Thay vì được bao phủ bởi cát như thường thấy thì một bãi biển nằm ở bang Western, phía đông bắc thành phố Denham, thuộc vịnh Shark của Tây Úc lại được phủ toàn bộ bởi vỏ sò.
Bãi biển Vỏ Sò trải dài hơn 110km, bao phủ bởi một lớp vỏ sò dày tới 10cm. Đây là vỏ của Fragum erugatum, một loại nhuyễn thể thuộc họ Cardiidae phân bố chủ yếu tại vùng biển ngoài khơi bang Western, Australia. Do ảnh hưởng bởi địa hình, nước biển ở đây có độ mặn khá cao và khí hậu thích hợp cho sự sống của loài sò trong khi các loài động vật khác không thể tồn tại bởi môi trường quá khắc nghiệt. Những con sò sinh sôi nảy nở nhiều đến mức không thể kiểm soát. Đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ chết đi. Chúng được nước biển tẩy rửa sạch sẽ, chỉ còn lại những chiếc vỏ và bị những con sóng đánh dạt vào bờ. Vỏ sò nhiều đến mức chúng kết dính với nhau tạo thành một loại đá vôi đặc biệt gọi là coquina, được khai thác làm vật liệu xây dựng. Cho đến năm 1991 khi vịnh này được trao tặng danh hiệu Di sản Thế giới UNESCO nhờ vào sự đa dạng các loài sinh vật biển độc đáo thì hoạt động lấy sò phục vụ sinh hoạt ở đây bị cấm. Ngày nay, vỏ sò vẫn được người Australia sử dụng trong chế biến thức ăn gia súc, gia cầm vì lượng canxi rất dồi dào, hoặc được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm bán cho du khách. Bãi biển Vỏ Sò cũng là điểm đến du lịch thu hút khách ở Úc. Nhiều người đến đây để ngắm vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển, trải nghiệm những bước chân lạo xạo trên “sa mạc” vỏ sò và ngắm đại dương xanh thẳm. Du khách được khuyến cáo nên cẩn thận nếu muốn dạo bước bằng chân trần trên bãi biển, vì những mảnh vỡ vỏ sò có thể làm đau chân.