Linh hồn nước Pháp trong những bức tranh tường giữa Quận 13

Khu phố chúng tôi ở thuộc quận 13 bỗng dưng nhộn nhịp khách tham quan, đi ngắm… tranh tường!

Vì công việc, nửa năm tôi mới trở lại Paris, nơi có người thân sinh sống. Khu phố chúng tôi ở thuộc quận 13 – giáp ranh quận 5 và quận 12 – bỗng dưng nhộn nhịp khách tham quan, có thêm hướng dẫn viên. Không phải đi ăn phở, bánh xèo, bánh cuốn… như lâu nay truyền kháo, mà đi ngắm… tranh tường!

Linh hồn nước Pháp trong những bức tranh tường giữa Quận 13

Quận 13 với tôi, thực ra mang nhiều dấu ấn khác chứ không chỉ khu “chợ Tàu” truyền thống. Xưa thật xưa có bệnh viện Pitié-Salpêtrière, trong đó phần Salpêtrière xây thế kỷ thứ XVII làm chỗ giam nhốt phụ nữ, trẻ em bị bệnh truyền nhiễm hoặc phạm tội. Phần Pitié xây sau và ghép với Salpêtrière trở thành bệnh viện lớn nhất châu Âu, nơi cấp cứu công chúa Diana và nhiều chính khách quan trọng.

Xưa vừa là số 6 Villa des Gobelins, nơi Nguyễn Ái Quốc cư trú chung với Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường những năm 1919-1923, trụ sở hội họp của nhóm Ngũ Long (có thêm Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh). Nay thì có Thư viện quốc gia François Mitterand, có các ban Việt học của Đại học Paris 7 – Diderot, và Trường Đại học Đông phương học INALCO nổi tiếng. Có hệ thống rạp chiếu phim MK2 hoành tráng, có cầu đi bộ Simone de Beauvoir mới xây trong ba mươi bảy cây cầu đa sắc vượt sông Seine. Mới tinh, và đối diện villa 6 Gobelins là hệ thống rạp quy mô của hãng Gaumont, nơi không chỉ dùng cho điện ảnh mà còn chiếu các vở kịch hay được ghi hình đúng chuẩn. Kỳ quý hơn, chiếu trực tuyến-đồng thời các vở diễn opera trên thế giới!

Mèo xanh và nước Pháp

Nhưng tranh tường ở quận 13 thì quả là một lý thú bất ngờ. Chúng khiến không gian thị giác trong không khí chính trị nhăm nhe nhuốm màu u ám bỗng tươi vui, rộn rịp. Để thực hiện chủ trương thay đổi căn bản diện mạo đường phố, trong đó có những bức tranh tường đồ sộ; tòa thị chính quận đã tuyển mời các họa sĩ street art quốc nội và quốc ngoại tham gia. Theo thống kê cả quận hiện có hơn trăm bức tranh, tức vài ngày lại có thêm tranh mới! Trang mạng của quận lưu ảnh rất đẹp nhưng tôi thích “tự xử”, và thử lang thang trong bán kính 500 mét quanh nhà.

Búp bê vùng núi Andes

Đầu tiên là bức Le chat bleu (Con mèo xanh) sát trạm metro Nationale. Mèo đẹp cũng vừa thôi, nhưng cái khiến tôi thích thú là nó ở ngay cạnh bức Liberté égalité (Tự do bình đẳng), tác giả Franck Shepard Fairey, trong tư thế… bất bình đẳng: Mèo xanh ở mặt tiền, Tự do bình đẳng có biểu tượng Marianne và cờ tổ quốc ở… trong kẹt. Nơi khác, trong đó có Việt Nam, chắc chắn các nhà quản lý văn hóa quận sẽ bị quở vì “bất kính”! Xứ Tây này rất khác: vị trí thực thể không quan trọng bằng vị trí thể chế, trong tim óc con người. Về nghệ thuật, tôi thích bức Poupée Andine (Búp bê vùng núi Andes) của Inti Castro, khi ông vẫn có thể cho ra tác phẩm mênh mang với khoảng tường ngang, hẹp. Bức Profile (Mặt nghiêng) của David de la Mano hút mắt từ xa với hai màu đen trắng được nối bởi vô số nét thoạt nhìn tưởng chim bay, nhưng tiếp cận sẽ nhận ra bóng dáng con người.

Mỗi tranh dù đẹp, dù chưa thật đẹp đều có ý nghĩa/dấu ấn riêng. Hai bức Photographes (Chụp ảnh) của Jana và JS cũng là hai bức đẹp mà người nữ – tự dưng với tôi – có gương mặt hao hao châu Á! Bức La parisienne (Cô gái Paris) của Zag và Sia đặc biệt do vẽ trên các bậc cầu thang. Bức Les trois âges (Ba thế hệ) của Borondo toát lên nỗi cay đắng khi phải bịt mắt, bịt mồm nhau cùng những nhát vẽ loang lổ. Bức The revolution will be trivialized (Cách mạng sẽ bị tầm thường hóa) của Tristan Eaton mạnh nhưng hơi… khó hiểu.

Mặt nghiêng

Bức Madre secular (Mẹ thế tục), gần metro Chavaleret làm tôi thích nhất do vị trí thanh thoát, đường nét mềm mại, chuyển động màu sắc mượt mà. Nhìn tranh, nếu không được giải thích, bạn sẽ phân vân giữa Đức Mẹ hay phụ nữ Hồi giáo. Có lẽ vậy chăng mà tác giả Inti Castro phải tránh ngay hiểu lầm bằng cách đặt tên tranh là Mẹ thế tục. Mà cũng đúng thôi: tôn giáo, dân tộc, thậm chí sinh vật nào thì Mẹ cũng đồng nghĩa với tình yêu to lớn, dịu dàng…

Bức Bambin en short (Thằng nhóc mặc quần cộc) của Julien Seth Malland sát nhà tôi thực ra không đẹp lắm ngoài những sắc cầu vòng nổi bật, nhưng nó cho tôi khung hình ý nghĩa khi phía trước là bãi đất tan hoang. Rằng cái xứ này không chỉ xây, vẽ thêm, mà cũng… phá. Khu đất hoang có hậu cảnh bức tranh thằng nhóc mặc quần cộc vốn là trường mẫu giáo. Nhưng không phải phá để hóa thân cao ốc hay trung tâm thương mại, mà để xây lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” cho chính trường mẫu giáo năm xưa.

Cô gái Paris

Ba thế hệ

Cách mạng…

Mẹ thế tục

Thằng nhóc mặc quần cộc

Nhà trẻ được phá để xây lại

Vẻ đẹp buồn

Kể thế không có nghĩa mọi sự nơi đây đều đẹp đẽ, lẩn khuất đâu đó vẫn là những con sóng hoang mang, vô vọng mà bức tranh tự phát của ai đó trên trụ điện nhỏ sát nhà tôi là tiêu biểu. Mỗi ngày có dịp đi ngang tôi đều bị cuốn mắt vào cảnh hai đứa trẻ co ro buồn bã, nhưng chưa khi nào dám nhìn lâu vẻ đẹp não nùng kia: Từ hai gương mặt trẻ ưu tư, tôi nhận ra một thế hệ chông chênh mất phương hướng mà nước Pháp đang vật vã đối diện. Mặc những bức tranh hoành tráng, vui tươi, đầu óc tôi vẫn bị hai “vẻ đẹp buồn” kia ám ảnh. Chúng không chỉ gần tôi về địa lý mà cận cả tâm lý, khi chính con tôi cũng đang ở lứa tuổi này, trên xứ sở này. Ám ảnh cả vô thiên “vẻ đẹp buồn” trên đất nước…



Description

Contact

Lolivi
Vietnam

Social