8 điểm du lịch Miền Tây không thể bỏ qua vào buổi sáng

Du lịch Miền Tây nên đi đâu, làm gì để có những trải nghiệm thú vị nhất vào buổi sáng? Dưới đây là 8 gợi ý hữu ích từ Lonely Viet Nam.

Du lịch Miền Tây nên đi đâu, làm gì để có những trải nghiệm thú vị nhất vào buổi sáng? Dưới đây là 8 gợi ý hữu ích từ Lonely Viet Nam.

CHỢ NỔI CÁI RĂNG – THIÊN ĐƯỜNG ĐẸP QUÊN LỐI VỀ

Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều khoảng 30 phút đi bằng canô. Miền Tây Nam Bộ có nhiều chợ nổi, song đây là khu chợ nổi trên sông lớn và nổi tiếng nhất. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền, người mua cũng biết mà tới.

Top tips:

Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại xuồng dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Du khách thuê xuồng đi khám phá chợ nổi với giá từ 350.000VND/thuyền.

Must see: Đi thuyền kết hợp thăm quan chợ nổi với các vườn cây ăn trái hay các lò hủ tiếu.

Ẩm thực: Thưởng thức các món đặc sản địa phương ngay tại các xuồng dịch vụ trong chợ.

VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG – SÂN CHIM LỚN NHẤT NƠI MIỆT VƯỜN “CHÍN DÒNG SÔNG”

Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 60km, Vườn cò Bằng Lăng thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Nơi đây thu hút hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) từ các phương về cư ngụ. Chúng chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn… Tới đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu cảnh sinh hoạt thú vị của đàn cò đông đúc giữa vùng đồng quê thanh bình của đồng bằng sông Cửu Long.

Top tips:

Để thấy được nhịp sống sôi động của vườn cò, du khách nên đi vào tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hàng năm. Riêng loài cò ma là từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ 5-6 giờ sáng là lúc đàn cò cùng nhau tỏa đi kiếm ăn; khoảng 5 giờ chiều, đàn cò sẽ bay về sau một ngày dài vất vả. Đây đều là những thời điểm lý tưởng trong ngày để ghé thăm vườn cò, tận hưởng những giây phút cánh cò chao liệng tuyệt đẹp trong ánh bình minh sớm mai hay ráng chiều tà huyền ảo. Giá vé thăm quan: 10.000VND/người. Giờ mở cửa: 5h-19h hàng ngày.

Ẩm thực: Dọc theo QL91 đoạn qua quận Thốt Nốt có nhiều nhà hàng như: Phương Nam (phường Thuận An), Lộc Phát (phường Long Thạnh)…

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ – BỨC TRANH THIÊN NHIÊN XANH MƯỚT TUYỆT ĐẸP

Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Châu Đốc khoảng 20km và cách nội thành TP. Cần Thơ khoảng 130km. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Bên cạnh đó, rừng tràm còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư (đồng bào Khơ-me và Kinh) sống ven rừng với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật…

Top tips:

Để khám phá rừng tràm, du khách có thể thuê những chiếc xe đạp đôi thong dong thăm thú, sau đó tiếp tục di chuyển trên những ghe, xuồng nhỏ len lỏi giữa các con rạch. Màu xanh của tràm bao phủ không gian, cùng hàng chục loài chim hót véo von sẽ đưa du khách như lạc vào thế giới thần tiên.

Ẩm thực: Thưởng thức các món đặc sản: cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, cua đồng chấm mắm me, bông điên điển bóp giấm… tại các quán ăn ở khu vực cộng đồng dân cư ven rừng tràm.

VQG TRÀM CHIM – KHÁM PHÁ HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG CỦA VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

VQG Tràm Chim thuộc địa phận 7 xã của huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp. VQG có diện tích 7.588ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, trong đó có gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam, với nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới, điển hình phải kể tới sếu đầu đỏ. Tới thăm VQG Tràm Chim, du khách sẽ được tham quan theo tuyến đường thủy trên những chiếc tác ráng, đi xuyên qua những cánh rừng tràm và đồng cỏ mênh mông, tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp và sinh hoạt thú vị của các loài chim.

Top tips: Từ nội thành TP. Cần Thơ theo QL1A rồi rẽ trái, men theo QL30 để tới VQG Tràm Chim. Quãng đường di chuyển khoảng 120km.

Must see: Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể ghé các điểm thăm quan thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là: Khu di tích Xẻo Quýt (ấp 4, Mỹ Hiệp) và KDL Gáo Giồng (ấp 6, xã Gáo Giồng).

Ẩm thực: Thưởng thức các món ăn dân dã mang hương vị đồng quê tại khu dịch vụ ẩm thực trong VQG.

KDL SINH THÁI LÀNG NỔI TÂN LẬP – THẢ MÌNH GIỮA THIÊN NHIÊN KỲ THÚ

Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là một vùng đất ngập nước với sinh cảnh rừng tràm, sen – súng, lục bình, lúa ma điển hình của khu vực và là nơi cư trú của nhiều loại động vật (chim, cò, cá…). Len lỏi chạy xuyên qua làng nổi Tân Lập là rạch Rừng. Trước làng là dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa. Tới đây, du khách có thể tản bộ trên con đường xuyên rừng tràm, đi thuyền xuôi theo rạch Rừng, bao quát toàn cảnh rừng tràm mênh mông từ tháp quan sát, khám phá bản sắc văn hóa của cư dân địa phương qua các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật đờn ca tài tử, các lễ hội đặc sắc…

Top tips:

Từ nội thành TP. Cần Thơ, du khách đi theo hướng QL1A, qua cầu Cần Thơ rồi đi thẳng. Quãng đường sẽ đi qua TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), vào địa phận tỉnh Long An, tiếp tục theo QL62 để tới làng nổi Tân Lập. Quãng đường khoảng 120km. Giá vé: 55.000VND/người.

Ẩm thực: Mang theo đồ ăn tới KDL hoặc thưởng thức các món đặc sản trong khu dịch vụ ẩm thực của làng nổi Tân Lập.

CHÙA VĨNH TRÀNG – KIẾN TRÚC GIAO THOA Á – ÂU ĐỘC ĐÁO

Chùa Vĩnh Tràng nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chùa cũng đã được được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1984. Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự như các chùa Hoa nhưng chùa Vĩnh Tràng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Top tips: Từ nội thành TP. Cần Thơ, du khách men theo QL1A đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long, tới địa phận tỉnh Tiền Giang, đi tiếp tới TP. Mỹ Tho trực thuộc tỉnh. Quãng đường khoảng hơn 100km.

Must see: Trên đường từ TP. Cần thơ tới chùa Vĩnh Tràng, du khách có thể kết hợp tham quan Trại rắn Đồng Tâm ở xã Bình Đức, TP. Mỹ Tho.

Ẩm thực: Ngay trên đường Nguyễn Trung Trực có nhiều quán ăn như: Bồ Đề quán, Quán cơm Sỹ Già, Quán ăn Tạ Hiền…

CÁC NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG Ở SÓC TRĂNG –  LƯU GIỮ CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Tỉnh Sóc Trăng là vùng đất có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa (dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ gần 29% ). Vì thế không có gì lạ khi đặt chân đến Sóc Trăng, hầu như huyện, xã nào cũng có sự hiện diện những ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, tạo nên quần thể kiến trúc đẹp mắt, linh thiêng và tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của vùng đất Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Top tips:

Từ nội thành TP. Cần Thơ đi theo hướng QL1A đến địa phận tỉnh Hậu Giang, đi qua thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) là đến địa phận tỉnh Sóc Trăng. Quãng đường khoảng 60km. Tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều ngôi chùa song 4 ngôi chùa nổi tiếng nhất không thể bỏ qua là: chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Kh’leng (đều thuộc TP. Sóc Trăng) và chùa Chén Kiểu (thuộc huyện Mỹ Xuyên, cách trung tâm TP. Sóc Trăng 10km).

Ẩm thực: Thưởng thức các món ẩm thực Sóc Trăng nổi tiếng như: bún nước lèo, bún gỏi dà, bánh coóng, cháo cá lóc, bánh xèo, bò nướng, nem nướng, hủ tiếu… tại các quán ăn trong thành phố.

NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU – NGÔI NHÀ BỀ THẾ NHẤT NAM KỲ LỤC TỈNH ĐẦU THẾ KỶ 20

Khu nhà công tử Bạc Liêu (còn có tên gọi là nhà Lớn) được xây dựng năm 1919. Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy, bề thế. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy – công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.

Top tips:

Khu nhà nằm gần bờ sông Bạc Liêu, số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Từ nội thành thành phố Cần Thơ, theo hướng QL1A qua cầu Cần Thơ rồi đi thẳng, qua thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), qua TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), sau khi qua hết địa phận tỉnh Sóc Trăng là đến địa phận tỉnh Bạc Liêu. Quãng đường khoảng hơn 100km.

Must see: Du khách có thể kết hợp thăm các địa danh nổi tiếng của TP. Bạc Liêu như: chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Khmer đặc trưng, cánh đồng quạt gió Bạc Liêu, biển Bạc Liêu, cánh đồng muối Bạc Liêu…

Ẩm thực: Thưởng thức các món ăn đặc sản Bạc Liêu như: lẩu mắm, bánh tằm Ngan Dừa, bún bò cay, bánh xèo, xà pấu, bồn bồn, các loại hải sản…



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social