Khám phá những điều thú vị ở Hà Nội (Phần 2)

Hà Nội không chỉ đẹp trong những buổi sáng tinh sương, đẹp trong ánh đèn lung linh lúc đêm xuống… mà Hà Nội còn đẹp trong cả những gánh hàng rong, những quán ăn vỉa hè. Tất cả điều đó đã tạo nên một Hà Nội vừa gần gũi vừa thân thương.

Hà Nội không chỉ đẹp trong những buổi sáng tinh sương, đẹp trong ánh đèn lung linh lúc đêm xuống… mà Hà Nội còn đẹp trong cả những gánh hàng rong, những quán ăn vỉa hè. Tất cả điều đó đã tạo nên một Hà Nội vừa gần gũi vừa thân thương.

1. Thưởng thức bánh trôi tàu nhà nghệ sĩ Phạm Bằng

Nhắc đến món bánh trôi tàu thì không thể không nhắc tới quán của nghệ sĩ Phạm Bằng ở phố Hàng Giầy – nơi được nhiều người biết đến và có lẽ là đắt khách nhất Hà Nội. Bằng chứng là những hôm trời trở gió, mặc dù biển quán đề bán hàng từ 15h-22h nhưng người ăn đông tới mức chỉ 7h tối, ông chủ đã xua tay “hết bánh rồi”. Giá 1 bát bánh trôi tàu ở đây là 12.000đồng/bát.

Bánh trôi tàu nhà bác Phạm Bằng có đặc trưng vỏ mỏng, dẻo thơm, nhưng nhân bánh và cả phần nước đều được nấu ngọt vừa phải, thanh thanh chứ không hề ngọt sắc. Bánh ở đây, lúc nào cũng nóng hổi, bốc khói thơm lừng hấp dẫn và thú vị đầy tinh tế. Đó chính là những cảm nhận mà người ta dễ dàng trải nghiệm được khi thưởng thức bánh trôi tàu ở cái quán nhỏ đơn sơ, giản dị này.

Địa chỉ thưởng thức:
  • 30 Hàng Giầy, Hoàn Kiếm.

2. Ăn bún đậu ở ngõ Phất Lộc

Con ngõ Phất Lộc, nằm trên phố Hàng Bạc, song song với phố Nguyễn Hữu Huân, bao năm qua vẫn nhộn nhịp và tấp nập. Với chiều dài chưa tới 100m nhưng bấy lâu nay nổi tiếng khắp Hà thành bởi những món ăn làm nức lòng người dân và du khách.

Nhắc đến Phất Lộc là phải nhắc đến bún đậu mắm tôm. Bước chân vào ngõ nhỏ này bạn sẽ thấy các hàng bún đậu trải dài hai bên đường. Nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là quán bún đậu mắm tôm của chị Hương, bất kể ai ăn một lần lại muốn trở lại lần hai.

Bún đậu ở đây đầy đủ các thành phần như bún lá, đậu rán, mắm tôm và rau sống ăn kèm. Bún lá là bún Phú Đô, sợi nhỏ, dẻo ngọt. Đậu cũng là đậu mơ mềm mịn, rán vừa lửa để có vỏ vàng giòn nhưng vẫn giữ đc vị béo ngậy bên trong. Mắm tôm, chanh và một vài gia vị được tạo thành hỗn hợp rồi đánh tan, hòa quyện, dậy mùi.

Một suất bún đậu từ 30.000 đến 35.000đồng. Ngoài ra còn có thể gọi thêm với nộm sứa, đậu nướng, chả cốm, thịt luộc mắm tép, ốc om chuối đậu, lòng dồi….

Địa chỉ thưởng thức:

  • Quán chị Hương, 49 ngõ Phất Lộc, Hoàn Kiếm

3. Bia hơi vỉa hè

Hà Nội nổi tiếng với loại bia “rẻ như bèo”, được sản xuất ra mỗi ngày mà người dân địa phương gọi là “bia hơi”. Bia hơi vỉa hè Hà Nội phục vụ khách suốt cả ngày.

Bia hơi chính thức của Hà Nội được công ty Habeco sản xuất hàng ngày. Bia được lên men suốt cả ngày nên ở mỗi cửa hàng hương vị của nó đều khác nhau, phụ thuộc vào tần suất bán ra. Tuy nhiên, khi màn đêm đổ xuống hầu như chẳng còn sót lại bao nhiêu.

Ở Hà Nội, bạn có thể uống bia hơi ở bất cứ ngõ ngách nào. Tuy nhiên, bia hơi nổi tiếng nhất có thể chỉ tìm thấy trong lòng phố cổ như: Phố Tạ Hiện. Khách uống bia ở đây thường được phục vụ cùng thức ăn và đôi khi còn được thưởng thức những bản nhạc cổ điển của Abba và Boney M qua máy hát karaoke chiếu trên màn hình tivi.

Địa chỉ thưởng thức:

  • Quán Bia Hoi Corner, đoạn giao giữa Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện.

4. Ăn kem Tràng Tiền

Đến bây giờ, nhiều người vẫn đùa, kem Tràng Tiền là dấu ấn của thời bao cấp còn sót lại: Vừa phải xếp hàng, vừa phải ăn kem… đứng. Ấy vậy mà dù mùa đông hay mùa hè, địa chỉ 35 Tràng Tiền chẳng bao giờ vắng khách. Người lớn, thanh niên và cả trẻ con vẫn cứ đứng, ngồi đầy cả đoạn vỉa hè phố Tràng Tiền, thích thú tận hưởng vị mát ngọt đến tê người.

Quanh hồ Gươm, chẳng khó khăn để tìm một tiệm kem sang trọng có ghế ngồi và cả người phục vụ. Kem Tràng Tiền cũng đã có đại lý ở khắp thành phố. Thế nhưng, người ta vẫn cứ thích chen chúc trong hàng kem cũ xưa đông nghịt, mỏi chân khản cổ để mua được cây kem ốc quế, đậu xanh, ca cao…

Có lẽ nếu thiếu đi cái ồn ã của bao tiếng nói cười, cái gió mát rười rượi từ mặt hồ Gươm hay niềm “tự hào”, khi lách ra khỏi biển người với “chiến lợi phẩm” trên tay, que kem như thiếu đi một cái gì đó. Phải tụ tập quanh vỉa hè, vừa ăn vừa tán chuyện với bạn bè, hay nhẩn nha đi bộ vòng hồ Gươm lộng gió, mới thấy hết cái “thú” mà món kem này mang lại.

Địa chỉ thưởng thức:

  • 35, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm

5. Thưởng thức cốm làng Vòng

Nhắc tới cốm Vòng là người ta mường tượng ngay được vị ngọt dẻo, màu xanh mượt mà và hương thơm quyến rũ của hạt gạo non. Cốm Vòng, chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến bao người yêu Hà Nội thấy nao lòng như hồi tưởng về một miền xưa cũ – nơi những gánh hàng chuyên chở hương vị của đồng quê đất Việt.

Để có hạt cốm ngon là không phải là chuyện đơn giản. Cốm phải được thu hoạch vừa đúng lúc. Nếu thu hoạch lúa non ngoài đồng khi sớm quá, hạt cốm sẽ không đủ độ dẻo. Nếu hạt lúa già quá thì sẽ mất mất hương thơm. Khi hạt lúa đã thu nhận đủ ngày nắng thì ấp ủ trong vỏ hạt lúa mới là hương thơm tinh túy. Người Hà Nội vốn cầu kỳ như vậy.

Cũng giống như trà sen, thứ trà được ướp sen hồ Tây. Cốm ở đây bọc trong lá sen được hái buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc. Lúc đó mới là lúc hương sen chuẩn bị tỏa ra khi mặt trời lên. Là một đặc sản Hà Nội, cốm Vòng hấp dẫn bởi sự chế biến tinh tế và cầu kỳ. Có thế, thức quà này mới có thể làm thỏa mãn vị giác tinh nhạy của người Hà Nội và làm say lòng những người yêu Hà Nội.

Địa chỉ thưởng thức:

  • Làng Vòng (thôn Hậu), Xuân Thủy, Dịch Vọng, Cầu Giấy.

6. Những gánh hàng rong

Hà Nội có thể khác xưa, ngày càng hiện đại hơn nhưng những gánh hàng rong thì chưa bao giờ thay đổi, chưa bao giờ chìm vào quên lãng… Thú vị hơn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cửa hàng ngay trên đôi vai những người phụ nữ hoặc cánh đàn ông.

Dọc theo những con đường nơi thủ đô, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều gánh hàng rong bên vỉa hè. Những gánh hàng rong đó đã trở nên quá đỗi thân quen, thường nhật, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân thủ đô và trở thành một nét đẹp độc đáo trong văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Các hàng rong không quá cầu kì về mặt hình thức, chỉ đơn giản là vài chiếc bàn nhỏ và ghế nhựa nhưng lại thu hút được rất nhiều thực khách. Phần lớn thực khách là học sinh, sinh viên và khách du lịch. Bởi đơn giản, họ có nhiều thời gian rảnh rỗi quây quần bên nhau, thoải mái thưởng thức những món ăn địa phương với túi tiền khiêm tốn.

Thật dễ dàng để mua một thứ gì đó: tô phở, chút măng cụt, vài bó hoa hay những vật dụng gia đình và bạn sẽ có những bức ảnh luôn đi kèm với một nụ cười rạng rỡ Việt Nam.

7. Mua báo ở các sạp báo

Đây là một trong những điều mà những người con thủ đô nhớ nhất mỗi khi đi xa khỏi Hà Nội. Báo bây giờ nhiều khi mua cũng không đọc hết (có khi còn không kịp đọc đã cũ rồi), nhưng người ta vẫn cứ giữ thói quen chạy qua Hàng Trống hoặc Phan Huy Chú, nhặt mấy tờ quen thuộc.

Trên thế giới thật ra cũng không hiếm những sạp báo kiểu như vậy, nhưng đối với mỗi người con Hà Nội thì việc mua báo không chỉ là một thói quen, một sở thích mà nó còn nằm trong một phần Hà Nội của riêng họ.



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social