Có 1 phố cổ giữa lòng cao nguyên đá

Nhắc đến phố cổ, người ta sẽ nghĩ ngay đến phố cổ Hội An hay Hà Nội 36 phố phường, nhưng ít ai biết rằng, ở giữa lòng cao nguyên đá Hà Giang còn có một phố cổ mang tên Đồng Văn đẹp và lãng mạn như thế!

Nhắc đến phố cổ, người ta sẽ nghĩ ngay đến phố cổ Hội An hay Hà Nội 36 phố phường, nhưng ít ai biết rằng, ở giữa lòng cao nguyên đá Hà Giang còn có một phố cổ mang tên Đồng Văn đẹp và lãng mạn như thế!

Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Trong đó khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá.

Khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá.

Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.

Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương.

Đến phố cổ Đồng Văn du khách như được trút hết mệt mỏi sau khi vượt những chặng đường dài… Từ trên cao nhìn xuống, bên hai dãy phố cổ chạy vào chân núi là ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương.

Chợ Đồng Văn nhìn từ trên cao.

Bức tranh về khu phố cổ được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày. Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng…

Phố cổ vào ngày chợ phiên.

Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng Cao nguyên đá. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán cà phê phố cổ lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên.

Theo lịch sử, vào khoảng những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc. Riêng chợ Đồng Văn, là khu chợ xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Chợ Đồng Văn không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng, mà hơn thế nữa, vào các phiên chợ, nơi đây như đang tổ chức lễ hội. Từ những thiếu nữ Mông đến đồng bào Pu Péo, Lô Lô,… xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống xuống chợ chơi, kết bạn, mua sắm và trao đổi hàng hóa.

Hàng quần áo, vải vóc luôn là điểm thu hút chị em khi tới chợ Đồng Văn.

Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 “Đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.

Là một trong số không nhiều những ngôi nhà cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính trong khu phố cổ Đồng Văn, “Cà phê Phố cổ” giống như một điểm sáng mời gọi, càng đúng hơn với chức năng quán xá mà nó đang giữ. Đây vốn là nhà của một địa chủ họ Lương người Tày, rất có thế lực ở vùng Đồng Văn khi xưa. Ngôi nhà ngót trăm năm này cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, và may mắn là vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Một góc không gian trong quán cà phê phố cổ Đồng Văn.

Về quy mô, ngôi nhà khá lớn so với các ngôi nhà khác cùng thời ở Đồng Văn, với mặt tiền rộng, nhiều lớp nhà và có sân trong. Kiến trúc công trình có nét giống với Dinh nhà Vương của “vua Mèo” Vương Chính Đức ở thung lũng Sà Phìn, chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc) với nhiều lớp nhà theo nguyên tắc ngoài thấp trong cao, có sân trong, bố cục khép kín và hướng nội.

Phố cổ Đồng Văn không quá lớn nhưng đủ rộng để chứa nhiều người và rộng hơn để chứa cả những tâm hồn thênh thang ở trên cao nguyên đá, những con người “sống trong đá, chết vùi trong đá” hay những con người phương xa đã trót cảm mến miền đất này!



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social