Chiến tranh, biến đổi khí hậu hay sự can thiệp quá mức của con người và du lịch đang khiến nhiều di sản thế giới có giá trị đứng trước nguy cơ biến mất mãi mãi.
Vienna, Áo: Thủ đô Vienna của nước Áo nổi bật với lối kiến trúc Habsburg, những khu vườn Baroque, đường phố rải sỏi cùng cung điện hoàng gia, lâu đài cổ và nhiều công trình lịch sử có giá trị. Tuy nhiên, Unesco đang lo ngại rằng các dự án hiện đại, căn hộ cao cấp, khách sạn có khả năng sẽ hủy hoại không gian lịch sử của thành phố này. Ảnh: Pintai Suchachaisri/Getty.
Trung tâm lịch sử của Shakhrisyabz, Uzbekistan: Cách Samarkand 90 phút lái xe về phía Nam là Shakhrisyabz, một thành phố 2.000 năm tuổi của vùng Kesh. Ở đây, du khách sẽ tìm thấy bức tường thời Trung cổ, đền thờ Hồi giáo có mái vòm màu xanh lam, cùng nhiều kiểu kiến trúc đa dạng. Tuy nhiên, nơi đây đang chịu sức ép lớn từ vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Ảnh: VW Pics/Getty.
Di tích thời trung cổ ở Kosovo: Kosovo tuyên bố độc lập từ Serbia vào năm 2008. Khu vực di tích thời trung cổ ở Kosovo được Unesco công nhận là di sản thế giới bao gồm 4 nhà thờ, tu viện với các mái vòm và những bức tranh tường, biểu tượng của văn hóa tôn giáo Byzantine trên bán đảo Balkan phát triển từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Tuy nhiên, khu vực di tích này đang bị đe dọa bởi sự bất ổn chính trị của vùng. Ảnh: Ullstein bild/Getty.
Đông Rennell, quần đảo Solomon: Unesco ước tính có khoảng 62 di sản văn hoá thế giới bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu, trong đó có Đông Rennell ở đảo Rennell, hòn đảo cực nam của quần đảo Solomon, Tây Thái Bình Dương. Nơi đây có rạn san hô vòng lớn nhất thế giới với chiều dài 86 km và rộng 15 km cùng nhiều loài sinh vật đặc biệt đang chịu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Ảnh: Peter Hendrie/Getty.
Timbuktu, Mali: Di sản thế giới gồm 3 nhà thờ Hồi giáo bằng đất là Djingareyber, Sankore và Sidi Yawhia ở Timbuktu vốn là một diểm đến thu hút khách du lịch trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây “thành phố vàng” ở rìa sa mạc Sahara này đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình sa mạc hoá. Ảnh: Luis Dafos/Getty.
Coro và khu vực cảng, Venezuela: Bên bờ biển Caribeann ở tiểu bang Falcón, Venezuele là thị trấn nhỏ Coro và khu vực cảng biển được công nhận là di sản thế giới. Nơi đây có các tòa nhà xây dựng bằng đất nện từ năm 1527, là ví dụ duy nhất còn sót lại về sự kết hợp độc đáo của truyền thống địa phương với các kỹ thuật kiến trúc Mudéjar của Tây Ban Nha và Hà Lan. Tuy nhiên, Coro đã bị hư hại nặng nề do những trận mưa lớn bất thường vào năm 2005. Ảnh: Danita Delimont/Getty.
Nhà thờ Giáng sinh, Bethlehem, Palestine: Nhà thờ Giáng sinh là di tích đầu tiên ở Palestine được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 2012. Tại đây có những tàn tích của 2 nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 và thứ 6 được cho là xây dựng bên trên hang động nơi chúa Jesus sinh ra. Hiện nay, địa điểm linh thiêng này đang bị đe dọa bởi áp lực đô thị và du lịch. Ảnh: Atlantot Phototravel/Getty.
Chan Chan, Peru: Nằm trên bờ biển Thái Bình Dương ở phía tây bắc Peru là phần còn lại của Chan Chan, thành phố đất khổng lồ là thủ đô của vương quốc Chimu. Trong thời hoàng kim khoảng 600 năm trước, nơi đây là thành phố lớn nhất châu Mỹ với dân số khoảng 60.000 người. Di tích còn sót lại của thành phố là các bức tường bằng đất dày đặc biệt tách ra 9 thành lũy, khu vực đền thờ, nhà ở và đường hầm. Nơi đây bị bỏ hoang vì thiếu nước, nhưng ngày nay những cơn mưa thường xuyên đang dần khiến thành phố biến mất. Ảnh: Danita Delimont/Getty.
Liverpool, Anh: Các tòa nhà và công trình lịch sử nổi tiếng nằm ở 6 khu vực trung tâm thành phố Liverpool được Unesco công nhận là di sản thế giới gồm Pier Head, Albert Dock, khu bảo tồn đường William Brown, khu bảo tồn Dock Stanley, khu bảo tồn phố Duke/Ropewalks và khu bảo tồn phố Castle. Giống như Vienna, Unesco cũng lo ngại rằng những dự án phát triển mới, hiện đại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khu di sản thế giới của thành phố. Ảnh: Alexander Spatari/Getty.
Belize Barrier Reef, Belize: Belize Barrier Reef có một trong những rạn san hô dài nhất ở Tây bán cầu, hố ngầm khổng lồ Great Blue Hole, là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Belize và được Unesco công nhận là di sản thế giới. Belize Barrier Reef gồm các đảo san hô, bãi cát, rừng ngập mặn, đầm phá ven biển, là nơi sinh sống của rùa, lợn biển và cá sấu. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực đang bị đe dọạ bởi ô nhiễm biển, cũng như việc không kiểm soát được các hoạt động du lịch, vận tải hay đánh cá. Ảnh: Jeff Hunter/Getty.