Thung Nai – Sức hấp dẫn kỳ diệu của thiên nhiên


Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi nhà máy thủy điện sông Ðà được xây dựng, Thung Nai đã trở thành hồ chứa nước khổng lồ, những ngọn núi đá vôi bị ngập nước lưng chừng, biến thành những hòn đảo xanh nhấp nhô, tạo nên phong cảnh hết sức thơ mộng. Khi bước chân tới Thung Nai, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc hoang sơ, khoáng đạt, thả hồn mình vào khoảng trời, nước xanh ngắt, bao la.

Thoạt đầu khi nghe tên gọi này, ai cũng nghĩ đó là nơi “thâm sơn cùng cốc”, thế nhưng trên thực tế, nó chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 100km. Người ta truyền miệng nhau kể lại rằng, cái tên Thung Nai được ghép từ 2 từ “thung lũng” và “đàn nai”. Trước kia, tại một thung lũng thuộc chính mảnh đất này có rất nhiều loài vật kéo về đây sinh sống như hổ, hươu, báo… trong đó nhiều nhất là nai. Hàng ngày, đàn nai vui đùa, gặm cỏ trên các sườn núi, triền đồi. Vì thế mà dần dần đã hình thành nên một tên gọi quen thuộc, dân dã. Ngày nay, trên mảnh đất ấy đã không còn đàn nai nữa nhưng người ta vẫn không quên được vẻ đẹp làm say đắm lòng người của thiên nhiên thơ mộng.

Vào mùa xuân, Thung Nai chính là điểm đến lý tưởng để du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo. Từ trên cao nhìn xuống, Thung Nai hiện lên với vẻ đẹp vô cùng quyến rũ. Mặt hồ rộng lớn bao quanh bởi những dãy núi với nhiều hình thù khác nhau, nước hồ xanh ngắt in bóng những đám mây trắng trên bầu trời xanh. Hàng trăm “hòn đảo” lớn nhỏ, là những quả núi, đồi bị ngập nước khi ngăn dòng sông Đà làm thủy điện Hòa Bình nhấp nhô trên mặt hồ, tạo nên một Hạ Long nổi trên cao. Vào những ngày mưa, mặt hồ trải rộng mang màu đỏ phù sa. Vào những ngày nắng, mặt hồ trong xanh in bóng núi non, mây trời. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trên núi dưới hồ hòa quyện làm một.

Buổi sáng, khi những tia nắng lấp lánh đầu tiên chiếu rọi xuống Thung Nai, cũng là lúc mọi vật như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Những hoạt động khởi đầu một ngày từ chợ nổi Thác Bờ tuy không quá ồn ào tấp nập nhưng chợ chính là nơi thông thương của các ghe thuyền trên khắp mặt hồ đổ về. Có một điều đặc biệt là chợ chỉ họp vào buổi sáng sớm và khoảng gần trưa là đã tan phiên. Người ta mang đến trao đổi, buôn bán những sản vật từ đêm hôm trước. Du khách sau khi ghé qua chợ nổi sẽ đi lên bản Sông, thăm đền thờ Thác Bờ. Tương truyền, Bà chúa Thác Bờ là người cai quản cả một vùng Tây Bắc, đi ngược thượng lưu là các xứ Mường Hoà Bình, xứ Thái Sơn La, Lai Châu… Xưa kia, khi chưa ngăn dòng sông Đà thì nơi đây rất hiểm trở, nhiều đá ngầm, thuyền bè qua lại bị đắm nhiều nên dân bản lập Đền Bà chúa, cầu mong Bà che chở cho tàu bè xuôi ngược sông Đà thuận buồm xuôi gió.

Cho tới nay, phong tục đó vẫn còn và nhiều du khách thập phương cũng như người dân bản xứ thường đến thắp hương, dâng lễ và cầu nguyện tại đền. Chia tay đền Chúa Thác Bờ lại tới động Thác Bờ. Động Thác Bờ sâu hơn 100m, có nhiều nhũ đá với hình thù kỳ lạ. Khi gõ tay vào, từ nhũ đá vang lên những âm thanh thú vị, mà người Mường bản xứ cho rằng, giống với tiếng cồng chiêng của họ.

Chiều xuống, những tia nắng cuối ngày nhuộm cả màu hồ với màu tím lung linh, huyền ảo. Trong khung cảnh hoàng hôn, chúng ta có cảm giác lòng hồ như một tấm gương phẳng lặng, yên bình. Vài ba chiếc thuyền nhè nhẹ rẽ sóng khiến khung cảnh càng trở nên lãng mạn. Còn gì thú vị hơn khi được lênh đênh trên thuyền, luồn lách qua những núi đá nhô lên giữa hồ trong xanh, tựa như đi trên vịnh Hạ Long, trên trời mây trắng bồng bềnh, hai bên bờ, núi non trùng điệp, thấp thoáng ẩn hiện những bản người dân tộc.

Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người Mường với những nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Ban đêm, bầu trời phủ màn nhung đen dày đặc xuống Thung Nai. Những đêm trăng sáng, ánh vàng như rót mật xuống lòng hồ, sương đêm giăng mắc, mặt hồ mờ tỏ, mong manh sương khói, thấp thoáng bồng bềnh núi đồi, khiến người ta có cảm giác mình đang trôi giữa chốn bồng lai.

Có lẽ, Thung Nai không thích hợp với những hoạt động vui chơi giải trí ồn ào, thay vào đó là những phút giây thư giãn bên gia đình, bạn bè, nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên kì thú. Đến Thung Nai, du khách như tìm về giữa thiên nhiên với không khí trong lành, được thưởng thức những món ăn ngon, đặc sản của núi rừng Tây Bắc.

Hãy một lần tới Thung Nai để trút bỏ mọi lo âu, toan tính của cuộc sống đầy hối hả, bon chen và cảm nhận sự lắng đọng, bình yên trong tâm hồn.


Thông tin thêm:

Nên đi Thung Nai vào thời điểm nào?

Nên tới Thung Nai vào mùa hè, khoảng tháng 5 đến tháng 8 để tận hưởng cảm giác mát mẻ, xa rời với cái nóng oi bức của miền Bắc vào dịp này. Vào các mùa khác, du khách cũng có thể đến Thung Nai, tuy nhiên sẽ không thể tận hưởng dòng nước mát lạnh của lòng hồ. Nếu có thể thì hãy lựa chọn ngày đi vào đúng ngày rằm, buổi tối ngắm trăng giữa mênh mông biển nước là một trải nghiệm khá thú vị cho du khách.

Phương tiện di chuyển đến Thung Nai

Cách Thành phố Hòa Bình khoảng 20km và là một xã nhỏ không có tuyến vận tải công cộng nào chạy thẳng tới đây. Do vậy, du khách có thể tới Thung Nai bằng cách đi xe máy từ Hà Nội (khoảng 100km) hoặc đi xe khách tới Hòa Bình rồi thuê xe ôm hoặc taxi để vào Thung Nai. Nếu di chuyển bằng xe khách, du khách xuống ở ngã 3 đường tránh của TP. Hòa Bình (chân dốc Cun phía bên Hòa Bình, đầu đường Tây Tiến).

Nhà nghỉ tại Thung Nai

Tại Thung Nai có rất ít điểm nghỉ ngơi, nơi được ưa chuộng nhất là Nhà nghỉ Cối Xay Gió và nhà nghỉ Đảo Dừa.

Nhà nghỉ Cối Xay Gió: 0218.389.1537 – 0913.591.943

Nhà nghỉ Đảo Dừa0218.627.3189 – 0166.886.2663

Ẩm thực 

Đến Thung Nai đừng quên thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của cá Măng nướng sông Đà, và các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn Mường nướng bày trên lá chuối, măng luộc, cơm gạo nương, rượu táo mèo, rau rừng chấm lòng cá…


Sapa - Tây Bắc


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam