Nếu nói về tứ quái Đà Lạt, người đầu tiên tôi muốn nói đến đó chính là Phước khùng MPK. Không ồn ào và hào nhoáng, nhiếp ảnh gia MPK (Phước Khùng) vẫn ngày ngày lặng lẽ rong ruổi khắp phố phường để “săn” những khoảnh khắc của Đà Lạt qua ống kính điêu luyện của mình.
Tôi được chú giải thích về cái tên mà chú luôn cảm thấy gần gũi với mọi người. M tức Micheal là tên của chú gắn liền với công giáo, khi theo công giáo chú có tên là Michel Thắng. P tức Phước là tên gọi mà ba mẹ đặt cho chú từ nhỏ. K (tức khùng) là tên gọi mọi người hay gọi chú, họ cứ thấy chú ngày ngày đi bụi hết nơi này đến nơi khác nên gọi chú là khùng. Tôi hỏi chú có buồn không khi mọi người gọi chú là “Phước Khùng”, chú cười: “Không buồn đâu, khi trả lời điện thoại chú vẫn xưng mình là khùng đấy thôi. Đó là tên thân mật, ai thấy hình dáng của chú mà không cho là khùng cơ chứ, thôi người đời cho tên gì thì mình dùng tên đó, tên khùng cũng dễ thương đấy chứ”
Chú bắt đầu cầm máy từ năm 1982, nay đã hơn 50 tuổi nhưng chưa bao giờ chú thấy chán việc đó cả. Chú đã có rất nhiều bộ sưu tập hình về nhiều chủ đề khác nhau của xứ sở sương mù như biệt thự cổ, hoa, thông, trăng, thiếu nữ… Chú tâm sự, Đà Lạt như một người mẹ hiền, người mẹ vẫn sống hiền hòa và ôm tất cả chúng ta vào lòng, vẫn ban cho ta những ánh nắng ấm áp để xua đi cái giá lạnh nơi đây, vẫn chắt ra cho ta những giọt sương tinh khiết.
Chú là một người đặc biệt, từ cái tên, nghề nghiệp đến những trăn trở. MPK khi nào còn đi được thì chú vẫn đi tìm những khoảnh khắc đẹp của Đà Lạt. Chú là người giữ hồn cho Đà Lạt, là hiện thân của một người làm nghệ thuật chân chính. Tính đến thời điểm này, Phước MPK đã đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước về các chủ đề thiên nhiên, con người, đời sống...Nếu các bạn xem qua bộ phim Dốc Tình được quay bối cảnh chính tại Đà Lạt, trong phim nhân vật nhiếp ảnh gia ăn mặt như người đồng bào thiểu số, chuyên đi săn ảnh chính là mô phỏng lại nhân vật Phước MPK.
Người thứ hai trong bộ tứ này không thể không nhắc đến đó là cô Giang, chủ quán cà phê Cung Tơ Chiều. Hơn 10 năm nay, quán cà phê Cung Tơ Chiều nằm trên một đồi thông lặng lẽ, hoang vu ngay trước Dinh 3 đã trở thành điểm đến nổi tiếng ở xứ mờ sương, thu hút rất nhiều du khách. Chủ nhân của quán là cô Xuân Giang, 50 tuổi, được nhiều người gọi là “dị nhân”, người “không bình thường”, Giang “khùng”..
Khách đến với cà phê Cung tơ chiều là để được nghe, thấy Xuân Giang ôm đàn guitar ngồi hát. Không hát theo kiểu phòng trà hay quán bar, cô Giang hát theo sở thích của mình, thích thì hát, không thì thôi, không ai có thể “bắt” cô hát được. Cô thuộc cả ngàn bài hát với đủ thể loại. Bình thường hằng đêm cô hát 5 - 7 bài, thậm chí vài chục bài, nhưng cũng có đêm cô không hát bài nào. Chất giọng mộc mạc, liêu trai, không phô diễn kỹ thuật, không màu mè, chỉ có cảm xúc và sự rung động. Trong cái lạnh se se của Đà Lạt, trong tiếng thông vi vút gió ngàn, trong không gian huyền ảo của Cung tơ chiều, hình ảnh nữ chủ nhân xõa tóc ôm đàn guitar ngồi hát say sưa là một ấn tượng rất khó quên.
Mở quán kinh doanh lẽ thường ai cũng cần khách, cần tiền, nhưng với chị Giang thì không hẳn vậy. Cung tơ chiều mở cửa từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 hằng đêm và rất kén chọn khách. Chị Giang muốn khách đến đây phải thực sự trân trọng những cung bậc cảm xúc hiện hữu trong không gian ấy, nên lúc mới mở quán chị đã “đuổi” hết những khách không đáp ứng “tiêu chí” trên, và do đó phải mất đến 6 tháng, quán của chị mới có khách lui tới. Đến giờ vẫn vậy, ai vào quán mà ồn ào, có mùi rượu hoặc thiếu lịch sự là chị yêu cầu rời quán.
Quán của cô chứa được khoảng 100 người, nhưng có những lúc chỉ hơn chục người là cô đóng cổng, ai đến nữa cũng không tiếp. Bởi những lúc ấy cô muốn dành hết cảm xúc cho những người đang có mặt, và không muốn ai khác quấy rầy. Ngay trong thực đơn của quán có thể sẽ làm nhiều người “choáng” với những dòng chữ: “Không cười nói lớn hơn tiếng nhạc; không chụp hình; không ghi âm; và chúng tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào”. Ai “vi phạm” sẽ gặp “rắc rối” ngay với bà chủ quán.
“Quán của mình là vậy, ai thích thì đến còn không thì thôi. Mình là con người rất bình thường, người ta có nói gì về mình đi nữa mình cũng mặc kệ, mình không quan tâm, không nghe thấy. Mình không thích nổi tiếng, không thích ai đụng chạm vào cuộc sống của mình, mỗi người đều có một cuộc sống riêng” - Cô Giang nói. Phải rất vất vả chúng tôi mới thuyết phục được cô đồng ý tiến hành cuộc trò chuyện, nhưng trước đề nghị chụp ảnh người làm say lòng bao lữ khách đến Đà Lạt thì cô dứt khoát lắc đầu.
Người thứ ba trong tứ quái Đà Lạt chính là một kiến trúc sư “có tiếng” ở phố núi du lịch sang trọng này, đó chính là kiến trúc sư Lữ Trúc Phương. Ông không nói chuyện với ai, mà chủ yếu dồn tất cả cho cuộc độc thoại trường kỳ với căn phòng ngợp các bản thiết kế, tranh, tượng gỗ, sách, máy tính... Nhìn vào không gian sống ở căn phòng 20m2 kia đủ nhận ra nỗi cô đơn, tự kỷ, trầm tĩnh và chịu đựng, cùng vẻ ẩn sĩ của một kiến trúc sư kỳ dị giữa buổi cuộc sống đang tốc hành, nhốn nháo thực dụng...
Cái gì Lữ Trúc Phương thực hiện dở dang là những cái du khách tìm đến xem, thành “sản phẩm du lịch”, thành “tour” để đưa khách đến, là cơ hội kiếm tiền của các hãng lữ hành, là “kiến thức” của các hướng dẫn viên du lịch, và người ta tranh nhau đưa vào những cuốn guidebook, kể cả xuất bản ra ngoài hay trong nước, ở Sài Gòn, Hà Nội hay ngay tại Đà Lạt.
Bên cạnh những cái tên Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở... nổi tiếng ở Đà Lạt, không thể bỏ qua những công trình dù dở dang của ông.Đó là con gà chín cựa K’Long ở làng người Cill Darahoa, dưới chân đèo Prenn, là hồ nước Thống Nhất, hồ con rồng ở Đa Thiện, là nhà thờ dòng Don Bosco, là “ngôi nhà trăm mái” ở cận đồi Cù, là “con đường lên trăng” ở bên hông đồi thông dinh tỉnh trưởng...
“Con đường lên trăng” bay bổng đưa con người đi từ bí ẩn của lòng đất lên bầu trời mới tạm xong những hạng mục dưới lòng đất... Tương tự là công trình “Nhập cùng nguồn cội” (biến những ngọn đồi, dãy núi cùng thác nước ở khu Prenn thành một vùng khám phá thuở ban sơ của loài người, với sơn động, núi thờ thần mặt trời; và khi vượt qua chín tầng trời, chín tầng mây sẽ gặp đồi xe duyên, đồi báo hiếu, đồi nghĩ về tổ tiên, đất mẹ...) và “Ngôi nhà Việt Nam” (làng du lịch qui tụ những tinh túy bản sắc kiến trúc, văn hóa dân gian, lễ hội... của ba vùng Bắc - Trung - Nam) bị gạt ra ngoài vì mơ mộng hão huyền...
Bây giờ đã 65 tuổi, kiến trúc sư họ Lữ vẫn cứ đeo bám những mơ mộng xa xăm của mình, cự tuyệt những lời mời vẽ nhà ở (mặc dù đã vẽ nhiều biệt thự, nhà phố khá đẹp) dễ kiếm tiền, để phiêu du về vùng Mã Đà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để vẽ “Nhà nổi trên hoang đảo ngầm”, “Đền thờ tổ tiên Âu Lạc trên con thuyền” cho dự án khu du lịch sinh thái - văn hóa rộng cả ngàn hecta mang tên “Cầu treo bến nước” do Hàn Quốc và Công ty du lịch Phú Mỹ Hòa liên doanh đầu tư... Ở Lâm Đồng ông làm cái gì cũng dở dang, nên phần còn lại của cuộc đời ngắn ngủi phải đặt hi vọng ở xứ Đồng Nai hào phóng...
Lữ Trúc Phương thiết kế theo ý mình chứ không theo đơn đặt hàng, nên tác phẩm nào của ông cũng lênh đênh, trầm luân. “Mình nghĩ ra thế đấy, vẽ theo hướng đấy, ai thấy thích, chia sẻ thì nhận về triển khai, không thì thôi...”.
“Ngôi nhà trăm mái” được giới kiến trúc lẫn du khách thập phương tán thưởng thì bị chính quyền sở tại thẳng tay xóa sổ (vì cái tội chưa đủ giấy tờ hợp pháp và xây dựng trái phép). Có lẽ bi kịch là một thứ năng lượng của Lữ Trúc Phương, nên ông mới có thể gượng dậy để cố mà lao động, mà sáng tạo. Ở Đà Lạt, người ta dễ thấy vẻ “man man”, lập dị trên đường phố của ông, nhưng người ta không biết ông sống đạm bạc, nghèo mọn đến cỡ nào trong từng bữa ăn, lại còn không biết ông nợ nần hàng tỉ đồng cho những công trình lãng mạn bị người đời chê cười “thiếu thực tế” của mình.
Trước sau Lữ Trúc Phương vẫn cứ bền bỉ da diết với Đà Lạt. Ông yêu Đà Lạt nên từ bỏ Pnom Penh, Campuchia (học kiến trúc ở Campuchia thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1950 và 1960, chuyên viên thiết kế công trình cho đại sứ Pháp ở nước này) và cả miền Tây bản quán (quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) để tìm đến đây định cư suốt hơn 40 năm qua. Ông yêu Đà Lạt nên khi người ta chỉ chú tâm lo hạt bắp, khoai sắn thì ông đã nghĩ đến sản phẩm du lịch cho Đà Lạt.
Yêu Đà Lạt nên từ năm 1978 ông đã tháo sắt thép, lưới B40 của gia đình... để đi làm con gà chín cựa, bán cả xe máy để mua ximăng. Yêu Đà Lạt nên ông mới dám liều chết vay nợ để làm “ngôi nhà trăm mái”, “đường lên trăng”... Vì Đà Lạt nên suốt 10 năm qua, nhiều nhà đầu tư du lịch, văn hóa ở TP.HCM lẫn nhiều tỉnh thành khác tìm lên mời ông mang bản vẽ "nhà trăm mái", "đường lên trăng"... về xuôi thực hiện, họ Lữ vẫn từ chối.
Cũng vì Đà Lạt nên từ năm 1977 ông đã tự đứng ra qui hoạch để vùng núi đồi ở thung lũng Tình Yêu trở thành tổ hợp du lịch liên hoàn, tôn vinh thiên nhiên Đà Lạt. Người ta sẽ không ngờ được kẻ “man man” họ Lữ này từ những năm 1980 đã dành tâm nghĩ về qui hoạch Đà Lạt (năm 1992 ta mới triển khai được qui hoạch tổng thể lại đô thị Đà Lạt).
Lữ Trúc Phương đi trước sự vận động của đời sống, bằng những ý tưởng, những tác phẩm bị cho là “quái dị” của mình. Không biết có phải vì quá mơ mộng mà thiên hạ không thể (hay không muốn) thừa nhận ông. Mà cái gì không được thừa nhận thì làm sao có cơ hội được tôn vinh.
Nhân vật cuối cùng trong tứ quái của Đà Lạt đó chính là kiến trúc sư Đặng Việt Nga chủ nhân ngôi nhà kỳ dị mang tên Crazy House. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moscow(1959-1965), sau đó từ 1969-1972 tiếp tục trở lại học và lấy bằng tiến sĩ của Liên Xô. Năm 1983, bà rời Hà Nội đến sống tại Đà Lạt và dựng xây lên biệt thự Hằng Nga hay còn gọi là “Ngôi nhà điên”.
Biệt thự Hằng Nga bao gồm nhiều tòa nhà và nhà khách, quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật với phong cách đặc biệt. Các nội thất của tòa nhà bao gồm hang động, hành lang quanh co, cầu thang quanh co, đồ nội thất kỳ quặc và những bức tượng động vật với kích cỡ lớn. Không có những đường thẳng và góc thẳng, không “ngang hàng thẳng lối”. Có thể tạo ấn tượng là không gian, hành lang, cầu thang, cửa sổ hoặc đồ nội thất - tất cả mọi thứ có vẻ như thể đã bị nấu tan chảy ở nhiệt độ cao và sau đó đóng băng trong hình dạng kỳ cục.
Giữa các tòa nhà là những mấu cây, rể cây xương xẩu làm bằng bê tông và mạng nhện khổng lồ làm bằng dây kẽm. Có một phòng trà nhỏ bên trong một tượng Hươu cao cổ to. Các phòng nghỉ có tên phòng Quả Bầu, Kangaroo, con gấu, con ong,...
Các phòng đều có thể được đặt chỗ mướn để nghỉ qua đêm bình thường. Hiện tại, mỗi năm “Ngôi nhà Điên” đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, trong đó phần nhiều là khách nước ngoài.
Từ khi khai trương vào năm 1990, tòa nhà này đã được công nhận kiến trúc độc đáo, đã được nêu bật trong các sách hướng dẫn du lịch và được xếp vào nhóm 10 tòa nhà “kỳ lạ” nhất theo bình chọn của Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc
Khi quyết định xây biệt thự, KTS Việt Nga đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ hội kiến trúc, khiến bà phải bí mật đưa bản dự án của mình trình lên sở Xây dựng thông qua chính quyền cấp phép. Thế nhưng 6 lần bà trình dự án là 6 lần bị từ chối thẳng thừng, mãi tới lần thứ bảy bản kiến nghị về việc mở rộng Crazy house mới được thông qua với nhiều điều khoản khắt khe. KTS Việt Nga cho biết: “Hành trình đi xin giấy phép của tôi thật sự khó khăn, tôi phải một mình lặn lội giữa trời mưa gió suốt mấy tháng liền. Tôi thực sự cảm ơn các du khách nước ngoài bởi việc công trình tiếp tục được cấp phép nguyên nhân chính là lượng du khách nước ngoài đổ về đây ngày càng đông, nó tác động trực tiếp tới cách nhình nhận của lãnh đạo thành phố”. Đến bây giờ, khi Crazy House được biết đến như một công trình kiến trúc độc đáo trên thế giới. Là điểm nhấn thu hút khách du lịch hàng đầu tại Đà Lạt.