Vén màn bí ẩn về Thác Máu tại Nam Cực


Thác Máu – bí ẩn trăm năm chưa có lời đáp ở Nam Cực gần đây đã được một nghiên cứu của các nhà khoa học đưa ra lời giải đáp.

Được nhà địa chất học người Anh Griffith Taylor (1880 – 1963) phát hiện vào năm 1911, thung lũng sông băng Taylor (mang tên ông) ở Đông Nam Cực trở thành một trong những vùng đất khắc nghiệt được giới thám hiểm và các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất.

Lý do là tại thung lũng sông băng Taylor này xuất hiện một dòng thác kỳ lạ, có màu đỏ như máu mà nhiều nhà khoa học gọi là “Thác Máu” (Blood Falls). Thác máu là một trong những đặc trưng kỳ thú nhất trên lục địa băng. Đổ xuống từ dải sông băng dài 54 km, sự tương phản giữa màu trắng xanh của băng và màu đỏ máu của nước tạo nên một khung cảnh ấn tượng, khiến ngọn thác trông như một con quái vật bị phong ấn trong băng. Thác này đổ vào hồ băng West Bonney.

Hơn 100 năm trôi qua, rất nhiều giải thích được đưa ra. Nhà địa chất Griffith Taylor cho rằng, màu đỏ của nước là do một loại tảo tạo ra. Về sau, các nhà khoa học thám hiểm lại đưa ra kết luận rằng, cách đây khoảng 1,5 triệu năm trước, có một hồ nước mặn chứa các chất sắt, hồ nước này bị băng bao phủ.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây của nhà khoa học Jessica Badgeley (thuộc trường Đại học Colorado) cùng nhà sông băng học Erin Pettit và cộng sự (thuộc trường Alaska Fairbanks) đã chứng minh được dưới thung lũng băng đó không chỉ tồn tại một hồ nước mà là cả một hệ thống nguồn nước muối chảy được 1 triệu năm. Nước muối này chứa chất sắt khi tiếp xúc với oxy trong khí quyển sẽ chuyển thành màu đỏ. Vào mùa hè, nhiệt độ ở Nam Cực ấm hơn, điều này khiến cho nước hồ có cơ hội trồi lên. Đó là lý do chúng ta thấy có “Thác máu” kỳ lạ chảy mãi cho đến tận ngày nay.

Điều kiện hình thành thác máu. Ảnh: Business Insider. Việt hóa: Zing

Để lần theo hướng chảy của nguồn nước, đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng thiết bị định vị bằng tiếng vang. Lý do khiến nước không bị đóng băng là hệ thống thủy lực vĩnh viễn, trong đó năng lượng nhiệt sản sinh từ quá trình đông đá nước khiến băng xung quanh tan ra.

Kết quả của nghiên cứu này giúp các nhà thiên văn học có cơ sở để đánh giá những điều kiện thích nghi sự sống ở những nơi khác trong Hệ Mặt trời và xa hơn, cũng như nghiên cứu khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh khác mà không cần khoan xuống băng.


Du lịch thế giới


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi
Vietnam