Thanh Hóa – cái tên nghe qua thì không mấy ấn tượng và có vẻ nhạt nhòa giữa một loạt những điểm đến hấp dẫn khác của Việt Nam, nhưng thật ra lại chứa đựng nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá và suối cá thần Cẩm Lương là một trong số đó.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hoá hơn 80 km về phía Tây Bắc, suối cá thần Cẩm Lương (còn gọi là mó Ngọc, suối Ngọc) nằm dưới chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương huyện Cẩm Thủy. Giữa bốn bề núi đá vôi dựng đứng, dòng suối Ngọc dài chỉ hơn trăm mét, rộng 3-4 m. Tại đây có hàng chục nghìn con cá (nặng từ 2 đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg) hình thù rất lạ, đủ màu sắc. Mỗi khi bơi, thân cá lại phát sáng.
Mùa cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu 20-40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh hôi. Dân bản Lương Ngọc vẫn thường gánh nước suối về nấu ăn, tắm giặt. Điểm du lịch kỳ thú này mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Một điều lạ lùng là những con cá ở suối Cẩm Lương chỉ bơi quanh quẩn đúng một đoạn suối dài hơn 100 m và không bơi ra xa hơn nữa. Cá ở đoạn suối này đặc biệt chỉ ăn lá cây để sống chứ không ăn thịt đồng loại. Nước ở suối cá thần trong vắt và không có mùi tanh, có thể dùng cho sinh hoạt hoặc nấu nướng. Đây là một điều khó lý giải mà các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu.
Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể chạy xe thẳng đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Cẩm Thủy, rồi theo tỉnh lộ 217 khoảng 11 km, gần hết địa phận huyện Cẩm Thủy thì rẽ phải, qua cầu treo Cẩm Lương khoảng 4 km là đến suối cá thần.
Suối cá có từ bao giờ không ai biết rõ. Xung quanh nó ẩn chứa nhiều câu chuyện lạ kỳ, mang tính liêu trai và người dân địa phương vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện là “Từ thuở khai thiên lập địa, vào một năm nọ thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, đẩy người dân bản Ngọc vào cuộc sống túng khó. Có đôi vợ chồng trong bản hiếm muộn, đi làm đồng về và nhặt được quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng lại nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng lại đem con rắn ra suối Ngọc thả nhưng đến tối con rắn lại bò về gia đình vợ chồng này. Sau đó họ quyết định nuôi con rắn đó. Thật bất ngờ từ đó đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, đời sống nhân dân ấm no. Và chàng rắn này đã trở thành vị cứu tinh được mọi người tôn sùng. Nhưng đến một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp. Sau cơn giông bão, mọi người thấy xác rắn nằm bên núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc cho chàng rắn, mọi người đem xác chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn…”.
Người dân sống gần khu vực suối cá cho hay, sáng sớm cá bơi từ trong hang ra và chiều tối, chúng lại quay trở về hang trú ẩn.
Họ cho rằng cá dưới suối là cá thần. Sự sung túc của đàn cá cũng chính là sự bình an, no ấm của dân làng. Nếu bắt sẽ xúc phạm đến thần linh và chịu sự trừng phạt. Nhiều câu chuyện kể về những người bắt cá thần rồi gặp kết cục không tốt lành là lý do khiến đàn cá hàng nghìn con vẫn sống yên ổn đến ngày nay.
Đến thăm Suối cá thần Cẩm Lương, ngoài việc được tận mắt chứng kiến dòng suối cá kỳ lạ, du khách còn được tham quan động Đăng, một hang động ăn sâu vào trong lòng núi Trường Sinh. Nguồn nước suối cá thần cũng bắt nguồn chính từ trong lòng động đá này. Đi xuyên qua động Đăng, du khách sẽ tham quan một khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới.