Những chuyện kỳ ảo trên đường


Mỗi khi đến một vùng đất mới, tôi tìm một người bạn là người bản xứ làm bạn đồng hành. Thường thì theo đúng kế hoạch, đến những nơi không có trên bản đồ, được ăn ngon ở những hàng quán không có tên tuổi, và nghe những câu chuyện kỳ ảo truyền tai nhau qua nhiều thế hệ.

LÝ SƠN – NHỮNG NGÔI MỘ GIÓ

Trong ánh đèn chập choạng của quán nhậu sát biển, kế bên tôi là cây bàng vuông đang rũ trái lủng lẳng, ánh đèn hắt vào trông chúng như những chiếc lồng đèn treo cao tỏa ra thứ ánh sáng ma mị. Anh hỏi tôi có nhìn thấy đốm sáng lập lòe ngoài kia không? Tôi bảo có, những chiếc tàu ngoài khơi xa vẫn liên tục chớp tắt ánh đỏ trên một nền trời biển đen kịt.

Lần này anh giơ tay chỉ tôi xem những đốm đỏ ở cận bờ, tôi không nhìn rõ đó là gì, nhờ vào ánh đèn hắt chỉ thấy đó là một gò đất cao, trên gò đất có lẽ còn vài cây nhang cắm chưa tàn. Tôi rùng mình dù không phải do gió lạnh. “Ngày xưa, binh lính thời vua Gia Long được lệnh gióng buồm ra đảo xa để khai phá vùng đất mới, đồng thời để tìm khoáng vật. Lý Sơn là nơi các binh lính dừng chân trước khi lại ra khơi. Nhưng biển cả gió to, sóng lớn không ai ngờ được, nên các binh lính mất tích trên biển gần như không thể tìm lại được hình hài. Vua Gia Long đau buồn, đích thân ra đảo Lý Sơn cùng một ông thầy phong thủy giỏi để làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ”, anh trai người bản xứ khe khẽ câu nói say sưa.

Rồi anh kể, thầy phong thủy cho đào đất sét ở Giếng Tiên để đắp tượng thành hình hài như tử sĩ, dùng tơ tằm để làm gân, cành dâu làm xương, than củi từ cây thụ đao làm lá phổi, cùng các ngũ quan đều được nặn đầy đủ, cuối cùng, quét lòng đỏ trứng gà lên hình nhân, để trông như giống da thật. Hình nhân sau đó được mặt áo quan, đặt vào linh cửu và làm lễ chiêu hồn bằng một bài văn tế dài… Tôi giật mình, thế chẳng phải ở ngôi mộ đó không hề có “người” hay sao. Dù thế nhưng tôi vẫn không bớt nôn nao khi mải nhìn đốm lửa đang dần tàn, như đôi mắt đang ngước lên bầu trời trên kia.

Theo lời kể thì cư dân đảo Lý Sơn gọi đấy là mộ gió. Sau khi làm lễ chiêu hồn, họ tin rằng vong người mất đã nhập vào hình nhân, người thân của họ đã trở về. Về sau này, mỗi khi đến mùa dong buồm đi biển, ngư dân lại làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, những hình nhân giống ngư dân được thả xuống biển. Họ dùng hình nhân để thế mạng họ nếu có những chuyện bất trắc xảy ra.

Sáng hôm sau tôi lại đi một vòng quanh đảo, trên một con đường trục từ bờ Đông sang bờ Tây của một hòn đảo vỏn vẹn mười kilomet vuông lại có vô số những nấm mồ không tên tuổi, chỉ được dựng lên từ một nắm đất và rào lại bằng gạch hoặc cành cây. Tôi nghe tiếng khóc than trong gió, không phải từ ngoài khơi xa vọng vào mà là từ đất liền vọng ra, từ những nắm đất không tên không hình hài biểu hiện có người từng sống và hiện hữu.

PHÚ QUỐC – CÂY MA VÀ GIẾNG NƯỚC TRỜI BAN

Trời đổ một cơn mưa rào trong ngày thứ hai tôi ở Phú Quốc. Cứ như định mệnh. Chẳng đi đâu được, chúng tôi ngồi vây quanh lại trò chuyện với nhau. Một người bạn trong nhóm mở đầu một câu chuyện nghe có vẻ bí ẩn và tâm linh.“Tối nay chúng ta đi xem cây ma không?”“Ở đâu?”Rồi nó bảo, trong sân bay, kế đường băng vẫn còn một cây cao, tán xòe chưa được đốn ngã. Thật ra là không thể đốn ngã. Vì người nào đến gần cây đều bị đổ bệnh đột ngột, máy móc chưa kịp lại gần đã tắt máy và hư không lý do. Người ta đồn là có hồn ma cô gái nhập vào cái cây đó, trấn yểm đất xung quanh rồi. Cũng lại có tin đồn đó là cây thiêng của rừng, là cốt lõi của mảnh đất đấy nên người ngoài không thể xâm hại.

Dù thế nào đi nữa thì, thật ra sự tồn tại của “cây ma” cũng không ảnh hưởng đến đường băng, nên chủ đầu tư sân bay vẫn cứ để đó. Tôi không hình dung được “cây ma” hình dáng thế nào nên đã research hình trên mạng. Thật, đó là một dáng cây khá cao so với những gốc cỏ xung quanh, thân cây trắng, tán lá bung xòe… một mình đứng chỏng chơ kế bên đường băng đung đưa chao chiều theo gió khiến tôi có cảm giác đấy là một cô gái đang chờ đợi điều gì ở đó. Tạm gác qua “cây ma”, bạn tôi lại kể tiếp chuyện Giếng Tiên ở đảo Phú Quốc, một cái giếng cạn nằm cách biển chỉ cỡ năm mét nhưng luôn luôn có nước ngọt. Dòng nước chảy từ một khe nứt ở đá, được người dân xây gạch rào bảo vệ.

Giếng đó, là do vua Gia Long trong một lần chạy giặc lưu lạc đến đảo trong tình trạng vừa đói vừa khát, tất cả binh lính của ông đều đã mệt rã người. Vua Gia Long ngửa mặt lên cầu trời, nếu cho ông làm vua hãy ban nước và thức ăn cho binh lính của ông. Nói đoạn, ông cắm cây kiếm xuống đá, nứt ra một kẽ hở chảy nước ngọt quanh năm. Người dân đảo tin rằng nước trong giếng có thể chữa được bách bệnh.”

Dì Út – người cho tôi ở tá túc vài ngày, cũng góp vui cho câu chuyện, dì sống ở đây từ bé, từ Bắc đảo xuống Nam đảo, không nơi nào dì chưa kinh qua. Không câu chuyện nào của đảo mà dì không thuộc làu làu. Dì còn sởi lởi: “Nếu hết mưa sớm, dì dẫn tụi con đi Bắc Đảo, bãi mẹ Kim Giao đẹp lắm con à, bãi cát nông, cát mịn và biển xanh trong, hôm nào trời quang con có thể thấy đỉnh Tà Lơn của Camphuchia rất gần. Mẹ Kim Giao được cho là người khai lập đảo Phú Quốc, hay còn được gọi là Thủy Thần Thánh Mẫu, vô cùng linh thiêng. Người dân ở đây đã có tập tục cúng bái mẹ Kim Giao trước khi đàn ông đi biển, hoặc đàn bà vượt cạn, mục đích là cầu bình an.”

Tôi chăm chú nghe dì Út kể về sự tích của mẹ Kim Giao, vì thú thực, truyền thuyết này nghe có vẻ “an toàn” hơn cây ma ngoài sân bay kia. Băng qua một khu rừng quốc gia rậm rạp, băng qua một cánh đồng đầy những cây thân trắng, tán trắng đầy ám ảnh như cây ma chỏng chơ trong sân bay, chúng tôi đến được bãi mẹ Kim Giao trong niềm hân hoan lẫn sự nuối tiếc.

Mãi về sau, tôi nghĩ rằng chuyến đi của chúng tôi là được sự cho phép của Mẹ. Nghe đâu có một toán người không rõ danh tính tự mò đến đập phá đền thờ và họ cũng có những kết cục không mấy tốt đẹp mà theo người bản xứ, đó là sự “trừng trị” của Mẹ. Cũng có thể những biến cố trong cuộc sống của những người này chẳng liên quan gì tới thế lực “siêu nhiên” mà con người vẽ nên được bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, tôi vẫn không khỏi cảm thấy rùng mình bởi những câu chuyện kỳ ảo đã bắt rễ qua nhiều thế hệ người địa phương.

CÔN ĐẢO – LINH THIÊNG ĐẤT THÉP

Từ những ký ức đau thương của một thời chiến tranh khốc liệt, trước khi đáp chuyến bay đi Côn Đảo tôi được nghe rất nhiều lời dặn dò đại loại như “Đừng có mang gì từ đảo về, từ hòn đá, bông hoa. Nghe nói đến từng nhành cây ngọn cỏ Côn Đảo cũng còn những linh hồn vương vấn.” Cung đường từ sân bay Cỏ Ống mở ra một khung cảnh Panorama của trời, biển xanh ngát đầy mê hoặc. Khi những tia nắng bình minh xuyên qua những tán cây dương, là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá di tích quanh đảo.

Trái ngược với vẻ nên thơ của hòn đảo, chiến tranh đã để lại trên mảnh đất này quá nhiều vết sẹo. Theo giọng kể đều đều của chị hướng dẫn viên, chúng tôi lướt qua vô số những nhà tù, khám, phòng biệt giam, chứng kiến vô số kiểu giam giữ, tra tấn man rợ đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người Việt trong hơn 100 năm. Nếu ngoài kia là những cây cổ thụ xào xạc trong gió biển hiền hòa, thì đằng sau những bức tường rêu phủ kia là câu chuyện bi thương đến khó tin của chốn địa ngục trần gian. Theo lời hướng dẫn viên, trong số các tù nhân bị tra tấn bằng cách ngâm nửa thân mình trong các hầm phân bò, chỉ có 1-2 người sống sót trở về. Cái nắng Côn Đảo chói chang hơn, cũng là lúc chúng tôi tới thăm mộ chị Võ Thị Sáu. Lần này, những ký ức đau thương đó còn mang một màu sắc huyền bí lạ kỳ.

Chị kể, trước mộ chị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn, chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía bắc. Tương truyền, kíp thợ tù làm thợ hồ đã đúc bia bằng ximăng, dựng trước mộ. Chúa đảo Jarty tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, cào bằng mộ. Nhưng mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên như trước. Người ta đoán rằng, có lẽ những người tù thợ hồ đã lặng lẽ dựng lại bia trong đêm. Song nhiều người dân đảo tin rằng, hồn cô Sáu rất linh thiêng nên không ai phá được bia mộ. Giọng nói ngọt ngào của cô gái đảo cũng không ngăn được chúng tôi nổi gai ốc khi nghe câu chuyện một tên trật tự an ninh, nghe lời tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn ra đập phá bia mộ cô Sáu. Hôm sau tấm bia mới lại được dựng lên trong khi tên Nghị gầy rộc, vật vờ dọc đường phố gần nhà thương.

Hắn sốt li bì, không ăn uống gì được rồi mấy ngày sau thì chết. Có vô số những câu chuyện rùng rợn như vậy liên quan tới mộ phần của chị. Những kẻ liều lĩnh còn cho rằng, ra viếng mộ chị vào 12h đêm mới là thời khắc linh thiêng nhất. Những ký ức đau thương phủ màn sương mờ huyền cứ đeo bám tâm trí tôi. Đêm nằm nghe tiếng hàng dương xào xạc hòa chung riếng rì rầm của sóng biến chỉ cách nơi tôi ngủ có vài bước chân, tưởng như tiếng thì thào của những linh hồn đau khổ xưa kia còn vương lại cõi trần.



Nha Trang - Duyên Hải miền Trung


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam