Bản Romance đêm phố hội

Khi chiều buông, và khi bóng tối dần lan tỏa; cũng là khi Hội An lung linh trong một âm hưởng rất khác. Đêm ở phố cổ Hội An thật đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với những ai đã từng đặt chân tới mảnh đất di sản này. Đêm phố Hội, trữ tình và lãng mạn như một bản romance, mà ở trong đó có những giai điệu, âm thanh, lời ca của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, con người và cuộc sống…

Khi chiều buông, và khi bóng tối dần lan tỏa; cũng là khi Hội An lung linh trong một âm hưởng rất khác. Đêm ở phố cổ Hội An thật đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với những ai đã từng đặt chân tới mảnh đất di sản này. Đêm phố Hội, trữ tình và lãng mạn như một bản romance, mà ở trong đó có những giai điệu, âm thanh, lời ca của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, con người và cuộc sống…

Khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới, nhưng Hội An khác nhiều với những di sản vật thể khác trên đất nước. Nhiều di sản vật thể là di tích, thậm chí là phế tích; được “đóng khung” để đánh dấu một thời điểm hay chặng đường lịch sử; nhưng Hội An là một thực thể sống theo đúng nghĩa. Ở đó, tất cả là một cuộc sống, một sự hòa hợp, một dòng chảy không ngừng, cùng xã hội, cùng thời đại; không phải là cuộc trình diễn, mô phỏng hay tái hiện. Hội An là một bảo tàng sống, chứa đựng cả những giá trị tinh thần, cốt cách văn hóa lớn lao cùng những di sản vật thể. Đó chính là giá trị lớn nhất mà Hội An có được. Và giá trị ấy được tạo lập, gìn giữ bởi chính con người Hội An.

Dường như, đêm ở phố cổ Hội An cho người ta cảm nhận rõ hơn về điều đó. Đêm phố Hội, vừa có sự mới mẻ, tươi vui, rộn ràng của cuộc sống hiện đại, của một trung tâm du lịch; lại vừa bình yên, lặng lẽ, thậm chí u hoài. Đêm gợi nên những hình ảnh khác; có những thứ ban ngày chìm khuất nhưng đêm lại tỏa sáng, và có những thứ ban ngày nổi bật lại mờ đi trong đêm. Đêm, những góc phố, những ngôi nhà lung linh ẩn hiện và quyến rũ hơn…

Nếu có thể ví đêm Hội An giống thể loại gì trong âm nhạc, tôi cho rằng đó là romance. Romance là một thể loại âm nhạc lãng mạn, nhưng không u sầu, thất vọng. Romance là thanh nhạc – dễ hiểu vì có lời, không phải khí nhạc; nhưng romance cũng không phải ca khúc đại chúng thông thường. Romance có sự hàn lâm, chuẩn mực, tinh tế, trau chuốt của âm nhạc bác học; và cũng có cả sự giản dị, gần gũi đời thường. Romance là sự gắn kết không tách rời của giai điệu cho giọng ca và phần đệm piano, là sự hòa quyện giữa giai điệu và ca từ. Bản thân ca từ của romance cũng hoàn chỉnh như một tác phẩm thi ca. Ở tác phẩm romance, phần bè đệm là một thành phần quan trọng, bình đẳng trong hòa tấu chứ không đơn thuần là phụ họa cho giọng ca. Một bản romance hoàn chỉnh cũng có nghĩa là không thể viết khác phần đệm của piano, cũng không thể thay đổi ca từ có nội dung, ý nghĩa khác. Điều đó cũng giống như sự giao hòa của lịch sử, văn hóa, kiến trúc, con người, cuộc sống… trong bản nhạc đêm phố Hội, mà không thể bỏ bớt hay đặt riêng rẽ một thành phần nào cả; bởi nếu làm điều đó, sẽ không còn là phố Hội.

Phố Hội nhỏ bé và có lẽ chỉ đẹp khi nhỏ bé như vậy, cũng như romance chỉ được trình tấu hay được nghe trong thính phòng nhỏ, ít người, với sự tĩnh lặng. Romance tuôn chảy theo dòng cảm xúc, không bị bó buộc bởi nhịp điệu và tiết tấu nhưng được “kiềm chế” không thăng hoa một cách tự do. Những buồn vui, những cung bậc cảm xúc của romance dịu dàng và sâu thẳm. Có nhạc sỹ đã nói rằng: Romance dễ nghe hơn so với các tác phẩm khí nhạc nhưng không dễ “vào tai” như ca khúc nhạc trẻ hoặc ca khúc quần chúng, nó đòi hỏi người nghe phải có trải nghiệm cuộc sống và tập trung hơn.

Với đêm phố Hội, dường như điều đó là đúng. Để nghe được những âm thanh của bản romance đêm phố Hội, ngoài những xúc cảm lãng mạn, trữ tình, sự nhạy cảm của tâm hồn; người ta còn cần cả một chiều sâu văn hóa được lắng đọng bởi thời gian!

Với tôi, đến với Hội An là trở về, tôi gọi là về phố. Tôi nhớ phố Hội như nhớ người yêu, mong chờ, khao khát, khắc khoải, rồi vui mừng, oà vỡ… khi gặp lại “nàng”. Mỗi khi về phố, tôi hạnh phúc nhất khi chìm đắm vào đêm cùng “nàng”. Hình như khi đó phố Hội đẹp hơn, ảo diệu lung linh hơn, dịu dàng hơn, đằm thắm hơn và huyền bí hơn. Tôi lang thang khắp các con phố dường như không biết chán. Phố nhỏ cứ đi vòng đi vòng lại mà mỗi lúc như mỗi khác. Có một sự chuyển động nào đó theo thời gian lẫn trong không gian. Những mái ngói sẫm nâu u tịch, những ô cửa hờ hững mời gọi, những bóng người chậm rãi… Tôi thích len vào những con ngõ nhỏ để cảm nhận rõ hơn sự tĩnh lặng bình yên ấy. Ngõ sâu hun hút in dấu thời gian, in bóng những ngôi nhà cổ, những tán cây thưa, loang loáng vệt uớt bên giếng của ai đó đi gánh nước khuya. Có thể bất chợt một lúc nào đó, ngẩng lên khoảng trời hẹp bất ngờ gặp ánh trăng khiêm nhường chơi vơi cùng phố…

Phố đêm như thể làm người ta gần nhau hơn. Ở đó là những khuôn mặt, những nụ cười hiền hoà thân thiện, những tiếng cười nói trìu mến yêu thương như gạt bỏ mọi nỗi niềm. Tôi nhớ mỗi góc phố với những hình ảnh quen thuộc, nhớ bà cụ già ngồi bán đồ gốm Thanh Hà trên đường Trần Phú, người phụ nữ bán chè trên đường Hoàng Văn Thụ, người đàn ông chơi đàn trước ngôi nhà cổ…, nhớ những khuôn mặt sạm đen và nụ cười thường trực của những người đạp xích lô… Mỗi nơi đi qua đều như muốn nán lại, muốn hoà cùng cuộc sống. Và vừa như dùng dằng lại vừa vội vã những bước chân.

Chùa Cầu rực rỡ như một viên ngọc quý, dòng sông Hoài lững lờ trôi trong lấp lánh ánh đèn. Những góc phố, những ngôi nhà, những ô cửa, những vòm cây, dòng sông và những bóng người đang rung lên trong cao trào cảm xúc của bản romance miên man và ấm nồng như hơi thở, như nụ hôn của tình yêu ngọt ngào. Và tất cả lắng dần, lắng dần, chậm dần, chậm dần… Khi những ô cửa tắt đèn, khi trên phố không còn bước chân, là phố chìm vào hư ảo, là yên tĩnh đến nao lòng. Đó là nốt lặng cuối cùng của bản nhạc, lặng lẽ ngân như một giấc mơ.


Thông tin thêm

Vị trí

Hội An là thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 30km về phía đông nam, cách thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ của Quảng Nam) 70km về phía tây bắc.

Phương tiện

Giao thông tới Hội An rất thuận tiện với đường sắt, đường bộ và đường không. Các chuyến xe du lịch open tour hầu như đều dừng lại ở Hội An. Có thể tới Đà Nẵng bằng đường hàng không hay đường sắt rồi đi xe bus hoặc taxi tới Hội An. Nếu đi đường sắt từ phía nam có thể dừng ở Tam Kỳ rồi đi xe bus hoặc taxi tới Hội An.

Thời điểm du lịch

+ Thời điểm du lịch Hội An tuyệt nhất là từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Mùa hè nhiệt độ tăng cao, khá oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược điểm là không gian ẩm ướt do mưa nhiều và nặng hạt.

+ Du khách nên đến Hội An vào ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố, một khung cảnh đặc trưng của Hội An vào dịp lễ. Đặc biệt hơn, bạn sẽ có cơ hội đi thuyền thả đèn hoa đăng trên sông Hoài.

Khách sạn

Khách sạn ở Hội An có rất nhiều từ bình dân đến cao cấp, tập trung gần khu phố cổ và phía biển Cửa Đại, cách khu phố cổ 5km. Biển Cửa Đại có bãi tắm rất đẹp.

Đi lại tại Hội An

Các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp rất nhiều và tiện lợi. Xích lô tập trung nhiều trong khu phố cổ.

Điểm tham quan

+ Hội An có rất nhiều điểm tham quan: Khu phố cổ ở phường Minh An với các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai. Ở đây có nhiều nhà cổ và các kiến trúc cổ khác như nhà thờ, hội quán. Bảo tàng Lịch sử văn hoá Hội An và Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch nằm trong khu phố cổ. Chùa Cầu là một điểm đến không thể bỏ qua. Chợ Hội An nằm kế bên khu phố cổ giáp với sông Hoài.

+ Bạn có thể thuê thuyền đi du ngoạn trên sông Hoài, sông Thu Bồn. Buổi tối phố cổ có nhiều hoạt động như thả hoa đăng trên sông Hoài, sân khấu bài chòi, xem biểu diễn ca nhạc dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian.

+ Ngoài ra còn nhiều điểm tham quan khác ở trong phạm vi thành phố như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Cẩm Thanh… Đi ra đảo Cù Lao Chàm từ bến tàu biển Cửa Đại là một tour rất thú vị. Xa hơn bạn có thể đi Thánh địa Mỹ Sơn – di sản thế giới, nằm ở huyện Duy Xuyên, cách Hội An 40km.

+ Sau 22h, các quán hàng ở phố cổ cũng đã đóng cửa, cài then. Nếu vẫn muốn khám phá đêm Hội An hơn nữa, hãy khoác thêm chiếc áo mỏng, ghé một thuyền gần cầu Cẩm Hội, gọi đồ uống, chìm đắm trong những câu hát bả trạo của chủ thuyền, hoặc ngẫu hứng guitar của một anh bạn ngoại quốc, không gian càng về đêm càng sâu lắng.

+ Phố Hội lúc sớm mai vắng vẻ và yên bình, chọn một vị trí bất kỳ ở một quán café ven sông, ngắm nhìn nhịp sống đời thường chào ngày mới của Hội An, bạn sẽ thấy nhiều hơn những gì người ta kể về phố cổ khi không tấp nập du khách, không tiếng mời chào mua hàng.

Ẩm thực

+ Hội An có nhiều đặc sản ẩm thực, ngay trong lòng phố cổ và các khu vực lân cận. Các món ăn nổi tiếng có thể kể tới là cơm gà, mì Quảng, cao lầu, hoành thánh, bánh bèo, bánh đập – hến xào, chè bắp…

+ Các đặc sản làm quà cũng rất nhiều, tiêu biểu nhất là đèn lồng. Đèn lồng bán nhiều ở phố Nguyễn Phúc Chu bên đảo An Hội, và trong các cửa hàng ở khu phố cổ. Quần áo, khăn cũng là những đồ lưu niệm phổ biến ở Hội An. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề, phường nghề sản xuất ở Hội An. Bánh đậu xanh, bánh in, bánh ít lá gai là những thứ quà quen thuộc ở Hội An.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social