Tuyệt vọng giữa sa mạc, Mauro Prosperi cắt tay tự tử để cái chết đến nhanh hơn, nhưng thất bại do thiếu nước, máu quá đặc.
Nơi khô cằn nhất cũng là nơi màu mỡ nhất
Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, với diện tích chiếm 1/4 châu Phi. Nơi đây được biết là một trong những nơi nóng và khô cằn nhất thế giới. Trên thực tế, cách đây vài nghìn năm, nơi này từng là một thảm cỏ màu mỡ với cây cối trù phú, tốt tươi.
Ngày nay, giữa sa mạc Sahara vẫn còn các ốc đảo nhỏ. Ảnh: Spiegel.de.
Theo các nhà khoa học, sa mạc cạn khô như ngày nay do sự thay đổi trong quỹ đạo Trái Đất. Đến nay, một phần nhỏ ở Sahara vẫn còn màu mỡ với các ốc đảo xanh tươi. Nguồn nước ở khu vực này do những dòng sông ngầm chảy ra từ dãy Atlas.
Tuyết rơi trên sa mạc
Nhiều người tin tuyết không bao giờ rơi trên sa mạc. Nhưng trên thực tế, điều này đã xảy ra.
Theo CNN, vào tháng 12/2016, tuyết đã rơi trên thị trấn Ain Sefra ở Algeria. Đây là lần đầu tiên tuyết rơi trong suốt 37 năm. Thị trấn này nằm trong sa mạc Sahara – được biết đến với biệt danh “cửa ngõ vào sa mạc”.
Tuyết từng phủ kín sa mạc Sahara dưới sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ảnh: Grunge.
Vào năm 2017, tuyết lại “ghé thăm” Sahara lần nữa, thu hút nhiều du khách đến để trượt tuyết. Năm 2018, tuyết lại tiếp tục rơi. Điều này khiến rất nhiều người đã đặt câu hỏi: vào mùa đông, tuyết rơi ở Sahara sắp trở thành điều bình thường rồi có phải không?
Sống sót khi lạc trên sa mạc nhờ uống nước tiểu và máu dơi
Theo BBC, Mauro Prosperi là một người tham gia giải marathon xuyên qua sa mạc Sahara vào năm 1994, khi đó anh mới 39 tuổi. Vào ngày thứ 4 của cuộc thi, anh bị cuốn vào một cơn bão cát và đi lạc. Mauro đã đi tiểu vào vỏ chai nước. Sau đó, anh đã tìm thấy một ngôi đền Hồi giáo và vào đó trú ẩn. Trong đền chỉ có loài dơi.
Mauro kể lại, khi đi lạc, anh đã rất tuyệt vọng, thậm chí cắt cổ tay tự tử để cái chết đến nhanh hơn. Tuy nhiên, mất nước trầm trọng nên máu chảy ra từ cổ tay của anh quá đặc. Do vậy, Mauro đành cầm máu và bắt đầu tìm cách sống sót. Anh đi lại quanh đền, giết rắn, thằn lằn để ăn sống. Anh cũng uống nước tiểu và máu dơi để tồn tại trong suốt 10 ngày.
Khi được giải cứu, điều khiến Mauro thất vọng nhất chính là đã không hoàn thành được cuộc chạy marathon. Bức ảnh trên được chụp trên sa mạc Sahara, khi anh tham gia vào cuộc thi chạy năm 1994, sau Mauro là vận động viên Italy Mario Malerb. Ảnh: BBC.
Là nơi có cơn sốt vàng nóng nhất và hấp dẫn nhất
Năm 2016, cơn sốt đào vàng đã diễn ra tại cộng hòa Mauritania, một quốc gia nằm ở tây Phi. Với giấy phép trị giá 300 USD, người dân Mauritania được quyền tới Sahara để đào vàng. Thông tin này đã khiến không ít người tới tìm vận may. Trong một tháng, nếu tích cực đào bới, người may mắn có thể kiếm được hơn 1.000 USD. Nhưng cũng có người trắng tay.
Bão cát khổng lồ
Tháng 5/2011, NASA đã chụp được cảnh tượng một cơn bão cát ở Sahara kéo dài hơn 1.100 km. Hiện tượng này thật sự là nỗi khiếp sợ của những du khách tới Sahara tham quan. Nếu lạc vào một trận bão cát, chắc chắn bạn sẽ bị đi lạc và có những tháng ngày “cân não” một mình ở đây để đấu tranh sinh tồn, chờ người tới cứu.