Uganda – Vùng đất lãng mạn ở thượng nguồn sông Nile


Uganda, vùng đất không chỉ nổi tiếng với giống loài khỉ đột to lớn Grollia, hồ Victoria vỹ đại mà còn là vùng đất lãng mạn, quyến rũ cho sự yêu thương của muông loài nơi thượng nguồn con sông Nile huyền thoại.

Không gian yêu thương ở Murchison

Từ Kampala, thủ đô Uganda, tôi thuê chuyến xe ngược lên phía Bắc để đến với vườn quốc gia Murchison nổi tiếng, nơi có ngọn thác cùng tên ngày đêm đổ nước xuống chi lưu tạo nên con sông Nile vỹ đại ở Phi châu. Đoạn đường hơn 300km, bỏ lại sau lưng những khu nhà hiện đại ở các khu thị tứ là những vùng đất cỏ cháy xen lẫn những cây gai cổ thụ đặc trưng xứ này. Đường sá ở Uganda tuy nhỏ hơn hai nước Đông Phi láng giềng nhưng khá tốt nên tài xế vẫn có thể chạy xe ở tốc độ cao. Thỉnh thoảng, anh ta dừng lại ven đường để tôi ghi lại những hình ảnh đậm chất châu Phi với những ngôi nhà đất, những đàn thú hoang đang cố gặm những bụi cỏ khô trên vùng đất mấp mô nâu đỏ. Nằm trên đường xích đạo, Uganda có lẽ nóng hơn một chút so với các nước láng giềng Kenya hay Tanzania nhờ lượng gió lớn từ đại dương thổi vào. Nhưng khu vực ven hồ Victoria ở phía Nam thì khí hậu lại mát mẻ, dễ chịu đặc biệt khi tiết trời cuối năm.

Sau hơn 5 giờ đồng hồ ngồi trên xe, cuối cùng tôi cũng đã đến con sông Nile, con sông dài nhất thế giới và chảy qua mười nước châu Phi. Không chọn hình thức lưu trú ở trong các căn phòng sang trọng hay các nhà lều đầy đủ tiện nghi, tôi thuê chỗ cắm chiếc lều chữ A mà anh tài xế chuẩn bị sẵn với giá 7USD trong khu vực cắm trại. Anh tài xế khuyên tôi phải khóa lều cẩn thận và không nên để thức ăn bên trong vì khi đêm xuống những chú khỉ hay heo rừng sẽ mò đến lều của khách theo hương thơm ấy. Khu vực cắm trại này được xây dựng mở, giữa vùng lõi của công viên quốc gia Murchison, không có tường rào xung quanh nên du khách như sống giữa vòng vây của muông thú. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi vội vã ra bờ sông để kịp chuyến tàu cuối cùng du ngoạn trên con sông Nile để đến với thác Murchison tung bọt trắng xóa.

Hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm, liên tục kể cho đoàn nghe những câu chuyện của các loài động vật sinh sống dọc theo con sông Nile. Những đàn hà mã hàng trăm con đang trầm mình dưới nước, chúng nhiều vô kể như trong những đoạn phim về thế giới hoang dã trên kênh Discovery. Những chú voi châu Phi khổng lồ, những đàn trâu rừng đang phơi nắng ở các bãi bồi ven sông, những chú chim nhiều màu sắc làm tổ bên vách núi tạo nên một không khí thanh bình, lãng đãng. Bỗng anh chàng hướng dẫn ra dấu cho cả đoàn giữ im lặng và hướng tay về phía bờ. Những con cá sấu sông Nile khổng lồ đang há miệng chờ săn mồi. Một số lao mình xuống nước khi phát hiện chiếc thuyền đang tiến đến gần chúng. Muông thú nơi đây dường như đang sống trong một không gian thanh bình và không có bất kỳ một sự đe dọa nào.

Sau 45 phút, cuối cùng thuyền chúng tôi đã tiếp cận gần nhất con thác Murchison đang ầm ầm trút nước. Nước đổ từ trên cao xuống và chảy xiết qua những vách đá thẳng đứng, những khu rừng cổ thụ, những ngọn núi vây phủ xung quanh xuống dòng Nile đang cuộn sóng. Nếu như đoạn trước con sông êm đềm để bầy hà mã hả hê nô đùa thì giờ đây con sông dữ dội bởi những con sóng len lỏi qua các tảng đá ngầm khổng lồ. Tàu cập vào một trảng đá lớn để du khách có thể trèo lên ngắm thác từ xa.

Chúng tôi quay trở về khu cắm trại Red Chilli khi hoàng hôn bắt đầu đỏ ửng ở một góc rừng Murchison. Không khí nơi đây đang nhộn nhịp chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Một số du khách phương Tây chọn những chỗ ngồi hướng về con sông Nile, thưởng thức ngụm rượu vang trắng bên những xâu thịt nướng thơm phức. Tôi và tài xế thì loay hoay nhúm bếp lửa than để chuẩn bị nấu vội vài gói mỳ bò mang từ Việt Nam sang và lắc lư cùng điệu nhạc du dương phát ra từ quầy bar nhiều màu sắc ở khu vực trung tâm khu lều trại.

Trời tối nhanh và nhiệt độ xuống thấp hơn trên lục địa đen khiến không khí mát lạnh. Trên đầu là ánh trăng vằng vặt, thật gần như có thể chạm tay tới. Bỗng tôi đứng sững lại vì nghe tiếng sột soạt rất gần trong bụi rậm, hình như có con gì đó. Phút chốc mọi người trong khu nghỉ xôn xao bấm đèn pin về phía phát ra tiếng động. Thì ra là một đàn lợn lòi năm hay bảy con đang cắm cúi tìm thức ăn. Một phen hú hồn nhưng cũng thật thú vị giữa thiên nhiên hoang dã.

Sáng hôm sau, chúng tôi nhanh chóng khởi hành để có thể chiêm ngưỡng được một số loài động vật săn mồi sớm. Qua phà sông Nile chẳng bao lâu, khu rừng thưa và những cây cao điểm xuyết bên thảm cỏ cháy thấp thoáng hiện ra. Trần ôtô tự động mở đón gió mát và rất tiện cho việc đưa ống kính máy ảnh ra chụp hình. Xe chạy qua những đồi cỏ cháy loang màu đầy hươu, nai nhở nhơn chơi đùa. Những đôi nai cọ sừng trông lãng mạn sau những góc cây khô. Trên đồi cỏ xanh là nhiều loài vật khác như lợn lòi, hươu cao cổ, đà điểu, chim trĩ sống hòa bình bên nhau. Tôi có cảm giác mình đang giao cảm với thiên nhiên. Khi tôi đưa chiếc máy ảnh và huýt sáo hướng về những chú nai nhỏ, chúng tò mò nhìn tôi hồi lâu như thể muốn đi theo. Đàn trâu rừng hàng trăm còn vừa gặm cỏ, vừa vẫy vẫy đôi tai như chào du khách, trên lưng chúng là những chú cò trắng đang rỉa những chất bám trên da. Tôi có chút tiếc nuối khi không tận mắt thấy cảnh báo săn mồi trên cây ở Murchison, nhưng chỉ ngần ấy thôi cũng đã vẽ nên một bức tranh Murchison hoang dã hiếm nơi nào có.

Jinja nơi thượng nguồn con sông Nile

Hôm sau, tôi quyết định xuôi về phía Nam, nơi có hồ Victoria được xem là một trong bảy kỳ quan của châu Phi hoang dã, để đến thượng nguồn của sông Nile trắng. Chỉ cách thủ đô Kampala 80km, thị trấn Jinja tấp nập du khách quốc tế đến để trải nghiệm những trò chơi cảm giác mạnh trên sông Nile. Tôi được tài xế đưa đến một công ty du lịch địa phương để bắt đầu hành trình phiêu lưu trên con sông dài nhất thế giới. Jinja là một thị trấn du lịch nhỏ ở Uganda nằm bên con sông Nile mà dòng chảy xuôi theo hướng Nam là ra hồ Victoria, phần phía Bắc hòa vào dòng chảy vĩ đại của sông Nile. Khu vực này ghềnh đá rất nhiều, bề mặt sông rất rộng, có đoạn lên đến hàng trăm mét tạo cho dòng sông cuộn sóng, đầy thách thức.

Có rất nhiều trò chơi cảm giác mạnh tùy thuộc vào sức khỏe và sự trải nghiệm của du khách trên sông Nile. Nếu bạn muốn vượt ghềnh đá thì sẽ có một ekip hùng hậu theo để hỗ trợ, hướng dẫn và lưu lại những bức ảnh để đời cho bạn. Anh hướng dẫn viên người Nam Phi giải thích khi tôi hỏi về độ khó của trò chơi: “Tùy theo đối tượng khách mà chúng tôi sẽ tạo những trải nghiệm khác nhau. Nếu du khách là người ưa mạo hiểm, có sức khỏe tốt thì chúng tôi sẽ chọn những ghềnh đá lớn, có độ dốc cao hay là sẽ tạo ra nhiều bất ngờ cho du khách”. Sự bất ngờ mà anh chàng hướng dẫn nói sau này được anh tài xế giải thích cho tôi là họ có thể làm lật thuyền phao để du khách rơi xuống dòng nước đang cuồn cuộn sóng. Riêng tôi chỉ chọn cách chèo thuyền kayak để cảm nhận cuộc sống thanh bình giữa con người và thiên nhiên trên đoạn sông Nile êm đềm.

Người dân Uganda ngày nay cũng bám theo con sông Nile để sinh sống. Ở khu vực này, nam giới thì đánh lưới, làm những công việc đồng áng hay hướng dẫn cho các công ty du lịch, phụ nữ thì chăm con, nội trợ và đôi khi tự làm những mặt hàng thủ công truyền thống bán cho khách du lịch ở thị trấn Jinja. Anh chàng hướng dẫn chèo thuyền theo tôi cho rằng, tuy cuộc sống vẫn còn khốn khó, nhưng hầu như không ai săn bắt các loài động vật hoang dã. Vì họ cũng hiểu rằng, chính thiên nhiên hoang dã đã và đang nuôi sống họ khi lượng du khách đến đây ngày một nhiều hơn.

Khu vực này còn nhiều loại chim lạ, đặc biệt là đại bàng trắng. Chúng đậu cô đơn trên những cây cao giữa những đảo nhỏ trên sông để săn mồi. Những con chim cổ đỏ, những con chim xanh ánh bạc nhỏ ri ri đi theo từng đàn làm tổ san sát nhau trong hốc đá. Những con chim bói cá màu đen trắng bay dang rộng đôi cánh để giữ thăng bằng sau đó nhào xuống nhanh như chớp khi nhìn thấy mồi. Tôi có ba giờ trôi trên dòng sông Nile để cảm nhận hơn sự gần gũi giữa thiên nhiên và con người. Một không gian dường như chỉ có ở nơi bắt đầu của những điều vỹ đại.

Khu lăng mộ các vua Buganda ở Kasubi, Uganda

Một trong những di sản bị đe dọa chính là khu lăng mộ Kasubi nằm cách thủ đô Kampala khoảng 5km trên đồi Kasubi. Tôi dành cả buổi chiều để tìm hiểu một thời lịch sử chế độ phong kiến của quốc gia Phi châu. Các lăng mộ và cung điện này là mẫu mực của kiến trúc cổ châu Phi, đều làm bằng lau sậy, các loại giáo và thú rừng.

Tôi được cô nhân viên kiêm luôn việc bán vé hướng dẫn vào trong khu di sản. Thực ra, nơi đây là khu lăng tẩm của Hoàng gia, chôn cất 4 vị vua của dân tộc Buganda, trước được gọi là Kabaka, bao gồm: Muteesa I (1835-1884), Mwanga II (1867-1903), Daudi Chwa II (1896-1939), Sir Edward Muteesa II (1924-1969). Cô nhân viên dẫn tôi vào một khu nhà truyền thống, nơi đây lưu giữ những hiện vật cho việc thờ cúng, làm lễ của bộ lạc xưa kia. Cô kể rằng: “Khu lăng mộ được xây dựng lần đầu tiên trên khu nghĩa địa hoàng cung Mutesa I vào năm 1882. Theo truyền thống của người Baganda, vua qua đời, ông sẽ được chôn cất, xương hàm của nhà vua sẽ được tháo ra và đặt trong một đền thờ của hoàng gia được xây ở một địa điểm khác, vì người ta nghĩ rằng xương hàm mang theo linh hồn. Tuy nhiên, khi Kabaka Mutesa I qua đời, ông được chôn trong cung điện trước đây cùng với xương hàm của mình. Sau đó con trai của ông, Mwanga II cũng muốn giống bố. Chỉ có điều ông qua đời ở quần đảo Seychelles, hài cốt của ông được mang về cố quốc và mai táng bên cạnh người cha. Mwanga II cũng có một con trai, Daudi Chwa II, qua đời vào năm 1939. Ông được chôn cất đầy tôn kính giống như cha mình tại khu lăng mộ. Người con trai của Daudi Chwa là Edward Mutesa đảm nhận vị trí của cha khi thời cuộc có nhiều thay đổi. Ông trở thành thống đốc của tỉnh Uganda. Sau nhiều thành công, ông qua đời tại London, xác của ông cũng được mai táng cùng với người cha và tổ tiên trong khu lăng mộ này”.

Tôi được cô nhân viên tiếp tục dẫn vào khu vực phía sau để viếng thăm các ngôi mộ. Những ngôi nhà tuềnh toàng xen lẫn những ngôi nhà gạch được cô nhân viên giới thiệu là chỗ ở của con cháu, thứ thiếp của các vị vua trước đây. Họ được chính phủ Uganda hiện tại trợ cấp thực phẩm, thuốc men, phí giáo dục cho những hậu duệ hoàng tộc một thời của chế độ phong kiến ở Uganda.

Cuộc sống của họ rất thanh đạm, những người phụ nữ trước đây từng là thứ thiếp, con cháu của nhà vua tập hợp về đây để chăm lo phần mộ tổ tiên. Họ sinh hoạt bên trong khu lăng mộ như một khu cấm cung nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tiếc thay, vào ngày 16/3/2010, một trận hỏa hoạn bí ẩn đã thiêu rụi hoàn toàn các công trình chính ở nơi đây.

TIPS

Bí quyết du lịch Uganda

– Visa: Đối với người Việt Nam, chính phủ Uganda cho phép nhập cảnh bằng chính sách e-visa. Bạn có thể điền thông tin trực tiếp từ website: https://visas.immigration.go.ug/ để được cấp visa điện tử thông qua email của mình.

– Lưu trú: Cũng giống như các nước châu Phi láng giềng, loại hình du lịch safari ở Uganda rất phát triển. Du khách có thể trực tiếp đặt phòng trên booking.com hoặc agoda.com ở những khu resort đắt tiền, tiện nghi hiện đại, có tầm nhìn đẹp và trải nghiệm giữa vòng vây thú rừng. Khách sạn Jacana Safari Lodge, nằm trên hồ Nyamusingire (hồ núi lửa lớn nhất ở Uganda) sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Du khách lãng mạn còn có thể nằm ngắm cảnh dưới mái tranh của khách sạn Mihingo bên bờ hồ vắng lặng của công viên quốc gia Mburo. Ngoài ra, du khách cũng có thể lưu trú ở các khu cắm trại với các khu bungalow hoặc các lều dã ngoại với chi phí thấp hơn.

– Di chuyển: Bạn có thể sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng khi đến Uganda từ xe buýt địa phương đến xe buýt chất lượng cao của các hãng xe có uy tín. Thủ đô Kampala cũng là địa điểm cho các hãng xe buýt quốc tế có những lộ trình đến với các thành phố hay thủ đô của các nước láng giềng. Điển hình có một số công ty cung cấp xe buýt các tuyến đường từ Kampala đến trực tiếp Nairobi, Kigali, Bujumbura, Goma, Juba hay Dar es Salaam. Những hãng xe cũng có thể cho khách xuống những thành phố khác nằm trên lộ trình. Một hành trình phổ biến giữa Kampala và Nairobi kéo dài khoảng 12 giờ, bao gồm cả thời gian làm thủ tục ở biên giới Gaza.

– Ẩm thực: Bạn có thể thưởng thức món luwombo truyền thống. Đó là hỗn hợp thịt, rau và đôi khi có cả bơ đậu phộng được hấp trong lá chuối. Bạn có thể tìm kiếm món này dễ dàng trong các cửa hàng ở khắp đất nước Uganda.

– Mua sắm: Bạn có thể mua những mặt hàng thủ công địa phương để làm quà lưu niệm hay mang về tặng cho người thân bạn bè như thảm, giỏ đan bằng tay từ cỏ voi và lá cọ được bán dọc hai bên đường cũng như tại các chợ trời.

– Xem gì trước khi đi: Bạn nên xem bộ phim “The Last King of Scotland” phát hành năm 2006. Câu chuyện ghi lại quá trình đi lên và sụp đổ của chế độ độc tài Idi Amin. Đây bộ phim đầu tiên được quay hoàn toàn tại Uganda với những trường đoạn ghi lại hình ảnh thiên nhiên hoang dã và con người ở đất nước này. Với vai diễn Idi Amin, nam diễn viên người Mỹ Forest Whitaker đã giành giải Quả cầu vàng và Oscar năm 2007 cho hạng mục nam diễn viên xuất sắc.

Những điểm không thể bỏ qua khi đến Uganda

– Khu bảo tồn săn bắn thể thao Ajai ở miền bắc Uganda, nằm trên bờ phía đông của sông Nile Albert.

– Vườn quốc cấm Bwindi là nơi quan sát những con khỉ đột Gorilla to lớn, loài khỉ quý hiếm Colobus, tinh tinh và rất nhiều loài chim đặc chủng.

– Vườn quốc gia khỉ đột Mgahinga nằm tại hợp lưu của Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây cũng là nơi ngắm khỉ đột Gorilla và nhiều động vật hoang dã đặc trưng của châu Phi.

– Vườn quốc gia Thung lũng Kidepo nằm phía Đông Bắc của Uganda trên biên giới với Nam Sudan. Du khách có thể thư giản trong khu resort Apoka Lodge với các loài động vật hoang dã sống xung quanh như voi, ngựa vằn, trâu rừng, nai…

– Vườn quốc gia Murchison Falls nơi ngắm các loài linh trưởng, động vật hoang dã và các loài chim.

– Vườn quốc gia Queen Elizabeth nơi có các loài thực vật bản địa khu vực, linh dương và hà mã.

– Rừng quốc gia Kibale gần thị trấn Fort Portal là nơi xem tinh tinh và chim.

– Vườn quốc gia Rwenzori là một dãy núi ở phía tây Uganda giáp với Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi sở hữu đỉnh núi Stanley cao 5109m.

– Đảo Ssese nằm giữa hồ Victoria với nhiều loài thực vật quý hiếm bao phủ.

– Hồ Bunyonyi, một trong những hồ sâu nhất ở châu Phi.


Châu Âu


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam