Những du khách đến Lào và yêu thích khám phá tìm hiểu những vùng hoang sơ không thể bỏ qua những chum đá cổ trên các cánh đồng tại thị trấn Phonsavan, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Họ sẽ tự hỏi: “Ai đã đặt chúng ở đó, với mục đích gì?”
Jarryd Salem, một nhà báo của BBC đã lái xe máy đi dọc theo con đường quanh co tại một thị trấn cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 400 km về phía tây bắc để tới cánh đồng Chum, tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
“Những ngọn núi dần lùi lại phía sau, mở ra trước mắt tôi hình ảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay. Một người đàn ông chăn trâu với làn da nắng sạm chỉ về phía trước, ngụ ý rằng tôi đã đi đúng hướng. Con đường dẫn tôi đến cánh đồng Chum, một trong những địa điểm vô cùng hấp dẫn, nhưng hầu như không có khách du lịch.
Rất nhiều du khách kết thúc hành trình sau khi dừng chân tại Vang Vieng – điểm đến lý tưởng cho những khách du lịch bụi yêu thích tiệc tùng. Nhưng đây không phải là mục đích chính của tôi khi đến đây, bởi tôi đang tìm kiếm lời giải đáp cho một bí ẩn trong suốt 2500 năm qua” – Jarryd Salem kể lại.
Còn khá xa lạ với hầu hết khách du lịch, hàng ngàn chum đá cổ tồn tại từ thời kỳ đồ sắt nằm rải rác trên phạm vi vài trăm kilômét vuông trên các ngọn núi bao quanh Phonsavan. Có những chum cao tới 3m, rộng 1m và nặng vài tấn. Xương người và nhiều đĩa đá cũng được tìm thấy trong khu vực này.
Những chum đá này được sử dụng làm gì và ai đã tạo nên chúng vẫn là một bí ẩn. Dựa trên kích thước của chum và những mảnh xương người xung quanh, một số nhà khảo cổ học nhận định đây có thể là khu vực mai táng của một nền văn minh cổ đại, trong quá trình di chuyển dọc theo tuyến đường giao thương giữa sông Mê Kông và Vịnh Bắc Bộ.
Có giả thuyết cho rằng những chiếc chum này được sử dụng làm bình đựng hài cốt. Các thi thể sẽ được đặt bên trong những chiếc chum cho đến khi bị phân hủy và được di dời đến nơi hỏa táng hoặc khu vực lưu trữ khác. Sau khi thi thể bị phân hủy hoàn toàn, nhưng gì còn sót lại sẽ được mang đặt trở lại chum.
Giả thuyết này càng được củng cố bởi tập tục an táng truyền thống của gia đình hoàng tộc ở các nước Đông Nam Á. Các gia đình hoàng gia Thái Lan thường tiến hành quá trình hỏa táng người chết trong vài tháng. Phần thi thể sẽ được di chuyển thường xuyên từ chum này sang chum khác. Họ tin rằng linh hồn người chết phải trải qua quá trình biến đổi từ từ như vậy để rời khỏi trái đất và nhập vào thế giới tâm linh.
Mặt khác, những người dân địa phương lại có nhiều giả thuyết thú vị hơn. Có người cho rằng những người khổng lồ đã dùng các chum đá này để ủ rượu gạo ăn mừng chiến thắng trước kẻ thù. Cũng có người lại kể rằng những chum đá này là nơi trữ rượu của một người khổng lồ sống trên núi Phonsavan. Nhưng sự thật là không một ai biết chắc chắn về bí ẩn cổ đại này.
Hầu hết các khu vực chứa những chiếc chum đá cổ đều bị hạn chế tiếp cận. Khách du lịch chỉ có thể đến thăm 7 trong tổng số 60 khu, trong đó khu 1 với khoảng 300 chum đá và một hang đá vôi tự nhiên là nơi tham quan phổ biến và dễ dàng nhất.
Dọc theo các cánh đồng là rất nhiều điểm màu đỏ và trắng được đánh dấu một cách cẩn thận. Trước đây, Phonsavan vốn là mục tiêu ném bom của không quân Mỹ trong chiến tranh. Hiện khu vực này vẫn còn sót lại khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ, khiến việc tìm hiểu và tham quan cánh đồng chum càng trở nên khó khăn. Khách du lịch đến đây cần rất cẩn thận và chỉ nên đứng gần những khu vực được đánh dấu an toàn.
Những thiệt hại và sự tàn phá của bom mìn có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, với những hố sâu trên mặt đất và rất nhiều vết đá nứt. Thời gian và chiến tranh đã khiến cơ hội khám phá bí ẩn nơi đây càng trở nên mong manh hơn.