Ngắm cảnh đẹp mê hồn trên Phá Tam Giang


Cách đến Phá Tam Giang

Khi đến Huế bạn thê xe máy có giá 120.000 - 150.000đ/ngày. Bạn cần dành một ngày để vui chơi ở Phá Tam Giang.

Phá Tam Giang cách Huế 15km, đi xuôi từ biển Thuận An về Quảng Trị.Từ Huế có hai đường đến Phá Tam Giang: Một đường ngay tại quốc lỗ 1A, cách thành phố Huế 11km. Một đường đi từ thành phố Huế, chạy zíc-zắc trong các ngôi làng cổ của Huế.

Một ngày trên Phá Tam Giang

Tùy theo thời gian thu xếp được mà bạn cảm nhận vẻ đẹp của phá lúc bình minh, hoàng hôn hoặc cả ngày dài

Nếu dành cả ngày để khám phá Tam Giang thì hành trình có thể gói gọn từ 5h sáng đến 15h chiều. Tùy thuộc sở thích, bạn có thể đi xe đạp hoặc xe máy từ làng Vinh Vệ dọc theo sông Như Ý về phía đầm Chuồn – phá Tam Giang. Phong cảnh hữu tình của những ngôi làng cổ làm say lòng người bởi nét đẹp kiến trúc của những mái đình cổ kính, những nhà thờ tộc với kiểu chạm trổ rồng phượng duyên dáng…

Con đường làng quanh co, uốn lượn theo dòng sông nhỏ dẫn bạn đến những cánh đồng lúa chín vàng ươm trải dài đến tận đầm Chuồn. Từ đây, bạn xuống thuyền để du ngoạn trên đầm, chiêm ngưỡng phong cảnh và tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của người dân vùng đầm phá, lắm thú vị mà cũng lắm xót xa.

Ghé thăm một hoặc hai ngôi nhà chòi trên phá, nhâm nhi một vài món hải sản nướng, bất kỳ ai cũng sẽ cảm nhận thấy một cuộc sống bình yên mộc mạc, khác xa với nhịp sống bộn bề của ngày thường.

Ngắm bình minh ở Phá Tam Giang

Vẻ đẹp khó cưỡng nhất là lúc đầm phá khoác lên mình chiếc áo vàng óng của bình minh và màu đỏ tía lúc hoàng hôn buông xuống. Trên con thuyền nhỏ lướt nhẹ giữa gió, nước, mây trời, bạn sẽ như hòa lẫn vào khung cảnh nên thơ để cảm nhận một vùng trời nước đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa.

 

Thời điểm đẹp nhất ngắm bình minh trên phá là từ 5h30 đến 7h. Bạn hãy dậy thật sớm rồi thuê một chiếc xe máy để hòa mình vào không khí trong lành, thoáng đãng của nông thôn Huế, với những hàng cây xanh mát hai bên đường.

Khi đến đầm Chuồn, một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang, bạn sẽ thấy hoạt động tấp nập của ngư dân khi trở về sau một đêm cần mẫn làm việc; trao đổi, mua bán tôm cá ngay trên con thuyền giữa phá; đặc biệt là chiêm ngưỡng bình minh dần ló dạng.

Ăn sáng

Tại đây, thưởng thức bữa sáng với các món đặc sản dân dã trong vùng như bánh xèo với tôm, cá kình… sẽ là trải nghiệm chẳng thể nào quên. Bằng cách leo lên một nhà chòi trên phá, bạn có thể vừa ăn, vừa trò chuyện với dân chài hay chỉ là thả hồn vào sông nước mênh mông.

Xuôi thuyền dọc ngang Phá Tam Giang

Từ Cảng biển Thuận An bạn thuê thuyền, chỉ sau 30 phút, thuyền cập bến tại ốc đảo trên phá có làng chài Thái Dương Hạ cổ xưa hàng mấy trăm năm. Ngay từ đầu bến là một khu chợ khá nhộn nhịp với nhiều hàng hóa không khác gì các khu chợ trong thành phố, song đặc biệt hơn là khi chiều xuống, hoàng hôn tím nhuộm màu trên phá thì chợ thật sự ồn ào bởi các ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản trở về, tôm, cá, mực tươi rói được chuyển nhanh từ dưới thuyền lên chợ, rồi lại chuyển từ chợ xuống các thuyền buôn cá tôm khác đi khắp các chợ khác quanh vùng.

Chùa Thái Quốc có kiến trúc nửa xưa nửa hiện đại nhưng uy nghiêm, trầm lặng trong một không gian rợp bóng cây. Đường làng khá khang trang, sạch, được lát bêtông, hai bên nhà cửa xây cất kiên cố, nhiều nhà như một biệt thự nhỏ xinh xắn, trước cửa nhà nào cũng có từ một đến vài trang thờ thờ cúng ông bà. Trong làng có nhiều khu nhà thờ họ rất to, kiến trúc cầu kỳ, giống một ngôi đền lộng lẫy...

Làng Thái Dương Hạ còn làm cho khách tới đây ngạc nhiên khi đứng trước "thành phố lăng", nơi "cư ngụ" của người cõi âm trong làng, được xây cất như một ngôi biệt thự tí hon, trang trí hoa văn rất đẹp, có "ngôi nhà" còn được thắp đèn điện ngày đêm...Cuộc sống “Dương sao âm vậy” dường như đúng với mảnh đất này.

Nhưng thú vị nhất có lẽ là các dịch vụ trong làng, từ tiệm may quần áo, đại lý bia Huda - Huế, đại lý điện thoại di động của các hãng, cho đến đại lý vé máy bay của cả Việt Nam Airlines, Jet Pacific, Thai Airways, Eva Air, China Air...Chẳng thế mà người dân ở đây đều không thích ra thành phố sống bởi ở đây cũng không thiếu thứ gì, kể cả trường học tới trung học cơ sở.

Rời làng, lên thuyền đi tiếp cuộc hành trình khám phá phá Tam Giang, 15 phút lướt nước trong cái gió mang hơi nóng của nắng, tới rú Chá - rừng ngập mặn đặc hữu của phá. Bước vào rừng là như vào một thế giới cách biệt với nắng gió nóng bên ngoài, cây từng lớp dày che như bức tường cây, phả hơi mát lạnh. Cây chá ở đây gần như cây sú - vẹt ở duyên hải phía Bắc hay cây mắm - đước ở rừng U Minh (Cà Mau), có tốc độ tăng trưởng thần tốc và sức lấn biển thần kỳ.

Ăn ở đâu?

Sau một hồi đi thuyền dọc ngang con phá, không gì thú bằng ghé lại một quán ăn ngay đầu con đò ngang, thưởng thức những đặc sản quý hiếm mà chỉ ở đầm phá mới có. Cá, mực, tôm, ghẹ tươi roi rói và nháy tanh tách, thịt thơm ngọt. Món cá hấp đã ngon, ngao cũng không kém phần thơm ngọt dù ngao ở vùng phá này nhỏ hơn ngao ngoài biển. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay, nhưng ngọt, chắc và giá cả sẽ khiến bạn giật mình vì chỉ rẻ bằng nửa so với ghẹ ngoài biển.

Ngắm hoàng hôn ở Phá Tam Giang

16h00 đến 17h30 là thời điểm ngắm hoàng hôn tuyệt nhất. Thay vì xe máy, bạn hãy thuê chiếc xe đạp để đến phá Tam Giang. Quãng đường 12 km sẽ không hề dài và tẻ nhạt khi bạn đi dọc sông Như Ý, ngắm cảnh vật xung quanh và hòa mình vào thiên nhiên. Khi đến đây, bạn có thể thuê chiếc thuyền nhỏ để tận hưởng không khí trong lành mát rượi khi lướt nhẹ giữa quá, đắm chìm vào hoàng hôn.

Hoàng hôn buông xuống có lẽ là cảnh đẹp ngoạn mục nhất trên phá Tam Giang đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Khi màu tím của sắc trời đã nhuộm một màu tuyệt đẹp lên toàn bộ đầm, lên những con thuyền đang tấp nập về bến, những dáng người rắn rỏi rạng rỡ nụ cười đen giòn sau một ngày vất vả. Phá hình như quá đỗi hiền hòa, thơ mộng trữ tình, không mang sự dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển có những con sóng lừng đầy hiểm nguy... Rất nhiều du khách đã vì cảnh đẹp hiếm có này mà dừng lại nơi phá, cố chụp cho được tấm hình chiều buông rủ trên con phá mênh mông sóng nước này.

Lưu ý

Nếu có kế hoạch đi Huế, bạn nên tránh tháng 10, 11 và 12 vì đây là mùa bão tại các tỉnh miền Trung. 


Huế - Đà Nẵng - Hội An


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam