Thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể tại Đà Lạt



Khi mặt trời vừa khuất núi cũng là lúc du khác khởi hành từ Đà Lạt đến với bản làng xã Lát dưới chân núi Langbiang huyền thoại, ở đây các bạn sẽ được hòa mình với không gian cồng chiêng, được thưởng thức rượu cần, thịt nướng, được giao lưu nhảy múa cùng những người đồng bào thiểu số, bên tiếng cồng, tiếng chiêng, bên ánh lửa bập bùng của núi rừng tây nguyên hùng vĩ...

Được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã trở thành đại diện thứ hai của nước ta đón nhận danh hiệu này. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, trong từng chiếc cồng, chiếc chiêng luôn có hiện thân của những vị thần nên đây là nhạc cụ không thể thiếu của những buổi lễ quan trọng như : Lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ chúc sức khoẻ, lễ mừng nhà rông mới, mừng chiến thắng, lễ cầu an cho cây lúa…Cồng chiêng còn thể hiện tính kết nối cộng cồng và thể hiện sự uy dũng của con người vùng cao Tây nguyên.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai, Mạ… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của họ.

Trong ánh lửa bập bùng, không gian văn hóa của đồng bào bản địa nơi đây được tái hiện, các bạn sẽ được nghe những bài ca núi rừng và cùng tôn vinh kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả đã tạo thành một nét đẹp văn hóa đa sắc màu riêng biệt của Đà Lạt mà bất cứ ai cũng không nên bỏ qua.


Đà Lạt - Tây Nguyên


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam