Nghe người ta nói rằng ngày giáp Tết miền Tây vui lắm! Nơi ấy có phong cảnh hữu tình, có vườn trái cây trĩu quả, có những câu hò điệu hát quê hương, có cả hoa xuân khoe sắc và tình người nồng hậu. Một lần đến với chợ nổi Miền Tây, bạn sẽ cảm nhận hết những gì tươi đẹp, mộc mạc và thân thương nhất ở vùng đất “Chín Rồng” này.
Cũng như bao chợ nổi khác, những ngày giáp Tết, chợ nổi Cái Răng-Cần Thơ họp từ 3h sáng, khi trời vẫn còn mờ sương cho đến tận xế chiều chứ không vãn sớm như ngày thường. Nhưng muốn trải nghiệm hết cuộc sống nhộn nhịp của người dân nơi đây, du khách phải thức dậy thật sớm, đi thuyền từ bến Ninh Kiều sang chợ nổi Cái Răng khi mặt trời còn chưa ló dạng.
Mất 30ph đi thuyền, chợ nổi Cái Răng hiện ra trước mắt, nhộn nhịp và đông vui đến lạ. Trên khắp các dòng kênh xuôi về Cái Răng, ghe thuyền đổ về tấp nập, kín cả một khúc sông, đông vui như ngày hội. Tiếng động cơ phành phạch, tiếng sóng vỗ dập dềnh, tiếng dầm khua nước miên man hòa vào tiếng chào hỏi, tiếng nói cười tạo nên không khí nhộn nhịp, rộn ràng, không thua gì chợ họp trên bờ. Điều khiến du khách thích thú hơn cả là hình ảnh giao hàng của các thương lái từ thuyền này sang ghe khác. Tưởng chừng chỉ vô ý sảy tay một chút thì sẽ làm rơi và hỏng ngay những trái dưa, trái thơm đang độ vừa chín tới. Ấy vậy mà, kẻ tung, người hứng thật nhịp nhàng, đều tăm tắp, trái nào trái nấy được chuyền tay nhau thoăn thoắt, nhẹ nhàng.
Ngoài những chiếc thuyền chở đầy trái cây và nông sản Miền Tây, du khách sẽ bất ngờ khi nhìn thấy những chiếc ghe nhỏ với đủ các loại hình dịch vụ như cắt tóc, may vá, bán đủ cà phê, hủ tíu, bánh bò… len lỏi giữa những chiếc thuyền buôn làm cho không khí chợ nổi thêm sinh động. Không gì thú vị hơn khi ngồi thảnh thơi trên chiếc xuồng tròng trành, thưởng thức tô bún riêu mang đậm hương vị miền Tây, thỏa sức ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy cây trái đang lướt qua trước mắt…. Cuộc sống nơi đây thật vui tươi và bình dị quá đỗi.
Khác với chợ nổi Cái Bè chỉ bán nông sản, trái cây cho thương lái với số lượng lớn, chợ nổi Cái Răng sẵn sàng bán lẻ cho khách du lịch. Đến nơi đây, tôi mới biết thế nào là văn hóa “Treo gì bán nấy” của người miền Tây – một kiểu chào hàng thật lạ mà cũng thật hay. Người dân nơi đây treo những thứ mình bán trên một cây sào rồi buộc ở đầu ghe gọi là cây “Bẹo”. Nhìn những trái quýt vàng rực, chùm mận đỏ au, những trái vú sữa tròn trĩnh, da căng bóng hay cóc, ổi, xoài xanh… treo lúc la lúc lỉu trên cây bẹo mà chẳng ai cầm lòng được.
Ngoài nông sản, trái cây, những ngày giáp Tết, chợ nổi Cái Răng còn bán nào là vải vóc, quần áo và bánh mứt thơm lừng được làm thủ công từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương…. Nhưng điều làm du khách ấn tượg hơn cả là những chiếc thuyền chở đầy hoa kiểng đủ màu tươi tắn từ Sa Đéc, Cái Mơn…về đây tụ hội. Những màu sắc rực rỡ của cúc vàng, cúc trắng, vạn thọ, đồng tiền… làm sáng rực cả một khúc sông, thu hút bao ánh mắt của người đi chợ.
Đang say sưa với muôn hoa đua sắc, chợt vang lên đâu đó câu hát Tân Cổ ngọt lịm mời khách của cô gái miền Tây: “Xin ghé qua xuồng em mua bó hoa. Ngày Tết chưng trong nhà. Hoa em, hoa cúc, hoa mai, hoa vàng thiệt sang. Màu hoa kia đón xuân huy hoàng.”
Nhìn cô bán hoa trong chiếc áo bà ba mộc mạc mà duyên dáng quá. Anh hướng dẫn viên cao hứng, đối đáp lại bằng bài thơ con cóc, tuy khá gượng ép nhưng mùi mẫn, tình tứ hẳn hoi.
“Mùa Xuân chợ nổi Cái Răng
Áo bà ba đỏ ngân vang câu hò
Cầm bông Vạn Thọ xinh xinh
Ước chi tui được rinh “bông” dìa nhà.”
(Sưu tầm)
Chỉ đôi ba câu nói bông đùa thế thôi mà tiếng cười, tiếng nói rộn rã cả một khúc sông. Vậy mới thấy được cái tính hiền hòa, dễ gần, dễ mến của người dân Miền Tây thật không nơi nào có được.