Cùng so sánh Tết Sài Gòn và Tết Hà Nội có những đặc điểm nổi bậc nào

Hà Nội và Sài Gòn, hai thành phố lớn nhất ở hai đầu đất nước, vốn rất khác biệt nhau ở văn hoá, lối sống, thói quen sinh hoạt. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua ngày Tết cổ truyền, khi Hà Nội chuộng hoa đào, Sài Gòn chuộng hoa mai, Hà Nội kiêng trứng.

1.HÀ NỘI BÁNH CHƯNG, SÀI GÒN BÁNH TÉT

Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ lâu đời, được xem là thứ không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đối với người Hà Nội, bánh chưng không chỉ là một món ăn, mà nó còn là biểu tượng của nét văn hoá, lưu giữ những kỉ niệm đầm ấm bên gia đình khi cùng nhau canh nồi bánh chưng ngày Tết.

Gói bánh chưng - Ảnh: wikipedia

Cùng nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ… nhưng bánh tét lại được gói khác hình dạng với bánh chưng. Bánh chưng hình vuông, còn bánh tét hình trụ dài, là món bánh được người miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn ưa chuộng. Nhưng người Sài Gòn không có thói quen tự nấu bánh tét ở nhà như người Hà Nội nấu bánh chưng mà họ thường đi mua ở các cửa hàng làm sẵn.

Bánh tét được người Sài Gòn ưa chuộng - Ảnh: sưu tầm

2. HÀ NỘI CHƠI HOA ĐÀO, SÀI GÒN CHƠI HOA MAI

Loài hoa đặc trưng cho ngày Tết của Hà Nội là hoa đào, trong khi của Sài Gòn là hoa mai. Cùng một họ cây nhưng màu sắc và cấu tạo cây, hoa khác nhau. Trong khi hoa đào khoe sắc hồng trên những cành cây khẳng khiu thì hoa mai lại tràn đầy sức sống với màu vàng rực rỡ. Ngay cả loài hoa đặc trưng này cũng nói lên một chút về con người: người Hà Nội duyên dáng, khéo léo còn người Sài Gòn năng động, trẻ trung.

Hoa đào tươi thắm - Ảnh: sưu tầm

Hoa mai rực rỡ - Ảnh: sưu tầm

3. HÀ NỘI LẠNH, SÀI GÒN NẮNG ẤM

Ở hai đầu đất nước nên Hà Nội và Sài Gòn đón Tết trong hai thời tiết khác hẳn. Cái Tết của Hà Nội thường gắn với những đợt rét kéo dài, người Hà Nội ra ngoài phải áo lạnh, khăn mũ ấm áp. Còn Sài Gòn thường nắng ấm, thời tiết có khi se lạnh hơn bình thường nhưng chỉ đủ làm cho cái Tết của người Sài Gòn có thêm chút mùi vị riêng.

Người Hà Nội mặc áo lạnh - Ảnh: Cao Anh Tuấn

Sài Gòn nắng ấm - Ảnh: sưu tầm

4. HÀ NỘI KIÊNG TRỨNG, SÀI GÒN KIÊNG CHUỐI

Quan niệm của mỗi vùng khác nhau nên cũng sẽ có những điều kiêng kỵ khác nhau. Trong dịp Tết, người Hà Nội kiêng ăn trứng vì cho rằng trứng có hình dạng giống số 0, ăn vào cả năm sẽ không gặp may mắn, cứ mãi ở số 0. Trong khi đó, món thịt kho với trứng lại là món ăn không thể thiếu trong nhà người Sài Gòn vào những ngày Tết.

Sài Gòn chuộng thịt kho trứng trong khi Hà Nội kiêng trứng trong những ngày Tết - Ảnh: Ngon Blog

Ngược lại, trong dịp Tết người Sài Gòn kiêng ăn chuối, cũng không dùng chuối để cúng kiếng vì họ cho rằng ăn chuối sẽ “chúi” cả năm, không phất lên được. Trong khi đó, chuối là loại trái cây được người Hà Nội ưa chuộng và cho vào mâm ngũ quả ngày Tết.

Mâm ngũ quả của người Hà Nội trong khi người Sài Gòn lại kiêng chuối - Ảnh: sưu tầm

5. XE ĐẠP CHỞ HOA CỦA HÀ NỘI VÀ CHỢ HOA Ở SÀI GÒN

Hình ảnh những chiếc xe đạp chở hoa trên khắp các phố phường Hà Nội là một hình ảnh đẹp và thi vị trong những ngày Tết. Các thúng hoa đủ màu sắc, tươi rói điểm tô thêm những màu sắc xinh tươi cho thủ đô, có người gọi đó là “chợ hoa di động”.

Xe đạp bán hoa ở Hà Nội - Ảnh: vnexpress

Ở Sài Gòn thì thời tiết nắng nóng, không mát lạnh như Hà Nội nên việc chở hoa đi bán dạo là điều bất khả thi vì hoa sẽ nhanh chóng bị héo, dập nát. Do đó, khi muốn mua hoa Tết, người Sài Gòn phải đến các chợ hoa như chợ hoa Hồ Thị Kỷ.

Gian hàng trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ - Ảnh: Vita

6. NGƯỜI HÀ NỘI ĐI CHÚC TẾT, NGƯỜI SÀI GÒN ĐI DU LỊCH

Đối với người Hà Nội, Tết là phải ở nhà sum họp cùng gia đình, rồi đi chúc Tết bà con họ hàng, bạn bè, hàng xóm… Đôi lời hỏi thăm nhau trong những ngày đầu năm, chúc nhau sức khoẻ, cả năm vạn sự như ý… là những món quà tinh thần không thể thiếu mà người Hà Nội gửi tặng nhau.

Người nhỏ mừng tuổi người lớn - Ảnh: tienphong

Người Sài Gòn không có thói quen đi thăm hỏi, chúc Tết như Hà Nội. Thường họ không ở lại thành phố mà về quê nội ngoại ở những vùng miền khác, nếu không thì họ sẽ đi du lịch. Những tour du lịch dài ngày trong dịp Tết phục vụ cho nhu cầu này của người Sài Gòn luôn đắt khách.

Khu du lịch Suối Tiên ở Sài Gòn tấp nập du khách những ngày Tết - Ảnh: Trungydan

7. BẠN BÈ ĐẾN NHÀ, HÀ NỘI MỜI TRÀ, SÀI GÒN MỜI BIA

Nếu có dịp đến thăm họ hàng, bạn bè ở Hà Nội và Sài Gòn vào dịp Tết bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Người Hà Nội sẽ mang trà nóng và khay bánh mứt, hạt dưa ra mời khách, ngồi hàn huyên tâm sự nói chuyện đầu năm. Trong khi người Sài Gòn sẽ không ngần ngại mang bia và mồi (đồ nhắm) ra đãi khách. Có tí men vào thì cuộc trò chuyện sẽ thoải mái, cởi mở hơn, giống như bản tính người Sài Gòn xưa nay vẫn vậy.

Ấm trà ngày Tết của người miền Bắc - Ảnh: Sưu tầm

Người Sài Gòn thích mời nhậu dịp Tết - Ảnh: sưu tầm

Là đại diện cho văn hoá hai miền Bắc - Nam, Tết Hà Nội và Tết Sài Gòn có những  điểm khác biệt thú vị, thậm chí là đối nghịch nhau. Tuy nhiên, dù ở đâu làm gì thì Tết ở cả hai nơi đều là khoảng thời gian đầm ấm, sum vầy bên gia đình tình thân.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social