Macau nổi tiếng với các sòng bạc và khách sạn sang trọng, ít ai biết rằng biểu tượng nổi bật của nơi này là một nhà thờ không nguyên vẹn.
Nhà thờ Thánh Phaolô (St. Paul), còn được gọi là “Mater Dei”, được xây dựng bởi người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 17 để kính Thánh Phaolô Tông Đồ. Đây là một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của Macau, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2005.
Bức tranh nhà thờ được họa sĩ người Mỹ gốc Đức Wilhelm Heine vẽ năm 1854.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1602 đến năm 1640 bởi các linh mục Dòng Tên (Jesuit) khi họ đến vùng Viễn Đông để truyền đạo Công giáo. Các linh mục Dòng Tên đầu tiên vào Trung Quốc qua khu định cư của người Bồ Đào Nha ở Macau và nhà thờ Thánh Phaolô là nhà thờ đầu tiên mà họ xây dựng. Ban đầu, di tích này là một khu phức hợp gồm cả trường Đại học Thánh Phaolô, ngôi trường phương Tây đầu tiên ở Đông Á và nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô. Đây là một trong những nhà thờ công giáo lớn nhất châu Á vào thời đó.
Nguyên bản nhà thờ Thánh Phaolô được xây bằng gỗ với mặt tiền đẹp bằng đá hoa cương. Tuy nhiên, ngày nay mặt tiền đá hoa cương là phần duy nhất còn sót lại của công trình này sau các vụ hỏa hoạn trong lịch sử.
Nhà thờ Thánh Phaolô được xây dựng vào năm 1580 nhưng sau đó đã gặp phải hai vụ hỏa hoạn vào năm 1595 và năm 1601, khiến các linh mục Dòng Tên phải xây dựng lại nhà thờ này. Bức tường đá hoa cương nguyên bản được mở rộng và phần mặt tiền của nhà thờ được chạm khắc bởi các Kitô hữu Nhật Bản vào những năm từ 1620 đến 1627. Sau vụ hỏa hoạn thứ ba xảy ra năm 1835, nhà thờ này không được xây dựng nữa và chỉ còn lại phần mặt tiền với cấu trúc đá như ngày nay, trở thành điểm hút khách du lịch tới Macau.
Phần mặt tiền còn sót lại của nhà thờ gồm bốn tầng kiến trúc, là một tác phẩm điêu khắc đồ sộ với những bức tượng Chúa, thiên thần và ác quỷ, hình rồng Trung Quốc, hoa cúc Nhật Bản và tàu thuyền Bồ Đào Nha.
Phần mặt tiền được củng cố lại vào những năm 1990 với các trụ làm từ bê tông và thép.