Tọa lạc trên đường Trần Phú, Thành phố Đà Lạt,Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt đã trải qua nhiều lần xây cất, mở rộng.Cụ thể vào năm 1920 cùng với quyết định thành lập Giáo phận Đà Lạt ngôi thánh đường đầu tiên có chiều kích khiêm tốn được xây dựng và mở rộng vào năm 1922. Mười một năm sau, trước tình hình giáo dân tăng nhanh ngôi nhà thờ thứ ba – Nhà thờ Chính tòa hiện nay được chính thức khởi công vào 9 giờ sáng chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 1931 do Giám mục Colomban Dreyer (khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Từ bản đồ án của linh mục Céleste Nicolas (cha sở lúc bấy giờ), một hành trình xây dựng kéo dài suốt 11 năm chia làm 3 đợt và khánh thành vào ngày 25 tháng 1 năm 1942.
Được thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, những đường nét, chi tiết hoàn toàn phỏng theo nguyên gốc, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman.Hình dáng nhà thờ được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển, mặt bằng có kiến trúc theo hình thánh giá, dài 65m, rộng 14m, và tháp chuông cao 47m. Phần nội thất thánh đường được chia thành 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở 2 bênvới kiến trúc hình vòm cung độc đáo.Phần áp mái được trang trí bằng 70 tấm kính màu do xưởng Louis Balmet ở Grenoble (Pháp) chế tạo. Đây là những tác phẩm phác họa, mô tả các nhân vật và sự kiện trong kinh Thánh. Những tấm kính này vừa có tác dụng chiếu sáng thánh đường, vừa có tính trang trí thẩm mỹ độc đáo, lạ mắt. Khi có ánh sáng, hệ thống kính màu toát lên vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy trông như những hoa văn trên tấm lụa làm cho không gian thánh đường càng thêm trang nghiêm và cổ kính.
Tuy nhiên nét độc đáo nhất của nhà thờ là trên đỉnh tháp chuông cógắn tượng con gà trống lớnbằng hợp kim nhẹ rỗng,bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt.Con gà được đỡ trên đế bầu tròn để chỉ hướng gió ngoài ra còn có tác dụng như một cột thu lôi, bảo vệ cho nhà thờ bền vững theo thời gian. Có lẽ vì sự xuất hiện đặc biệt ấymà tên gọi là Nhà thờ Con Gà đã có từ rất lâu.
Theo người dân địa phương con gà trên tháp chuông nhà thờ mang rất nhiều ý nghĩa.
+ Biểu tượng của nước Pháp: Là một công trình mang đậm dấu ấn của người Pháp, hình ảnh con gà ở nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được ví như chú Gà trống Gô-loa. theo người Pháp đây là loài vật đúng giờ, luôn cảnh giác và dũng cảm. Trong giai đoạn 1870-1940, cánh cổng sắt của điện Elysées (Phủ tổng thống ngày nay) được trang trí bằng một con gà trống và gọi là "Cổng gà trống". Ngày nay, du khách tới Pháp vẫn có thể chiêm ngưỡng cánh cổng này cũng như tìm thấy biểu tượng gà trống ở bảo tàng Louvre hay điện Versailles.
+ Ở thời Trung cổ, gà trống còn được sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, biểu trưng cho niềm tin và hy vọng. Chúng ta có thể thấy điều này dễ dàng trên nóc các tháp chuông, nhà thờ. Ngoài ra con gà trống còn là biểu tượng của sự sám hối dựa theo kinh thánh Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Chúa):
“Đêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần...”
Là một công trình kiến trúc lớn, trải qua hơn 70 năm tồn tại Nhà thờ Con Gà Đà Lạt đã chứng kiến biết bao thăng trầm trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Dù mang ý nghĩa nào, suốt nhiều thập kỷ qua Nhà thờ Con Gà đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với xứ sở sương mù,Hàng năm nơi đây thường tổ chức nhiều lễ lớn, phục vụ đời sống tôn giáo của người dân địa phương. Đặc biệt vào đêm Noel khu vực nhà thờ và trung tâm thành phố biến thành một khu vực lễ hội tưng bừng, trở thành điểm nhấn khó quên trong lòng du khách.Một mùa xuân mới lại về, trong chuyến du xuân năm nay còn gì thú vị hơn khi đến tham qua, tìm hiểu công trình tôn giáo đặc biệt và nhiều ý nghĩa này tại thành phố Đà Lạt.