Thác Pa Sỹ - Tuyệt cảnh giữa đại ngàn tây nguyên hùng vĩ


Con đường thơ mộng đến với thác Pa Sỹ

Những ngày mùa hạ nắng gắt làm cho những bước chân đam mê xê dịch như chúng tôi bị thôi thúc tìm chỗ “tránh nóng”. Đà Nẵng, Đà Lạt hay Nha Trang đều đã qua, chúng tôi quyết định tìm một địa điểm mới để khám phá, cứ như thế chúng tôi vác ba lô lên để đến với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ và tỉnh Kon Tum là điểm dừng chân của chúng tôi trên hành trình này.

Nhà thờ gỗ là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Kon Tum - Ảnh: Thái Trường Giang

Có thể nói, thác Pa Sỹ là một điểm đến bất ngờ mà chúng tôi chưa từng lên kế hoạch trong hành trình. Nhưng sự bất ngờ này không làm thất vọng, mà ngược lại còn trao cho chúng tôi những khoảnh khắc yên bình hiếm có. Bởi thác Pa Sỹ sở hữu những gì nguyên sơ nhất và bình dị nhất mà chúng tôi đang tìm kiếm trong cuộc sống này.

Quốc lộ 24 - Ảnh: KonTum plus

Theo lời khuyên một người bạn gặp trên chuyến xe đến thành phố Kon Tum. Chúng tôi ở thành phố Kon Tum một ngày, vào ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu hành trình đến thác Pa Sỹ vào sáng sớm, sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết và ăn uống trước khi lên đường.

Từ thành phố Kon Tum đến thác Pa Sỹ gần 55 km, mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô. Xe chở chúng tôi xuyên qua khu rừng nguyên sơ của đại ngàn Tây Nguyên trên quốc lộ 24. Con đường hẹp rợp bóng mát với những hàng cây thông cao vút xanh tươi hai bên đường khiến chúng tôi cảm giác thư thái đến lạ lùng. Khẽ khàng kéo cửa kính ô tô xuống, một chút hương vị ngọt ngào và tinh khiết của nhựa thông chợt ùa vào trong xe, hít một hơi thật sâu, bạn sẽ chợt thấy mọi điều buồn phiền đều tan biến và tràn trề sinh lực.

Km số 10 đèo Măng Đen, Kon Tum - Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ

Làn sương sáng sớm đã có những tia nắng nhẹ nhàng xuyên qua cửa kính ô tô. Nghe một bản nhạc Tây Nguyên giữa đất rừng Tây Nguyên hùng vĩ thì còn gì bằng. Tôi nhẹ nhàng dựa đầu vào mép cửa sổ và cứ thế chìm đắm trong không gian yên bình của riêng mình. Trên xe không một tiếng nói, có lẽ mọi người cũng đang hòa mình vào cảm giác của riêng họ và chờ đợi những điều tuyệt vời ở thác Pa Sỹ.

Thác Pa Sỹ - Tuyệt tác giữa thiên nhiên hùng vĩ

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, chiếc xe ô tô cho chúng tôi xuống nơi có đặt tấm biển Khu du lịch sinh thái – văn hóa thác Pa Sỹ, nằm trong Khu du lịch sinh thái Măng Đen ngay trên quốc lộ 24. Trở lại với những điều thực tại, chúng tôi vội vã xuống xe để khám phá thác Pa Sỹ - con thác đẹp nguyên thủy từ thuở khai sơ.

Cổng vào Khu du lịch sinh thái  văn hóaThác Pa Sỹ - Ảnh: KonTum plus

Được mệnh danh là “Vùng đất bảy hồ, ba thác”, Khu du lịch nằm ngay ngôi làng Kon Tu Rằng của đồng bào dân tộc Mơ Nâm, xã Măng Cành và thác Pa Sỹ là một trong ba ngọn thác lớn của vùng đất này, gồm Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne. Trong đó, thác Pa Sỹ được tạo thành từ 3 ngọn suối lớn nhất Măng Đen, nằm ở độ cao 1.500 mét só với mực nước biển.

Khu vườn tượng gỗ trên đường đến Thác Pa Sỹ - Ảnh: Binh Bui

Đặt những bước chân đầu tiên vào Khu du lịch, chúng tôi vô cùng ấn tượng với khu rừng nguyên sinh còn được giữ gìn ở đây và Vườn tượng gỗ với hàng trăm tác phẩm bằng gỗ độc đáo được tạo ra từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đến từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Những tượng gỗ trưng bày ở đây được nghệ nhân thổi hồn vào và mang âm hưởng nhịp sống sinh hoạt – văn hóa của những đồng bào dân tộc nơi đây. Những sắc thái khác nhau của mỗi bức tượng sẽ đưa bạn một bước nữa đến gần hơn với đời sống của cộng đồng cư dân ở Kon Tum, với tượng người mẹ địu con, cả nhà uống rượu cần, lên rẫy, dệt vải hay tái hiện các lễ hội đặc sắc như lễ ăn trâu, lễ bỏ mả,…

Màu xanh bạt ngàn của những khu rừng nguyên sinh - Ảnh: Binh Bui

Rời Vườn tượng gỗ, chúng tôi di chuyển xuống những bậc tam cấp để đến thác Pa Sỹ, nằm ngay dưới thung lũng. Mỗi bước chân đến gần hơn với thác Pa Sỹ, chúng tôi càng nghe rõ hơn tiếng thác đổ, quyện với tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau và không gian lành lạnh, tinh khiết của buổi sớm mai làm chúng tôi chựng lại một phút để được tự tại trong cảm giác tuyệt vời này. Càng yêu đất nước Việt Nam bao nhiêu, chúng tôi càng quý vùng đất Tây Nguyên bấy nhiêu, bởi mẹ thiên nhiên đã ưu ái và tạo ra thác Pa Sỹ - thiên đường nơi trần gian để con người có thể trút bỏ những bộn bề giữa cuộc sống nhiều biến động.

Thấp thoáng những ngôi nhà rông, nhà sàn giữa núi rừng Kon Tum - Ảnh:  Binh Bui

Đi xuống tận sâu dưới thung lũng khoảng hơn 500 mét, chúng tôi đứng đối diện với thác Pa Sỹ hùng vĩ. Những dòng nước từ trên cao đổ xuống, làm những bọt sóng bắn ra phía xa, lăn tăn trên cả khuôn mặt của chúng tôi. Phía xa xa quanh các triền núi trên thung lũng thấp thoáng những mái nhà rông, nhà sàn của đồng bào dân tộc Mơ Nâm. Ngôi làng Kon Tu Rằng nằm trong khu du lịch thác Pa Sỹ vẫn còn giữ nguyên nhịp sống, bản sắc văn hóa độc đáo được truyền nối qua bao thế hệ của người Mơ Nâm. Những con suối trong veo cũng men theo đó mà kéo nhau về chảy róc rách như một bức tranh thủy mặc sống giữa núi rừng Tây Nguyên.

Cận cảnh thác Pa Sỹ - Ảnh: Binh Bui

Đã đến thác Pa Sỹ mà không thưởng thức đặc sản ở đây thì không thể cảm hết được văn hóa của núi rừng Tây Nguyên. Chọn một chòi lá nép bên thác nước, chúng tôi nhâm nhi ly rượu ngâm với trái cây rừng và ăn một miếng cơm lam nóng hổi cùng món thịt gà đồi chấm muối tiêu. Những hương vị ẩm thực như tan chảy và hòa quyện với tiếng thác nước Pa Sỹ, tiếng chim chóc đua nhau hót hay tiếng suối róc rách vang vọng từ xa trong tiết trời se lạnh thật khó diễn tả bằng lời, chỉ có thể nói cảm giác như chúng tôi đã chạm đến hơi thở của rừng, của thác Pa Sỹ. Không sơn hào hải vị, không trang trí bắt mắt, những món ăn dân dã ở thác Pa Sỹ ngon đến lạ thường.

Thưởng thức món ăn đậm đà mùi vị núi rừng thì còn gì bằng khi đến Thác Pa Sỹ - Ảnh:  Binh Bui

Ngồi giữa thung lũng được bao quanh bởi khu rừng nguyên sinh và thưởng thức những món ăn đậm đà mùi vị của Kon Tum, chúng tôi chợt cảm thấy lâng lâng và nhẹ nhàng tự tại. Ở đây, giữa bạt ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trước thác nước Pa Sỹ huyền thoại, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sinh khí mới để sẵn sàng trở về đối đầu với những thử thách mới trong cuộc sống hiện tại.

Một thác nước nhỏ gần thác Pa Sỹ - Ảnh: Binh Bui

Chợt nghe câu hát “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn ChaPi …” vang vọng từ xa. Một chút âm vang của núi rừng, một chút chậm lại để cảm nhận những khoảnh khắc quý giá và một chút tiếc núi len lỏi trong chúng tôi khi phải chia tay thác Pa Sỹ.

Những thông tin cần thiết:

Đường đi: Từ thành phố Kon Tum, bạn di chuyển theo quốc lộ 24 khoảng 50 km đến địa phận huyện Măng Đen. Đến đây bạn sẽ có hai lựa chọn:

1. Đi đèo Măng Đen dài 12 km, đường hẹp và  dốc ngoằn ngoèo, nhưng được ngắm cảnh thiên nhiên nguyên sơ tuyệt đẹp và thơ mộng

2. Đi theo đường tránh Măng Đen, với đoạn đường này sẽ ít đoạn cua dốc và đường rộng, ngắn hơn 3 km so với đoạn đường trên

Đường đi đến Khu du lich sinh thái  Măng Đen, Thác Pa Sỹ - Ảnh: Hue ^^

Phương tiện di chuyển: Bạn có thể di chuyển bằng xe máy đến thác Pa Sỹ, tuy nhiên đoạn đường đèo Măng Đen khá hẹp và dốc, kèm theo tình trạng sương mù, nên việc di chuyển bằng xe máy phải cần những tay lái vững và rất cẩn thận. Hoặc bạn có thể thuê xe ôm hay xe 16 chỗ ngồi nếu đi đoàn từ thành phố Kon Tum.

Thời gian di chuyển: Từ TP. Kon Tum đến thác Pa Sỹ mất từ 60 đến 120 phút.

Ẩm thực địa phương tại thác Pa Sỹ: Đã đến đây thì bạn không nên bỏ qua các món ăn như cơm lam, gà rừng nướng, cà đắng, măng chua rừng, rượu vang sim rừng, rượu cần, rượu chuối hột rừng, heo quay Măng Đen, cá tầm nướng,…

Thời gian du lịch lý tưởng ở thác Pa Sỹ: từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa khô ở Kon Tum, vì vậy bạn sẽ dễ dàng di chuyển đến thác Pa Sỹ. Đây cũng là mùa lúa chín vàng nở rộ trên khắp cung đường và có nhiều lễ hội địa phương đặc sắc nhất.

Mùa lúa chín vàng nở rộn trên khắp các cung đường - Ảnh: Thái Trường Giang

Cảnh đẹp Kon Tum

Những vật dụng cần thiết: Vì nằm ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình dao động từ 18 đến 22 độ, nên khi di chuyển đến thác Pa Sỹ bạn phải đem theo áo ấm, áo mưa, dù, đồ ăn nhẹ, máy ảnh, máy quay phim, quần áo dự phòng,…


Đà Lạt - Tây Nguyên


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam