Hành trình gian nan đến với bộ lạc du mục Tsaatan

Nếu ai hỏi tôi “Hành trình nào là đáng nhớ và đáng sợ nhất?”, chắc chắn tôi sẽ trả lời “Với tôi, đó là hành trình đến với bộ lạc du mục Tsaatan”.

Nếu ai hỏi tôi “Hành trình nào là đáng nhớ và đáng sợ nhất?”, chắc chắn tôi sẽ trả lời “Với tôi, đó là hành trình đến với bộ lạc du mục Tsaatan”.

Trút bỏ định kiến để lên đường

Tsaatan là bộ lạc chăn nuôi tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ. Từ hàng ngàn năm qua họ đã sống sâu trong những khu rừng Taiga thâm u ở cực Bắc xa xôi và tách biệt, với khí hậu khắc nghiệt. Nơi giáp ranh biên giới Nga và Mông Cổ. Qua hàng ngàn năm, những người Tsaatan vẫn mang trong mình lối sống du mục cổ đại hiếm hoi còn sót lại trên thế giới.

Đây chắc chắn là một địa điểm thú vị nhưng lại không hề được lọt vào danh sách “Những trải nghiệm nên có khi đến Mông Cổ” của Lonely Planet. Bởi nó là một trong những địa điểm được đánh giá là “vô cùng gian nan và có thể sẽ rất tốn kém”.

Nhưng có lẽ phải mang một “trái tim trần trụi” nhất lên đường thì bạn mới có thể thốt lên rằng “Đó là một gian nan hoàn toàn xứng đáng”. Cố gắng trút bỏ mọi định kiến, tôi quyết định lên đường tìm đến vùng đất hoang sơ đó để thoả mãn niềm đam mê cháy bỏng của mình.

Có thể bạn đã từng gặp những túp lều cổ, những con tuần lộc bên hồ Khovsgol (Khuvsgul Lake) ở Moroon, nhưng đó không phải là nơi Tsaatan sống. Các Tsaatan không và chưa từng có truyền thống sống gần hồ Khovsgol. Trong nhiều năm trở lại đây, có một số lượng rất nhỏ gia đình người Tsaatan đã chọn di chuyển đến hồ để khai thác nguồn thu từ du lịch. Nhưng thực tế khu vực hồ này không phải là nơi sống tốt cho tuần lộc. Thức ăn ít và khí hậu quá ấm với tuần lộc.

Trong khi đó những người Tsaatan chân chính vẫn quyết tâm ở lại rừng Taiga – nơi thời tiết khắc nghiệt, đổi lại tuần lộc của họ được nuôi dưỡng trong môi trường khoẻ mạnh. Và tôi – cũng quyết tâm rằng mình sẽ chỉ chọn khám phá bộ lạc tuần lộc ở chính nơi đó.

Gian nan hành trình đến với bộ lạc Tsaatan

Để đến được bộ lạc Tsaatan bạn phải trải qua một chuyến xe khách chật chội kéo dài 18 tiếng từ Thủ đô Ulaanbaatar đến Moroon cho chặng đường gần 700km, rồi từ Moroon bạn lại phải săn một chuyến xe đến Tsagaanuur dài 15 tiếng cho chặng đường 300km (vài ngày mới có một chuyến). Tôi chưa bao giờ đi một chuyến xe kinh khủng đến vậy. Đường cực kì xấu trong khi người và hàng hóa nhồi nhét đến mức muốn bật tung mọi thứ. Vì vậy, điều đầu tiên tôi khuyên bạn hãy chuẩn bị sức khoẻ thật tốt.

Sau khi đến Tsagaanuur, tôi nhờ người dẫn đường làm thủ tục xin đóng dấu lên giấy phép để đi vào khu vực biên giới của Nga – Mông Cổ. Giấy phép này phải được làm trước tại Moroon hoặc Ulaanbaatar . Nếu không có giấy phép này, bạn có thể sẽ mất một số tiền phạt lớn khi bị kiểm tra.

Xong xuôi vụ giấy phép rồi thì hãy sẵn sàng cho một hành trình gian nan tiếp theo. Đó là một chặng đường dài trên lưng ngựa, băng qua những khu rừng Taiga ngập bùn nước để đến được nơi bộ lạc Tsaatan sinh sống. Nếu không quen với việc ngồi ngựa đường dài bạn sẽ bị đau lưng, đau hông và chân.

Trải nghiệm cái lạnh và vẻ đẹp của rừng Taiga

Tôi tìm đến Tsaatan vào những ngày cuối tháng 9. Đây hẳn không phải khoảng thời gian lý tưởng để khám phá vùng đất này. Đó là một buổi sáng mưa tuyết và lạnh tê tái ở Tsagaanuur. Odaa – người dẫn ngựa khuyên tôi lùi lại một ngày xem thời tiết ngày hôm sau ra sao. “Ngoài kia, trời đang mưa và ở trên núi tuyết ngập đến đầu gối, rất lạnh. Rồi cô sẽ khóc vì lạnh cho coi” – Odaa làm ngôn ngữ cơ thể cảnh báo. Tôi quả quyết lắc đầu “Không! Tôi sẽ không khóc và tôi vẫn muốn lên đường ngay hôm nay”. Odaa nhún vai và đưa tôi đến làm quen với ngựa của mình. Tôi thấy mấy con ngựa đều đang run lên từng nhịp vì lạnh, trong lòng đấy lên sự thương cảm, tôi khẽ vuốt ve lên cổ một con ngựa để trấn an chúng.

Odaa giúp tôi trèo lên lưng một chú ngựa và chúng tôi bắt đầu hành trình từ Tsagaanuur đến bộ lạc Tsaatan. Trên lưng ngựa tôi như lạc vào một khung cảnh mơ hồ. Giữa màn sương mờ ảo, trước mắt tôi hiện lên khung cảnh như trong truyện cổ tích. Một người phụ nữ vận bộ đồ truyền thống của Mông Cổ màu xanh và choàng một chiếc khăn lụa màu đỏ mận. Người phụ nữ ấy đang đứng giữa một đàn cừu trong màn sương trắng xoá của những hạt mưa tuyết đang lất phất bay.

Ngựa của chúng tôi đi xuyên qua đàn cừu và dần khuất vào cánh rừng Taiga thâm u. Một khung cảnh ma mị chưa từng thấy khiến tôi liên tưởng đến vài cảnh trong bộ phim “Snow White and the Huntsman”. Khu rừng được bao phủ bởi làn sương mù mờ ảo, những tán thông vàng ruộm trên những cành thông nâu được phủ đầy tuyết trắng.

Ngôn từ đôi khi bất lực trước vẻ đẹp của tạo hoá. Nhưng cảnh có đẹp đến mấy thì tôi vẫn phải quay lại với hiện thực rằng ngựa và tôi đều đang rét run và kiệt sức. Địa hình của rừng Taiga được cảnh báo là “cực kỳ khó đi”. Đường bao phủ bởi lớp tuyết dày và xốp, bên dưới là lớp bùn hoặc đất cỏ ngập nước. Odaa nói với tôi rằng, đôi khi bùn có thể ngập sâu quá đầu gối, vì vậy đường đến bộ lạc Tsaatan chỉ phù hợp với việc di chuyển bằng ngựa. Giá thuê ngựa là 20.000MNT/con/ngày (200.000VND) và 40.000MNT cho guide (400.000VND).

Tôi còn nhớ như in hôm đó, trời đã tối mà chúng tôi vẫn chưa thể ra khỏi rừng. Odaa nói rằng trong rừng Taiga có chó sói. 21h30, quanh chúng tôi chỉ là một màn đêm lờ mờ màu trắng của tuyết. Tất cả khiến không gian xung quanh trở nên lạnh lẽo và đáng sợ đến khó tả.

Bỗng Odaa cho ngựa quay ngược hướng để tìm một chuồng ngựa bị bỏ hoang ngoài bìa rừng. Đêm đó chúng tôi đành phải dựng lều ngủ trên tuyết. Đó là một đêm lạnh lẽo đầy ám ảnh. Cái lạnh về đêm của rừng Taiga thật khiến người ta muốn chùn bước. Dù đã quá kiệt sức nhưng với cái lạnh đến tê dại tôi vẫn không sao ru giấc. “Chúc mừng mày sẽ bị đóng băng” – câu nói của một người bạn ngoại quốc cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi. Bất lực trước cái lạnh về đêm của Taiga, tôi bắt đầu cảm thấy cơ thể mình dần đóng băng. Và một lời khuyên nữa dành cho bạn, nếu không muốn trải nghiệm một đêm dựng lều ngủ trên tuyết như chúng tôi thì tốt nhất bạn nên xuất phát từ Tsagaanuur trước 10 giờ sáng.

Chạm đến vùng đất của người Tsaatan

Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục hành trình trong sự mệt nhọc vì lạnh, vì mất ngủ… nhưng tràn ngập sự quyết tâm chạm đến được nơi bộ lạc Tsaatan sinh sống. Vượt qua những cánh rừng ngập tuyết, chúng tôi đến Tsaatan vào buổi trưa. Sau khi ghé thăm một túp lều của người Tsaatan, uống trà và ăn bánh làm từ sữa tuần lộc, tiện thể chúng tôi hỏi thuê lều teepee để qua đêm cho vài ngày sắp tới. Giá chung cho lều teepee là 10.000MNT/người/ngày (100.000VND). Teepee là một loại lều cổ đặc trưng mà duy nhất chỉ có người Tsaatan còn dùng để sinh sống. Lều cho du khách thuê sẽ là lều trống, chỉ có bếp và củi để du khách có thể chống chọi với cái lạnh của rừng Taiga.

Những người Tsaatan còn được gọi với cái tên trìu mến là “Người tuần lộc”, vì mọi sinh hoạt của họ gắn liền với tuần lộc từ hàng ngàn năm nay. Họ hiếm khi ăn thịt tuần lộc bởi sữa tuần lộc là nguồn thực phẩm chính yếu hàng ngày để làm trà, bơ và các loại bánh khô giúp nuôi sống họ. Khi đến đây bạn sẽ nhận thấy một điều, ẩm thực của người Tsaatan cực kì đơn điệu. Và, lời khuyên thứ 3 dành cho bạn, hãy mang theo đồ ăn đủ dùng, bởi những người Tsaatan sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp và đồ ăn của họ thường không dư dả để bán hay cho.

Nếu muốn giúp đỡ những người Tsaatan bạn có thể mua quà lưu niệm do họ tự làm từ sừng tuần lộc. Bạn cũng có thể thuê tuần lộc cưỡi dạo chơi một vòng ngắm nhìn khung cảnh trên núi tuyết. Giá thuê tuần lộc là 5.000MNT/con/người (50.000VND). Bạn cần lưu ý lần đầu cưỡi tuần lộc sẽ rất dễ bị ngã bởi cơ thể tuần lộc không chắc chắn và giữ thăng bằng tốt như ngựa.

Là một bộ lạc du mục, cứ khoảng 5 – 10 tuần họ sẽ di chuyển từ vùng này qua vùng khác để tìm nguồn thức ăn mới cho tuần lộc. Vào mùa hè khi khí hậu ấm áp hơn, các gia đình trong bộ lạc sẽ tập trung sống gần nhau. Vào mùa đông khi nguồn thức ăn không còn phong phú, mỗi gia đình sẽ di cư theo tuần lộc và sống cách xa nhau 3 – 4 ngọn núi. Bởi vậy, lời khuyên thứ 4 dành cho bạn, nếu có ý định khám phá bộ lạc Tsaatan, tốt nhất bạn nên đến vào mùa hè để có thể gặp cả bộ lạc Tsaatan tại một địa điểm.

Và nếu như một buổi sáng đẹp trời nào đó khi tỉnh dậy, bạn bỗng thấy những chiếc lều quen thuộc biến mất, thì cũng đừng quá hốt hoảng như tôi. Đó hẳn cũng là một trong những kỷ niệm nhớ đời nhất của tôi trong ngày thứ tư của hành trình. Sáng sớm vừa ngủ dậy, tôi thấy mọi thứ trống hoác. Hỏi ra tôi mới biết họ đang dỡ lều để dời đàn tuần lộc đi nơi khác tìm kiếm nguồn thức ăn mới. Nếu gặp phải trường hợp này, tốt nhất là bạn hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc về cho guide của bạn qua điện thoại. Đề nghị guide thu xếp đến đón bạn về ngay trong ngày. Cứ yên tâm vì người Tsaatan dùng một loại điện thoại cùng mạng, khi họ treo lên cao vẫn có thể bắt được sóng để liên lạc với thế giới bên ngoài.

Ngoài trải nghiệm đó ra thì ba đêm mất ngủ vì lạnh là nỗi ám ảnh khiến giờ đây nghĩ lại vẫn khiến tôi rùng mình. Vì thế, đêm cuối cùng ở Taiga, tôi quyết định ôm chăn gối qua lều của một gia đình Tsaatan xin ngủ cùng. Đêm đó tôi được ngủ trong một không gian vô cùng ấm áp và được chứng kiến toàn bộ cảnh sinh hoạt về đêm của gia đình Tsaatan. Cùng họ ngồi bên bếp lửa và cắn hạt thông, nghe họ hát hò và nói chuyện. Đó thật sự là một trong những ký ức đẹp nhất mà tôi từng trải qua. Có lẽ nếu không có những đêm lạnh lẽo kia thì tôi đã không có được buổi tối ấm áp và ngọt ngào như thế.

Chuyến du lịch đến với bộ lạc Tsaatan chắc chắn không dành cho những người thích an nhàn. Nhưng nó thật sự phù hợp với nhưng ai yêu trải nghiệm, khám phá và đam mê những vùng đất hoang sơ với nền văn hoá của những con người còn mang lối sống cổ đại – những con người cổ đại cuối cùng trên trái đất.


W.TIPS

Thủ tục giấy tờ xin visa đi Mông Cổ

– Xin visa Mông Cổ không khó, nhưng bạn cần liên hệ được người có thể gửi giấy mời cho bạn từ phía Mông Cổ. Thường là đặt làm theo dịch vụ: 30 – 50USD/thư mời. Người gửi giấy mời sẽ gửi trực tiếp đến Đại sứ quán Mông Cổ ở Việt Nam qua email. Sau vài ngày bạn sẽ nhận được mã code của thư mời.

– Tiếp theo bạn chuẩn bị 1 ảnh thẻ 3×4, hộ chiếu, mã code và 25USD (nếu bạn làm visa ở ĐSQ Mông Cổ tại Hà Nội), 40USD (nếu bạn làm visa ở ĐSQ Mông Cổ tại TP.HCM). Nhưng lưu ý là không phải mang trực tiếp tiền đến ĐSQ nộp. Mà bạn sẽ nộp tiền vào tài khoản của ĐSQ ở ngân hàng Vietcombank, sau đó mang kèm theo hoá đơn nộp tiền đến để làm visa.

– Đến ĐSQ rồi bạn sẽ được phát một tờ khai. Điền thông tin, nộp đầy đủ giấy tờ xong thì đợi 1 tuần sau bạn sẽ được cấp thị thực và bắt đầu hành trình.

Cách di chuyển từ Việt Nam

– Chi phí cho vé máy bay từ Việt Nam đến Mông Cổ khá đắt. Vé máy bay giá rẻ cũng dao động trong khoảng 16 – 22 triệu khứ hồi và thường phải transit ngắn qua Hồng Kông, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Thông thường thì transit Hồng Kông là rẻ nhất. Có một số hãng máy bay để bạn lựa chọn như Mongolia Airline, Hongkong Airline, China Airline, Korea Airline.

Tôi chọn cho mình huyện bay từ Mongolia Airline nối chuyến với Hongkong Airline, transit tại Hồng Kông vì đó là chuyến rẻ nhất tại thời điểm tôi đi, giá vẻ chỉ 8,5 triệu/chiều. Tôi có 20kg hành lý ký gửi và 7kg hành lý xách tay. Chuyến bay bao gồm một bữa ăn miễn phí.

Chuẩn bị những vật dụng cơ bản

Bạn phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ thông tin đến những đồ cần mang theo như: túi ngủ, lều, ủng chống nước, quần áo chống nước, chiếu cách nhiệt, miếng dán giữ nhiệt, bình xịt hơi cay, đồ ăn, nước uống đủ trong 1 tuần ở đó.

Ngoài ra thì bạn nên tìm một địa chỉ uy tín cho thuê ngựa và guide dẫn đường. Guide phải là một người địa phương giàu kinh nghiệm và có thể dẫn dắt bạn đến nơi an toàn. Ở nơi đó sẽ rất khó để liên lạc cầu cứu khi có sự cố. Vì thế tự bản thân mình phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ chứ không thể lên đường tuỳ hứng, đến đâu tính hay đến đó.

Một số điều cần lưu ý khi tiếp xúc với người Tsaatan

– Trước khi chụp hình bạn cần giới thiệu và xin phép, nếu không được sự đồng ý thì nên vui vẻ chấp nhận.

– Khi bước vào lều của người Tsaatan bạn nên đi vào từ hướng bên trái so với cửa lều.

– Không nên từ chối thức ăn và trà khi được mời.

– Không bước qua đồ ăn hoặc đồ vật của người Tsaatan.

– Khi ngồi bạn phải giấu lòng bàn chân đi, không để lòng bàn chân hướng vào người khác.

– Không đưa đồ bằng tay trái.

– Khi chỉ về ai đó hoặc thứ gì đó phải ngửa lòng bàn tay lên.

– Đặc biệt không được rửa chén bát hoặc giặt quần áo ở nguồn nước gần nơi người Tsaatan sống.

– Nếu có điều kiện bạn nên thuê một phiên dịch viên, người Tsaatan cho rằng khách du lịch đi cùng phiên dịch viên là coi trọng việc giao tiếp với họ. Và họ đánh giá cao điều đó. Việc thuê phiên dịch viên cũng sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong giao tiếp.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social