8 dòng sông linh thiêng của người Việt

Sông Hồng còn gọi là sông Cái, là con sông Mẹ của dân tộc Việt. Sông có chiều dài 1149 km, trong đó đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510km, uốn khúc bồi đắp phù sa cho 9 tỉnh, thành phố lớn.

Việt Nam có đến 2360 dòng sông lớn nhỏ với chiều dài lên đến 42.000km, ôm ấp và nuôi dưỡng cuộc sống người dân Việt cả ngàn đời.

Sông Cửu Long (Cửu Long Giang)

Sông Cửu Long là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam. Bắt đầu từ Trung Quốc, đến Phnom Penh, đại trường giang Mê Kông chia thành hai nhánh: Bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là sông Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, mỗi sông dài chừng 220 – 250km, rồi theo chín cửa đổ ra biển Đông.

Khu vực đặc biệt nhất của con sông Mê Kông chính tại vùng hạ nguồn nơi hàng nghìn năm con sông cần mẫn bồi đắp phù sa để tạo ra vùng châu thổ trù phú bậc nhất Đông Nam Á, đó chính là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất màu mỡ này không chỉ là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của đất nước mà còn là nơi ghi dấu, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, hòa trộn, giao thoa giữa hàng chục tộc người di cư, mở đất và cư trú tại nơi đây.

Sông Hồng (Hồng Hà, Sông Cái)

Sông Hồng còn gọi là sông Cái, là con sông Mẹ của dân tộc Việt. Sông có chiều dài 1149 km, trong đó đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510km, uốn khúc bồi đắp phù sa cho 9 tỉnh, thành phố lớn. Sông bắt nguồn từ dãy Nhị Sơn, Trung quốc, chạy dọc theo biên giới Việt – Trung 80km thì bắt đầu chia nhánh về Việt Nam. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam nằm ở xã A Mú Sung (huyện Bát Sát), chảy về xuôi, qua phía đông thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt là vùng duyên hải ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Chính nhờ thế “rồng cuốn hổ ngồi”, hướng “nhìn sông dựa núi”, “địa thế rộng và bằng, đất đai cao mà thoáng” của vùng châu thổ sông Hồng mà vua Lý Công Uẩn đi đến quyết định xây dựng nơi đây thành “Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Để từ đó về sau, Hà Nội đóng vai trò là Thủ đô cả nước, còn sông Hồng trở thành con sông huyền thoại, sông mẹ của dân tộc Việt Nam.

Sông Đà (Sông Bờ hay Đà Giang)

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, dài hơn 900km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc rồi chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Người dân tộc Thái gọi đây là sông Nậm Tè, có nghĩa là dòng lũ lớn. Có tên gọi như vậy vì có những đoạn sông Đà khép mình tách biệt giữa những vách đá cao dựng đứng, mặt sông chuyển màu xanh sậm của rừng và từng cơn gió thổi xuyên qua khe núi, thốc xuống mặt nước khiến nước bắn lên dữ tợn tạo như trong tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân: “Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”.

Sông Bạch Đằng (Bạch Đằng Giang)

Sông Bạch Đằng hiệu là sông Vân Cừ, nằm trong hệ thống sông Thái Bình, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Sông gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc ta trước quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh. Trải qua ngàn đời, dòng sông vẫn rì rầm kể câu chuyện ba trận thủy chiến Bạch Đằng, nơi các anh hùng đất Việt chôn vùi mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc. Đó là trận của tướng quân Ngô Quyền năm 938, của tướng Lê Đại Hành năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo năm 1288 chống lại quân Nguyên Mông, khẳng định sức mạnh không thể lay chuyển của quân dân Đại Việt.

Sông Gianh

Sông Gianh là con sông lớn nhất chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh. Con sông này là biểu tượng lịch sử của một thời xung đột giữa hai miền đất nước suốt nửa thế kỷ (1627-1672) giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, để rồi sau đó phân ra Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570 – 1786), là nơi chứng kiến các cuộc chiến tàn khốc, và là ranh giới huynh đệ tương tàn suốt hơn 200 năm.

Sông Bến Hải (Rào Thanh, Minh Lương)

Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc từ tây sang đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Sông có chiều dài chừng 100km, nơi rộng nhất khoảng 200m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Dòng sông này có tên gốc là Minh Lương do chảy qua làng Minh Lương. Nhưng đến triều vua Minh Mạng, cả làng và sông phải đổi tên để tránh tên húy của nhà vua. Dòng sông được biết đến nhiều nhất khi Hiệp định Geneva năm 1954 đã lấy ranh giới là Vĩ tuyến 17 nơi con sông Bến Hải chảy qua làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc. Cuộc phân ly tưởng như chỉ kéo dài đến khi tổng tuyển cử thống nhất nhưng trên thực tế đã kéo dài đến 21 năm. Dòng sông đã oằn mình chứng kiến hàng bao tang tóc, đau thương, nước mắt và máu của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của dân tộc.

Sông Hương (Hương Giang)

Sông Hương núi Ngự là những danh thắng của đất cố đô. Đây là con sông chảy qua thành phố Huế và các địa danh như Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang thuộc Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam. Sông Hương đẹp nhất nếu ta có dịp chiêm ngưỡng nó từ nguồn, khi nó chảy quanh co giữa các khe núi, qua các cánh rừng nhiệt đới. Dòng Hương giang chầm chậm uốn qua những vùng đất nổi tiếng đã đi vào văn thơ như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba… Ai đã một lần đi thuyền xuôi dòng sông Hương để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống chắc hẳn sẽ khó lòng quên được vùng đất dịu dàng, bình dị này.

Sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và chảy qua địa phận giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, qua Thành phố Hồ Chí Minh rồi gặp sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè, hợp lưu lại thành sông Nhà Bè. Sông Sài Gòn có chiều dài 256km, trong đó đoạn chảy dọc địa phận thành phố dài khoảng 80km. Xưa kia khi giao thông còn chưa phát triển, dân ở các nơi muốn về Gia Định làm ăn thường phải men theo đường biển vào cửa Cần Giờ, đến ngã ba sông Nhà Bè rồi rẽ phải sang sông Sài Gòn mới đến được Gia Định. Đất Sài Gòn tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng luôn đông đúc, nhộn nhịp và sầm uất. Con sông nơi đây từ xưa tới nay luôn là đầu nối của sự phát triển kinh tế – văn hóa giữa các vùng miền với thành phố Sài Gòn – Gia định. Với triều Nguyễn, sông Sài Gòn chính là một điểm quan trọng, ghi dấu ấn của công cuộc mở cõi trời Nam, dẫn tới sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social