Về làng Hoàng Trù thăm quê ngoại Bác


Làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là quê hương của thân mẫu Bác Hồ - cụ bà Hoàng Thị Loan, cũng chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc được ông bà ngoại của Bác nhận nuôi dưỡng, giáo dục thành tài. Cũng chính tại nơi này, cha mẹ bác nên duyên vợ chồng và sinh ra ba người con ưu tú, trong đó có một người con kiệt xuất nhất của dân tộc, đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Nơi địa linh nhân kiệt này chắc chắn sẽ để lại cảm giác khó quên trong lòng khách du lịch khi đến đây.

Như bao làng quê khác của Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, làng Chùa bình dị với cây đa, bến nước, những hàng dâm bụt cùng lũy tre xanh ngắt… - Ảnh: Đăng Định

Trong khu nhà tại làng Hoàng Trù, hàng râm bụt vẫn còn xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng như dẫn lối du khách vào tổ ấm đơn sơ của Bác lúc còn bé, là nơi Bác sống trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, trong từng lời ru dịu dàng của mẹ, là mái nhà ấm áp yêu thương.

Cổng vào Nhà ngoại Bác Hồ - Ảnh: VOV

Nhà ngoại Bác tấp nập khách tham quan - Ảnh: Đăng Định

 

Trên mảnh đất tại làng có hai ngôi nhà chính. Ngôi nhà lớn 5 gian là nhà của ông bà ngoại Bác, đó là nơi cha mẹ của Bác sinh sống cho đến khi hai người thành vợ chồng rồi ra ở riêng.

Ngôi nhà 5 gian của cụ Hoàng Đường - nơi nhà ngoại của Bác - Ảnh: vov

3 gian làm nơi dạy học và tiếp khách trong ngôi nhà 5 gian - Ảnh: helpingmedia

Ngôi nhà thứ 2, cách nhà ông bà ngoại Bác không xa ở phía tây chính là nhà của cha mẹ Bác. Ngôi nhà này do cụ Hoàng Đường cắt đất cho con rể cũng là học trò của mình, chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng là lý do tại sao Bác được sinh ra tại quê ngoại chứ không phải quê nội.

Ngôi nhà 3 gian và nhà bếp của gia đình Bác - Ảnh: sưu tầm

Cũng tại nơi đây vào một buổi sáng mùa hè ngày 19 tháng 5 năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại. Năm năm đầu tiên của tuổi ấu thơ, Bác đã sống trong sự yêu thương đùm bọc của ông bà ngoại và cha mẹ, là nơi ươm mầm cho nhân cách tốt đẹp và lý tưởng cao quý trong Người.

Hồ Chí Minh về lại làng Hoàng Trù và làng Sen sau nhiều năm xa cách. - Ảnh: Sưu tầm

Những vật dụng thân thương trong ngôi nhà của Bác - Ảnh: vov

Chiếc giường nhỏ đơn sơ bằng gỗ xoan, thang tre, liếp nứa, chiếu mộc. - Ảnh: VOV

 

Tại ngôi nhà nhỏ 3 gian mà gia đình Bác sống, vẫn còn đó cánh võng à ơi của mẹ Bác, chiếc khung cửi mà mẹ Bác vẫn ngồi dệt vải để chồng lo việc bút nghiên, cái tủ gỗ - món quà của ông bà ngoại tặng mẹ Bác khi về nhà chồng… Tất cả đều được giữ gìn nguyên sơ như thuở nào. Mỗi vật dụng là mỗi câu chuyện về tấm lòng cao thượng của người cha, tình yêu nhân ái của người mẹ, và là những bài học khiến người nghe phải bồi hồi xúc động mỗi khi được nhắc về.

Cây mít phía sau nhà Bác vẫn tốt tươi - Ảnh: Sưu tầm

Ngoài hai gian nhà chính, phía sau ngôi nhà của ông bà ngoại Bác là nhà thờ tổ của tộc Hoàng Xuân, được ông ngoại Bác dựng lên làm nơi thờ cúng tổ tiên của dòng họ bên ngoại của Bác. Nhà thờ tổ sau này được bà con tại làng xây dựng lại bằng tường gạch mái ngói trông vững chắc hơn.

Nhà thờ họ Hoàng Xuân - họ ngoại của Bác Hồ - Ảnh: vov

 

 

Đất trời xanh tươi của Hoàng Trù hôm nay - Ảnh: Sưu tầm

 

Đã một thế kỷ trôi qua nhưng nhà Bác tại làng Hoàng Trù vẫn bình yên giản dị như thế, vẫn làm người thăm nghẹn ngào mỗi khi chứng kiến những cảnh vật bình thường nhưng thân thương. Bởi vì nơi đây đã mang dáng vóc, hơi thở của Người, là cái nôi góp phần hình thành nên nhân cách và tư tưởng của Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Vậy trong chuyến du lịch Nghệ An mùa hè này, hãy ghé thăm làng Hoàng Trù bạn nhé!



Hà Nội - Miền Bắc


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam