Khám phá ngôi nhà cổ kính có một không hai giữa lòng Sài Gòn đô hội

Sài Gòn ngày nay hào nhoáng với những tòa nhà cao tầng chọc trời, những trung tâm thương mại sầm uất, lung linh trong ánh đèn điện không bao giờ tắt. Nhưng giữa lòng thành phố vẫn còn tồn tại một ngôi nhà cổ kính dường như vô hình với cái ồn ào, náo nhiệt

GIỚI THIỆU NGÔI NHÀ CỔ XƯA NHẤT NẰM TRONG LÒNG SÀI GÒN ĐÔ HỘI

Ngôi nhà được đánh giá là cổ xưa nhất của Sài Gòn có tên gọi là dinh Tân Xá, thuộc khuôn viên Tòa Giám Mục, tọa lạc tại con đường Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3.

Toàn cảnh ngôi nhà cổ kính nhất Sài Gòn - Ảnh: Internet

Về lịch sử, điều làm nên giá trị lịch sử vô cùng to lớn của ngôi nhà cổ kính này là về nguồn gốc và mục đích xây dựng nên nó. Giám mục Bá Đa Lộc hay còn gọi là Cha Cả lúc bấy giờ là một người thân cận bên Nguyễn Ánh và được Nguyễn Ánh giao cho việc dạy dỗ hoàng tử Cảnh. Dinh Tân Xá nằm trong khuôn viên Tòa Giám Mục được Nguyễn Ánh xây dựng trước khi lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long với mục đích làm nơi nghỉ ngơi cho Bá Đa Lộc sau khi dạy dỗ hoàng tử và cũng là nơi gần dinh của Nguyễn Ánh để tiện bàn công việc và các chiến lược quân sự sau này.

Cận cảnh dinh Tân Xá nằm trong Tòa Giám Mục - Ảnh: phunukieuviet.vn

Khi mới xây dựng xong, dinh Tân Xá là một ngôi nhà tre vách đất, mái được lợp bằng tranh. Nhưng sau này, Bá Đa Lộc được Nguyễn Ánh ngày càng tín nhiệm, là cánh tay phải của mình nên Nguyễn Ánh đã cho xây dựng và tu sửa lại dinh Tân Xá được lợp bằng ngói đỏ, bên trong được làm bằng gỗ.

Các chi tiết của ngôi nhà cổ này đều được làm bằng gỗ - Ảnh: bptp.vn

Sau này, khi Bá Đa Lộc chết ở Cầu Thị Nại thì dinh Tân Xá lại được dùng làm chỗ ở cho linh mục Liot. Sau ngày linh mục Liot mất đi vào nửa sau thế kỷ XIX, nơi này được đóng cửa khoảng nửa thế kỷ và để trống cho đến bây giờ. Hiện nay, công trình này vẫn nằm ở rạch Thị Nghè, và khi Thảo Cầm Viên khởi công xây dựng thì ngôi nhà lại nằm trong khuôn viên quy hoạch của Thảo Cầm Viên nên đã được dời đến nơi ở của các linh mục thừa sai ở trước Dinh Độc Lập. Hiện ngôi nhà vẫn mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí.

KIẾN TRÚC NGÔI NHÀ CỔ KÍNH CÓ MỘT KHÔNG HAI NÀY

Ngôi nhà cổ kính này được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, là ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hồ Chí Minh. Ban đầu nhà được làm bằng vách tre và lợp tranh. Sau đó, được tu tạo và xây dựng lại thành một ngôi nhà bằng gỗ theo cấu trúc hình hộp vuông, với viện tích khoảng 136 m2 gồm có 3 gian, gian giữa rộng nhất là gian thờ phụng Thiên Chúa, 2 chái, 36 cây cột chia làm 6 hàng. Các cánh của ngôi nhà đều được chạ trổ cầu kỳ, các hoa lá tự nhiên làm cho kiến trúc ngôi nhà thêm phần sống động và gần gũi với thiên nhiên.

Mái được lợp ngói đông dương với các họa tiết tinh xảo - Ảnh: Internet

Phần mái nhà được lợp bằng ngói âm dương là một vật liệu cao quý và hiếm hoi lúc bấy giờ đủ thấy được sự tín nhiệm của Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc nhiều đến thế nào. Phía ngoài của mái ngói được tráng men xanh, đỉnh mái được chạm trổ tấm phù điêu với hình ảnh 2 con rồng lớn đang đồi đầu nhìn vào một chiếc thánh giá. Kiến trúc này có sự giao thoa và pha trộn giữa văn hóa phương Tây và phương Đông rõ rệt.

Bức phù điêu với 2 con rồng châu đầu vào thánh giá - Ảnh: Motjthegioi.vn

Mặc dầu ban đầu, ngôi nhà được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho một giám mục theo văn hóa phương Tây nhưng kiến trúc của ngôi nhà vẫn mang nhiều nét thuần Việt. Tất cả các chi tiết của ngôi nhà đều được làm bằng gỗ, một nét truyền thống trong kiến trúc xây dựng của người Việt. Sàn nhà của ngôi nhà cổ kính này được thiết kế mang đậm kiến trúc của phương Đông với hình chữ “Nhất”, hướng của ngôi nhà cũng được quay theo hướng Nam là hướng phổ biến của người Việt Nam khi dựng nhà cửa nhằm thể hiện mong muốn có một cuộc sống bình yên, thuận lợi.

Hình ảnh linh mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh con của Nguyễn Ánh - Ảnh: Sưu tầm

Ý NGHĨA CÁC CHI TIẾT TRONG KIẾN TRÚC NGÔI NHÀ CỔ

Trong kiến trúc của ngôi nhà cổ xưa nhất Sài Gòn này có một chi tiết rất độc đáo, ý nghĩa của chi tiết này tốn nhiều giấy mực của các nhà sử học và gây tranh cãi một thời gian dài đó là bức phù điêu trên mái nhà của dinh Tân Xá.

Một số ý kiến của các nhà sử học cho rằng hình ảnh của bức phù điêu trên nóc mái nhà của dinh Tân Xá gồm hình ảnh 2 con rồng châu đầu vào một cây thánh giá là mang ý nghĩa giao thoa văn hóa của phương Tây và tín ngưỡng của Phương Đông.

Kiến trúc độc đáo mang đậm văn hóa phương Đông - Ảnh: motthegioi.vn

Về tín ngưỡng của phương Đông thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết, ở miền Bắc thì “long, lân, quy, phượng”, còn ở miền Nam thì có “nghê, gà trống, chó, hổ, voi…” là các linh vật đặc biệt để trang trí trong kiến trúc nhà Việt truyền thống. Trong đó, rồng được xem là một biểu tượng văn hóa thiêng liêng và cao quý nhất, xuất hiện trong các kiến trúc của đình, chùa, miếu, cung đình… Do đó, con rồng được chạm khắc trên nhiều vật dụng, kiến trúc là một hình ảnh hết sức quen thuộc trong văn hóa và cuộc sống của người Việt.

Kiến trúc truyền thống trong văn hóa người Việt là làm nhà bằng gỗ - Ảnh: bptv.vn

Còn cây thánh giá là biểu tượng của văn hóa phương Tây. Dinh Tân Xá là công trình được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho việc ở và cầu nguyện của một linh mục. Do đó, hình ảnh rồng và cây thánh giá kết hợp với nhau mang ý nghĩa văn hóa phương tây bước đầu hòa nhập vào phương đông, chúng ta đã sẵn sàng đón nhận những luồng văn hóa mới tân tiến nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc. Mặt khác việc kết hợp này đứng trên góc độ mắt nhìn nghệ thuật cũng làm cho bức phù điêu trở nên mềm mại và hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hơn.

Cận cảnh hình ảnh cây thánh giá ở giữa hai con rồng - Ảnh: Internet

Ngôi nhà cổ kính này đã có tuổi đời ngoài 200 nhưng phần lớn kiến trúc vẫn còn được giữ gìn và bảo quản tốt. Đây cũng là một bài toán khó cho chúng ta để làm sao bảo toàn được một kiến trúc quý giá, mang giá trị lịch sử lớn lao này có thể trường tồn với thời gian. Dành cho những ai chưa một lần đến Sài Gòn, khi đặt chân đến thành phố năng động này, hãy ghé thăm dinh Tân Xá để cảm nhận được dòng chảy lịch sử đang tái hiện sống động trước mắt nhé!




Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social