Đảo Phú Quý từng được độc giả CNN bình chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất Biển Đông. Đảo cách thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chừng 120km.
Người dân thân thiện
Trên bản đồ du lịch, đảo Phú Quý nằm ngoài khơi Bình Thuận đang dần trở thành điểm đến rất “hot”. Đảo có diện tích nhỏ bé – gần 16,4km2 , nhưng lại chứa trong đó vô cùng nhiều điều bất ngờ. Lý tưởng nhất để khám phá đảo không gì bằng bạn thuê một chiếc xe máy vi vu khắp các cung đường ven biển. Giá thuê xe máy trên đảo từ 100.000-150.000 đồng/ngày, tùy vào chất lượng xe. Bạn có thể dễ dàng thuê xe ở ngay nhà nghỉ mình ở, bởi nhà nghỉ nào trên đảo cũng có kèm dịch vụ này. Điểm khác ở đây là mặc dù trên đảo không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông, nhưng người dân ở đây lại chấp hành luật giao thông một cách nghiêm túc.
Phú Quý đang dần trở thành điểm đến rất “hot”.
Dân số trên đảo ước khoảng 19.000 người và là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư. Thực sự không có nhiều điểm đến du lịch mà người dân lại vui vẻ chào đón bạn như ở đảo Phú Quý. Minh chứng cho điều này là việc chúng tôi thuê lưu trú tại nhà cô Sang – một ngôi nhà rộng thoáng gồm 4 phòng cho khách ở theo dạng homestay. Chính cô là người nấu ăn cho chúng tôi, bởi theo một “phượt thủ” thông thuộc hòn đảo này như lòng bàn tay thì việc ở nhà dân, rồi nhờ họ mua bán, nấu nướng là cách chi phí rẻ mà lại được thưởng thức đặc sản địa phương nhiều nhất.
Cô chủ nhà tên Sang còn làm nghề buôn bán cá, chính vì vậy mà hôm sau chúng tôi dậy thật sớm theo cô ra chợ cá Long Hải để xem tàu đánh cá cập bến. Cô chỉ cho chúng tôi các loại hải sản quý của Phú Quý như ghẹ mặt trăng, cá mú đỏ, ốc vú nàng, cá thu… những loại hải sản mà chúng tôi mới chỉ nghe tên chứ chưa từng được thưởng thức.
Và cũng trưa hôm đó, chúng tôi có một bữa tiệc hải sản hoành tráng chưa từng có với những loại mà nếu ăn ở Hà Nội bạn sẽ phải cân nhắc túi tiền. Như món cá mú đỏ hấp gừng, món ăn được mọi người ưa chuộng tại vùng đảo này. Cá mú được hấp với một ít gừng, hành hoa, nước tương và phải canh lửa sao cho vừa chín tới thì mới còn đủ mùi vị của cá. Đặc biệt là cua mặt trăng, trên mai có nhiều hình tròn màu đỏ đậm pha hồng. Loại cua này thịt thơm ngon, nhất là vào kỳ trăng mọc. Cua mặt trăng là loại hải sản sống ẩn náu trong bãi đá san hô, quanh hòn đảo. Cua được nướng đơn giản rồi chấm muối tiêu chanh.
Cô Sang bảo, nhắc đến ẩm thực biển Phú Quý không thể không nhắc đến cá thu. Đây là loại hải sản không chỉ cho thứ thịt thơm ngon nổi tiếng mà còn quen thuộc khi gắn liền với đảo Phú Quý qua cái tên đã có từ rất lâu: Cù Lao Thu – đảo có nhiều cá thu. Tất nhiên, chúng tôi không bỏ qua món cá thu. Trong bữa ăn, đoàn còn được thưởng thức một món có cái tên lạ tai – ốc vú nàng, gỏi ốc ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng, chấm thêm nước mắm gừng ăn mãi không chán. Hương vị gỏi ốc thật đậm đà và khoái khẩu. Mùi thơm của rau quyện với vị cay nồng của ớt, vị ngọt ngọt của ốc cứ ngấm dần khi bạn thưởng thức món này…
Đặc sản ốc vú nàng.
Khám phá
Phú Quý được bình chọn là hòn đảo tuyệt vời trên Biển Đông quả không sai bởi tới đây bạn có thể trút bỏ tất cả mọi muộn phiền để đắm mình trong những “sắc thái” riêng có của hòn đảo. Đơn giản như việc ngắm hoàng hôn rực rỡ, đẹp như một bức tranh sơn dầu nơi bờ kè Ngũ Phụng, hay thả lỏng người trên những bãi biển trải dài với cát trắng và gió phóng khoáng. Vùng biển này cũng chưa được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch nên mọi thứ đều nguyên sơ. Thiên nhiên trên đảo mang đến cảm giác bình yên, thư thả, vô cùng thích hợp để nghỉ ngơi, tránh khỏi sự xô bồ của thành thị. Dân đảo rất có ý thức bảo vệ môi trường sống, các bãi biển, cầu cảng đều rất sạch và hiếm thấy rác. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ loanh quanh các hòn đảo nhỏ như: Hòn Tranh, hòn Đen, hòn Trứng,… Ngồi trên thuyền đi dạo qua các hòn nhỏ quanh đảo bạn mới thấy rõ được sự trong xanh của nước biển nơi đây, trong vắt tới mức nhìn thấy cả đáy. Giá thuê một chiếc thuyền nhỏ ở bến cảng với giá khoảng từ 300.000-400.000 đồng tùy số người.
Ngọn hải đăng trên núi Cấm.
Phú Quý có đến gần 30 di tích văn hóa với nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Nhưng nổi bật nhất là Vạn An Thạnh (thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) xây dựng từ năm 1781 và là “bảo tàng” cá voi trên đảo. Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì cá voi hay còn gọi là cá Ông đã từng rất nhiều lần cứu giúp ngư dân và tàu thuyền khi gặp nạn trên biển. Có nhiều ngư dân tại đây đã từng được cá Ông cứu hiện vẫn đang còn sống trên đảo, và hầu hết người dân trên đảo đều rất kính trọng cá Ông. Vậy nên khi cá Ông bị chết và dạt vào bờ biển Phú Quý thì được người dân địa phương tổ chức an táng rất long trọng, và hàng năm đều có tổ chức lễ hội Nghinh Ông.
Ghé thăm nhà trưng bày cốt Ông Hải Nam tại Vạn An Thạnh bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy bộ xương cá voi dài gần 20m, đây cũng là một trong những bộ xương cá voi lớn nhất ở Việt Nam.