nhiều lần nữa…
Những điều bạn nên biết khi du lịch Đài Loan
Visa
Hầu hết du khách e ngại việc xin visa du lịch Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ ngày 1/9/2016, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã áp dụng các biện pháp nới lỏng thủ tục visa đối với công dân Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. Wanderlust Tips đã có một bài viết chi tiết về kinh nghiệm xin visa Đài Loan, bạn có thể tham khảo bài viết theo đường dẫn sau: http://wanderlusttips.com/2016/10/20/kinh-nghiem-xin-visa-dai-loan/
Hàng không
Từ Sài Gòn hay Hà Nội có những hãng đi Đài Bắc, Cao Hùng là China Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air… Bạn có thể dễ dàng tìm lịch trình bay và mức giá khuyến mãi qua hệ thống www.tripi.vn.
Người Đài Loan sử dụng Tân Đài Tệ (TWD): 100TWD tương đương 70.000VND.
Khách sạn
Hệ thống khách sạn, hostel ở Đài Loan cực kỳ tiện lợi, sạch sẽ, có mặt hầu hết các thành phố lớn và các điểm vui chơi giải trí nổi bật.
Phương tiện giao thông công cộng
Đài Loan có hệ thống giao thông công cộng đa dạng được sắp xếp khoa học và chuyên nghiệp đến mức tôi nghĩ họ xây dựng để phục vụ riêng cho những du khách nước ngoài không cần phải biết tiếng bản địa. Hầu như thành phố nào cũng có ga xe lửa trung tâm và từ đó có các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, taxi, xe điện ngầm để hỗ trợ cho du khách đến những lộ trình tiếp theo. Du khách có thể đến nhà ga để mua vé hoặc có thể mua online một cách dễ dàng. Nếu định sử dụng phương tiện công cộng thì bạn nên sắm cho mình một cái thẻ Easy Card. Thẻ này rất tiện lợi và rẻ, có thể mua sắm ở một số cửa hàng như: 7eleven hay Pizza Hut… Bạn có thể mua thẻ này ở ngay tại cổng dẫn ra ga tàu hoặc trạm xe bus tại sân bay.
An ninh
Hệ thống camera của Đài Loan được phủ kín khắp nơi, ít thấy cảnh sát trên đường phố. Cô bạn sống 20 năm ở Đài Loan nói rằng, nếu sự cố xảy ra cảnh sát chỉ cần trích xuất dữ liệu từ các máy camera để tìm ra thủ phạm.
Ẩm thực
Ẩm thực ở Đài Loan rất phong phú, ngon, bổ và giá rẻ đến bất ngờ. Đặc biêt, các món ăn thanh đạm, ít dầu mỡ và được bày trí rất tinh tế. Khi đến Đài Loan bạn đừng bỏ qua những món đặc sản như món mì bò trứ danh, bánh tiêu, Tian Bu La, xôi ống, đậu hũ thối, phá lấu chay và trà sữa Đài Loan. Đặc biệt, bạn nên thưởng thức văn hóa ẩm thực ở các khu chợ đêm sôi động, nhiều màu sắc hiện diện mỗi đêm ở các thành phố xứ Đài.
Bạn có thể tự thưởng cho mình một bữa tối sang trọng tại nhà hàng Đỉnh Thái Phong – nhà hàng nổi tiếng nhất Đài Loan được phong sao Michelin. Thú vị hơn bạn cũng có thể trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng Bồn Cầu mang phong cách độc đáo.
Vệ sinh
Đài Loan là một đất nước sạch sẽ, có lẽ chỉ xếp sau Nhật Bản ở châu Á. Nhà vệ sinh công cộng ở khắp mọi nơi. Đường phố ngăn nắp, gọn gàng ngay cả những khu chợ cá hay khu chợ ẩm thực đêm.
Những điều thú vị khác
Wifi, nhân viên nói tiếng Anh tốt ở khu vực sân bay, nhà ga và các khu vực công cộng khác. Bạn có thể tìm thấy hình ảnh làng Cửu Phần trong phim“A City of Sadness” giành giải nhất tại Liên hoan phim Venice để có thể lên dây cót tinh thần trước khi tham quan xứ Đài.